NguyenHuuHao 01Chủ nhân café, nhà hàng Lan Hương, cựu Trung úy TQLC, ông Nguyễn Hữu Hào đã từ trần ngày 21 tháng 7 vừa qua, tại bệnh viện Orange Coast Memorial Medical Center, thành phố Fountain Valley, California, hưởng thọ 76 tuổi.

Sinh trưởng tại thành phố Đà Lạt, trước khi nhập ngũ, để rồi trở thành Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 TQLC, ông Nguyễn Hữu Hào là nhân viên dân chính của sở Hỏa Xa Đà Lạt. Thời còn là công chức cũng như khi đã trở thành một sĩ quan của một trong những binh chủng tinh nhuệ nhất QL/VNCH, ở vai trò nào ông Nguyễn Hữu Hào cũng được nhiều người yêu mến vì tính can trường, không nề hà bất cứ một công việc nặng nhọc hay khó khăn nào.

Riêng thời gian phục vụ trong quân đội, tính đến ngày 30 tháng 4-1975, trước khi trải qua nhiều năm tù cải tạo, ông Nguyễn Hữu Hào còn được tuyên dương “Chiến sĩ xuất sắc” với thành tích bắn hạ nhiều xe tăng của bộ đội CS miền Bắc vào những năm đầu thập niên 1970, khi chính quyền Hà Nội công khai xua quân xâm chiếm miền Nam.

Chính thành tích lẫy lừng này mà ông đã được đồng đội gọi ông một cách thương yêu, quý mến là “Ông già M-72”. Danh hiệu ấy vẫn được đồng đội, kể cả những người không cùng binh chủng với ông, biết tới và nhắc đến với tất cả lòng khâm phục trong những năm tháng cuối đời ông ở hải ngoại. Vinh dự ấy của ông còn được kể lại, nhắc đến thường xuyên hơn khi ông cùng gia đình chính thức dựng bảng Café, Nhà hàng Lan Hương, ở góc đường Westminster / Euclid, thành phố Garden Grove, miền nam Cali.

Tôi nghĩ có lẽ chưa có một tiệm café, nhà hàng nào lại được khách hàng trìu mến đặt cho nhiều “nick-name” như Café Lan Hương của người cựu sĩ quan TQLC này.

Để bày tỏ lòng thương yêu Café, Nhà hàng Lan Hương, có người gọi đó là “Cà phê HO, Garden Grove”. Số người khác lại gọi là “Cà phê ông già M-72”. Vắn tắt hơn và cũng không kém phần thương mến, những khách hàng gốc Đà Lạt gọi đó là “Cà phê ông Hào”…

Nhưng dù với tên gọi… không chính thức nào thì cà phê, nhà hàng Lan Hương của ông Nguyễn Hữu Hào vẫn là nơi quy tụ của nhiều thành phần tỵ nạn ở miền nam Cali. Trong đó có cả một số văn nghệ sĩ, thân hữu như các ông: Vương Trùng Dương, Nguyễn Hữu Công, Nguyễn Khả Lộc, Du Tử Lê, Phạm Gia Cổn, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Lương Vỵ, Phạm văn Bình, Lý Khải Bình, Nguyễn Bình Hòa, Trạch Gầm, Cao Xuân Huy, Đặng Phú Phong, Phạm Trần Anh, vân vân…

Đặc biệt mỗi cuối tuần Cà phê, Nhà Lan Hương cũng là nơi họp mặt thường xuyên của một nhóm cựu sĩ quan Cảnh Sát và cựu chiến binh TQLC. Những ngày này, dù quán đã kê thêm bàn ở sân trước và dọc hành lang khu thương xá, vậy mà đôi khi vẫn không đủ chỗ cho những người tìm đến cà phê, nhà hàng Lan Hương, như tìm đến một nơi chốn gia đình, quen thuộc của họ.

Không kể những người con của thành phố Đà Lạt thơ mộng, những người Việt ở các tiểu bang khác vì nghe tiếng Cà phê, Nhà hàng Hương Lan, nên mỗi khi về chơi miền nam Ca Li, cũng đã tìm cách ghé lại Lan Hương, để nhấm nháp ly cà phê hoặc những món ăn nổi tiếng được nấu bởi bàn tay nâng niu của bà Nguyễn Hữu Hào.

Cà phê hay nhà hàng Lan Hương nhận được sự yêu mến nồng nàn của đủ mọi thành phần xã hội trong tập thể người Việt tỵ nạn, không chỉ bởi vì con người cá nhân ông già M-72. Cũng không phải chỉ bởi vì những món ăn độc đáo của bà Nguyễn Hữu Hào mà còn vì những việc làm khởi đi từ tinh thần quan tâm, chia sẻ một số sự kiện quan trọng, hữu ích nào đó của ông Nguyễn Hữu Hào dành cho thân hữu Lan Hương nữa.

