DNM 01

Dương Nghiễm Mậu sinh ngày 19/11/1936. Tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh tại làng Mậu Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Ban đầu, ông viết đoản văn, tùy bút cho phụ trương văn nghệ học sinh của các báo chuyên nghiệp. Năm 1954 vào Nam. Từ năm 1957 viết nhiều: tạp văn, tùy bút, truyện ngắn, truyện dài… Năm 1962, ông chủ trương tạp chí Văn Nghệ với Lý Hoàng Phong, đồng thời viết cho Sáng Tạo, Tia Sáng, Văn Học… Sau đó, ông chuyển sang ngành vẽ tranh sơn mài từ năm 1977.
Ông từ trần vào ngày 2 tháng 8 năm 2016.

Để tưởng nhớ một nhà văn tên tuổi của Văn Học Miền Nam vừa qua đời. Trang Tưởng Nhớ ghi lại những đoạn trích ngắn của bằng hữu viết về ông – Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
_______

Dương Nghiễm Mậu. 2011Dương Nghiễm Mậu. 2011

*… Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên văn đàn miền Nam cách đây ngoài 10 năm, như một chứng tích. Cái chứng tích đó là nỗi bơ vơ của tuổi trẻ, của một thế hệ tuổi trẻ đang sống giữa cuộc sống không thuộc về mình. Cái tuổi trẻ nào đó được tô hồng trong những dạ hội, dưới mái đại học, hay rong chơi quanh năm với bốn mùa tình tự, đều ở ngoài tầm tay của Dương Nghiễm Mậu. Cuộc sống đối với Mậu là cái gì quá khe khắt, quá cứng rắn và từ đó mỗi suy nghĩ, mỗi hành động hình như, ít nhiều gì cũng để chống đối cuộc đời. Những xấu xa, ti tiện, lòng ganh ghét và đố kị thấp hèn, trộn lẫn với tình thương yêu con người làm giọng văn của Dương Nghiễm Mậu vừa phẫn nộ vừa chua xót”… (Tạ Tỵ)

download
*… Ngôi nhà Nghiễm trong con hẻm với mặt tiền hẹp nhưng khá sâu. Nghiễm mặc quần soóc, áo thun trắng, đôi mắt rất tinh anh lúc nào cũng như mỉm cười, trông trẻ hơn tuổi của một người sinh năm 1936.
Tuy sống gần khu Chợ Cũ, sẵn những quán ăn vỉa hè và nhà hàng, rất tiện cho nếp sống cơm hàng cháo chợ, nhưng thường sau một ngày làm việc, thay vì về nhà tôi ghé nhà Nghiễm, được chị Trang vợ Nghiễm cho thêm chén thêm đũa với những bữa ăn đạm bạc nhưng ngon miệng vì là bữa cơm hạnh phúc gia đình. Trong tù, tôi và Nghiễm thì đã quen với những bữa ăn đói ngày đêm, ra ngoài tuy rau đậu nhưng cũng là bữa tạm no. Người lớn thì không sao, nhưng với trẻ nhỏ đang tuổi “mau ăn, chóng lớn” thì khẩu phần ấy phải xem là suy dinh dưỡng. Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi. Chỉ có cô giáo Trang vợ Nghiễm sau một ngày dạy học mệt nhọc nhưng lúc nào cũng có đôi chuyện vui từ trường đem về gia đình. Miền Nam tài nguyên thì vẫn nguyên vẹn, nhưng đã có chính sách bần cùng hoá kiểm soát từng bao tử của người dân qua khẩu phần và sổ lương thực của họ. (Ngô Thế Vinh)

DNM 04Nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Hình Cao Lĩnh)