Đó là những lần ông Hào bỏ tiền, công sức đi copy những bản tin liên quan tới sinh hoạt chung của cộng đồng, tập thể… Ông cũng là người copy, phân phối cho mọi người những tin tức liên quan tới quyền lợi của tập thể tỵ nạn. Thí dụ như tin chính phủ sẽ phát không Cell phone cho những người có lợi tức kém…

NguyenHuuHao 02

Cũng vậy, phần mình, bà Nguyễn Hữu Hào cũng ân cần, nhiệt tình chỉ dẫn hay giới thiệu cho những người bị những chứng bệnh hiếm gặp với những ông, bà thầy có khả năng điều trị những chứng bệnh hiếm gặp đó. Bà Hào cũng là người mau mắn ghi lại những toa thuốc gia truyền cho những ai mắc phải một số chứng bệnh đã được điều trị lâu ngày mà vẫn không hết…

Ở lãnh vực này, cả ông lẫn bà Nguyễn Hữu Hào và địa chỉ Lan Hương không còn là một quán cà phê hay nhà hàng mà đã trở thành địa chỉ chung của một đại gia đình, của những người quan tâm tới đời sống hàng ngày, tới tinh thần và sức khỏe của những thành viên thuộc đại gia đình ấy.

Nhưng dù nhận được không biết bao nhiêu là tình cảm của đủ mọi thành phần, cũng như mọi khuynh hướng khác nhau của cộng đồng tỵ nạn, cuối cùng vì lý do sức khỏe ông bà Nguyễn Hữu Hào đã phải quyết định sang nhà hàng Lan Hương cho người khác cách đây đâu cũng đã trên hai năm (?)

Có người cho biết đó là thời gian xạ thủ diệt tăng nổi tiếng tiểu đoàn 2 TQLC, Nguyễn Hữu Hào cảm thấy sức khỏe của ông có những dấu hiệu sa sút, bởi định luật suy thoái bất biến của mỗi đời người…

Sự đổi chủ hay sự khép lại cánh cửa cà phê nhà hàng Lan Hương, một nơi chốn của nhiều HO, cựu nhân viên dân chính, cảnh sát, thân hữu… đã khiến những người này như đàn chim mất tổ! Họ tán lạc tới nhiều quán cà phê, nhiều nhà hàng khác…

NguyenHuuHao 03

Dù dạt trôi đến nơi nào, ở đâu, trong sâu thẳm của những người khách Lan Hương cũ, vẫn thầm mong, một ngày nào đó, họ sẽ được gặp lại ông già M-72 khi sức khỏe của ông cho phép…

Dẫu vậy, trong vòng trên dưới một năm qua, những tin xấu về tình trạng sức khỏe của ông già M-72 đã được một số “thành viên gia đình Lan Hương” truyền tai nhau với nhiều lo lắng. Họ cầu xin cho người cựu chiến binh TQLC vượt qua khó khăn, sớm bình phục trở lại. Dù nói ra hay không, hầu hết thân hữu của nhà hàng Lan Hương vẫn thầm mong có ngày họ sẽ được đón nhận tin vui. Đó là ngày cà phê hay nhà hàng Lan Hương sẽ mở cửa lại, để đàn chim tán lạc khắp nơi có lại nơi hội ngộ, giống như sự được trở lại với “Bến cũ” thân yêu của họ…

Nhưng cuối cùng, tin sét đánh cũng đã đến với mọi người! Đó là tin cựu Trung úy TQLC của Tiểu đoàn 2 đã vĩnh biệt đồng đội, vĩnh biệt anh em bằng hữu bốn phương để về với quê cha đất tổ, nơi ông có nhiều năm hy sinh tuổi trẻ của mình. Nơi ông từng đổ máu nhiều lần tại trận địa, để mang lại sự bình an cho đồng bào…

Với cá nhân người viết bài này thì tiếc thay, chiến địa đã không thể đốn ngã người chiến sĩ mũ xanh một thời tên Nguyễn Hữu Hào, mà bệnh ung thư đã đem ông vĩnh viễn chia tay gia đình, bằng hữu khắp nơi!

Được biết vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 30 vừa qua, ông già M-72 đã được đồng đội phủ cờ vàng ba sọc đỏ trên chiếc quan tài của ông để một giờ sau, thân xác ông được hỏa táng trong nước mắt và tiếc thương không chỉ của những người thân trong gia đình, mà còn của tất cả những ai trong cuộc đời phù du này, nhớ rằng đã từng có sự hiện diện của một người đàn ông có một đời sống đáng trân trọng là ông Nguyễn Hữu Hào.

Trong niềm tưởng nhớ khôn nguôi của những người còn lại, xin ông thanh thản ra đi và sớm phiêu diêu miền cực lạc.

Thân hữu Lan Hương Quán.