      *…Trong những nhà văn Việt Nam thuộc thế hệ 1960-70, Dương Nghiễm Mậu đứng riêng một cõi, cô đơn, dường như không bạn đồng hành và đã tạo được thế giới văn chương Dương Nghiễm Mậu, đầy khúc mắc, trăn trở mà người đọc nhiều thập niên sau sẽ còn phải nhiều lần nghiêng xuống Mậu truyện để tìm biết những gì đã xẩy ra trong lòng thế hệ này.
Thế hệ tan nát như trái phá, bị dày xéo bởi nô lệ và nhược tiểu. Và cũng để nhận diện những khám phá, những tìm tòi của Dương Nghiễm Mậu về lối cấu trúc truyện ngắn và tiểu thuyết; cùng cái nhìn vô vọng của ông về một cõi người không lối thoát, bị bủa vây bởi hận thù và tàn ác, âm thầm cùng đi vào cõi chết với nhau trong rã rời, tan tác, không hiểu nhau và không hiểu cả chính mình. (Thụy Khuê)

*…Tôi với nhà văn tuy không phải là chỗ thân tình, chỉ đôi lần gặp gỡ, nhưng tôi đọc văn ông lúc tôi còn khá trẻ, những cuốn sách của ông như Cũng đành, Gia tài người mẹ, Đêm, Đêm tóc rối, Tuổi nước độc, Đôi mắt trên trời, Sợi tóc tìm thấy, Nhan sắc, Phấn đấu, Kinh cầu nguyện, Gào thét, Ngày lạ mặt, Địa ngục có thật… Là những cuốn mà những người tuổi trẻ mê văn chương thời ấy luôn tìm đọc. Những tác phẩm này tiêu biểu cho không khí văn chương nghệ thuật của miền Nam nước Việt tự do thời chiến tranh.
Đó cũng là một thời tuổi trẻ đầy khát vọng của tôi.(DoDuyNgoc)

*…Bằng sự có mặt của mình, ông và những nghệ sĩ có gốc gác, cốt cách và tài trời như ông đã làm cho cuộc di dân chua xót từ Bắc vào Nam năm 1954 trở thành một cơ may văn hóa của người Việt. (Lê Minh Hà)

DNM 03Từ trái: Đỗ Quý Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Trần Dạ Từ (1957)

       *… Bất ngờ và đau đớn khi được tin anh mất – anh Phí Ích Nghiễm, một người con của xứ Hà Đông quê lụa sống ở Sài Gòn từ năm 18 tuổi, lấy tên mình ghép với hai chữ đầu tên quê nội ngoại thành bút danh nhà văn Dương Nghiễm Mậu.
Nhớ anh, lần gặp đầu ở nhà riêng tại Sài Gòn sau vụ bốn tập truyện ngắn của anh được công ty Phương Nam và Nxb Văn Nghệ in lại bị “đánh”, tôi có bài viết trên báo Thể Thao & Văn Hóa về bốn tập này cũng bị “đánh”, câu đầu tiên anh hỏi: ông có bị sao không, tôi đọc báo Nhân Dân phê bài ông viết về tôi mà tôi lo cho ông.
Nhớ anh, những lần anh ra Hà Nội đều gọi cho tôi, hai anh em ngồi vỉa hè uống cốc cà phê hay chè chén, nói chuyện lung tung. Nhớ ngày 16 tháng 9/2008, tôi đã chở anh đến viếng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng gặp gỡ anh Nghiêm Xuân Sơn, người con rể của tác giả “Số đỏ” đồng tuế với anh. Buổi tối ấy tôi đã đưa anh đến gặp gỡ các bạn văn chương nghệ thuật tại nhà của vợ chồng Peter Zinoman – Nguyệt Cầm (có nhà văn Nguyên        Ngọc, Lê Minh Khuê, đạo diễn Trần Quốc Trọng, vợ chồng Jason Picard – Thanh Lưu).
Nhớ anh, khi gặp nhau ở Sài Gòn uống bia, hỏi anh câu chuyện văn chương quanh nhóm “Sáng tạo” của Mai Thảo, rồi sau này đọc một bài viết kỹ càng của anh mới hiểu hơn đời sống văn học Sài Gòn thời đã qua.
Nhớ anh, nét bút đề tặng sách còn như mới hôm qua.
Nhớ anh, với mối quan hệ đặc biệt thân tình với Jason Picard, một nghiên cứu sinh người Mỹ về lịch sử hiện đại Việt Nam nay đã thành tiến sĩ. Anh và tôi đã cùng lo cùng mừng cho Jason, và chàng “Sơn Mỹ” rể Việt Nam này cùng với vợ đã rất yêu quý trân trọng anh. Anh mất đi, Jason và Thanh Lưu sẽ rất đau buồn và hụt hẫng.
Nhớ anh, nhớ nhiều, anh Nghiễm ạ. Cầu chúc cho anh ở phía trời kia vẫn ngó về phía trời này để vẫn sẻ chia những hệ lụy trầm luân của kiếp người và kiếp cầm bút như anh đã từng trăn trở lâu nay trên các trang viết của mình. (Phạm Xuân Nguyên)

*… Anh thích người dưng gọi mình là ông thợ sơn mài.
Lần đầu tôi đến nhà anh, nhìn tấm tranh sơn mài chân dung Đức Chúa Jesus treo trên tường, gần với bàn tiếp khách, tôi ngồi ngó hoài, ngó để tránh thất lễ vì tôi luôn muốn nhìn anh để được cuốn hút vào đôi mắt rất sáng và rất sắc của anh.
Tôi không có câu chuyện gì để kể về anh, chưa tặng anh tập thơ nào cũng như anh chưa từng muốn để lại trong tôi vài câu chuyện văn và nghiệp văn chương của anh.
Những gì tôi biết về anh đều qua việc đọc các tác phẩm đã in của anh.
Tôi không muốn đi quá vị trí của một độc giả thế hệ văn nghệ sau biến cố 1975; tôi muốn gìn giữ trạng thái cảm xúc trước một nhà văn lớn đáng kính trọng, rồi thu mình lại giữ ranh giới giữa độc giả và nhà văn.
Có lần đến thăm anh khi anh vừa qua khỏi cơn đột quỵ nhẹ.
Tôi nghe anh Trịnh Cung hỏi. “Sao toa không viết hồi ký?” Anh cười; đó là lần đầu tôi thấy từ đôi mắt thấu thị của nhà văn ánh nhìn thanh thản.
Anh nói: “ Lâu nay moa là thợ tranh, hồi ký cái gì!”
Lần nào ghé thăm anh, tiễn tôi ra về, anh đều nói:
“Cậu thỉnh thoảng ghé tôi chơi, có gì mới đem cho tôi đọc.”
Hôm nay, tôi ngồi đục mưa trong quán cà phê, nhận tin nhắn cho biết anh mất đêm qua.
Sài Gòn mấy ngày nay mưa mù trời, mù người. Bỗng nhiên hình ảnh của anh hiển hiện khiến tôi nhớ bài hài cú của thiền sư Ba-Sô.
“Lữ khách!
Xin gọi tôi là thế
Cơn mưa thu này.” (Trần Tiến Dũng)

DNM 02Nhà văn Dương Nghiễm Mậu (Tranh Đinh Trường Chinh)

Nhớ về nhà văn Dương Nghiễm Mậu , tôi luôn nhớ đến tấm ảnh do Trần Cao Lĩnh chụp ông, in trong “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta”. Đó là một tấm ảnh đẹp. DNM nhắm mắt , cười mỉm dưới một cái đồng hồ gãy kim. Vô thời gian và không gian Như một số không khí trong truyện DNM. Cả nhân vật, cũng đôi khi là “vô căn cước”.
Tôi lấy cái ý hình, vẽ vội một tấm chân dung gọi là nhớ Ông, một người vô cùng tài hoa trong gia đình (dường như, khó tính và cá tính).
Ly rượu trong tranh, để nhớ “Rượu, Chưa Đủ”, một trong những sáng tác đầu tiên đăng trên Sáng Tạo bộ cũ, 1-2/1959. Khơi mở con đường văn chương độc sáng của một DNM sau này.
Xa xôi quá, tôi tạm sơ sài mời người vừa khuất. (Đinh Trường Chinh).