Bên Tây… lắm chuyện: Bạc giấy, giấy bạc

Từ Nguyên

Nơi đây không nhận tiền mặt. No cash, please! Chỉ nhận credit card, hay từ máy điện thoại cầm tay.

Tại sao làm vậy, bà chủ trả lời rằng mọi người biết mà, vì quá tiện lợi. Xu thế thời đại, máy làm hết, mình khỏi lo. Khỏi cần người đứng thu tiền, không cần hộc để tiền với nhiều ngăn để bạc cắc, tiền giấy. Nơi đây, không có tiền mặt.

Có tiền là phải lo giữ tiền. Giấu tiền. Mỗi lần có kẻ hung hăng bước vào là một lần lo lắng. Bây giờ thì khỏe rồi. 

Mời đi nơi khác

Nơi đây không có tiền mặt. Cashless! Mấy chú cần tiền, đem dao, súng tới chỗ khác. Caisse không có tiền. Khách hàng ăn của chúng tôi thuộc thế hệ mới, đeo đồ giả, trang sức cho vui chứ không phải khoe của.

Thế nhưng nhà hàng phải trả hoa hồng cho công ty quản trị cards. Ðồng ý, chúng tôi mặc cả tới mức tối thiểu.

Công ty cung cấp credit card dành cho khách hàng một số bảo đảm khác mà nơi khác không có. Có qua có lại. 

Luật cho phép hay không

Không lấy tiền mặt, không sợ mất khách? Khách nào? Thời buổi này, người ta chỉ có tấm thẻ trên người và điện thoại. Nhất là du khách, người trẻ. Luôn luôn trả bằng card, không như khách quen trong khu phố.

Thế không sợ máy móc trục trặc? Mạng lưới bỗng dưng tắt nghẽn hay là điện không chạy. Ôi, ba thì mười họa mới có.

Tất cả những chuyện đó đã được tính trước rồi khách hàng hay bạn đọc khỏi lo. Chỉ lo rằng luật pháp không cho phép nhà hàng này làm như vậy mà thôi.

Nơi nào không có phép thì rồi đây, luật sẽ thay đổi, tập quán mới khó, luật dễ mà. 

Malmo tiên phong

Trên đây không phải là chuyện hoang tưởng. Malmo, thành phố phía Nam Thụy Ðiển đã có nhiều hiệu ăn, cửa hàng làm như vậy. Chúng tôi chỉ nhận thẻ tín dụng. Ngay trước cửa đi vào, tấm bảng ghi rõ như vậy không thể lọt qua mắt ai.

Trong phòng, để cho ai đi vào mà không thấy, còn được nhắc thêm: Ðây là tiệm ăn không xài bạc giấy.

Xe buýt ở Malmo cũng vậy. Từ năm 2011, xe buýt không nhận tiền mặt, chỉ nhận card. Nhà thờ Saint Jean ở Malmo khuyến khích con chiên tặng tiền bằng SMS hay qua mạng Swish, một mạng để chuyển tiền tại các ngân hàng lớn. 

Thụy Ðiển, nước đầu tiên

Thụy Ðiển là nước đầu tiên trên thế giới dùng bạc giấy, tiền kẽm. Ðó là từ năm 1661. Ngày nay, Thụy Ðiển sẽ là nước đầu tiên từ bỏ bạc giấy, tiền kẽm, chính thức kể từ năm 2021.

Nhà nước ngưng in tiền từ lâu. Năm 2002, Thụy Ðiển nhượng quyền quản trị Sở Ðúc Tiền cho nước láng giềng Phần Lan, nhưng rồi Phần Lan cũng dẹp bỏ chín năm sau.

Trong nước chỉ có 2% giao thương bằng tiền mặt. Nhà nước cho phép thương gia từ chối không nhận tiền mặt, một điều trái ngược với nguyên tắc căn bản chung của thế giới. Ðan Mạch, nước láng giềng, giành quyền quyết định này cho các thương gia. 

Dân xứ nào muốn bỏ?

41% người Ý được hỏi, cho biết muốn bỏ tiền giấy. Hoa Kỳ, 38%, Tây Ban Nha 37%, cả Âu Châu 34%.

Pháp có 30% muốn bỏ, cũng như Ðức, 30%. 23% người Hòa Lan, 21% người Anh. Chuyện lạ là nơi nào tiền giấy đang được dùng nhiều, nơi đó có đông người kh ông muốn dùng tới nữa. (Theo ING International Survey) 

Nước Pháp, còn lâu!

Ở Pháp, không ai có quyền từ chối người khác trả tiền cho mình bằng tiền giấy, nếu số tiền đó dưới mức luật ấn định.

Mức luật định là 1,000 euro (là 10,000 nếu cư trú ngoài nước Pháp). Nếu khách hàng trả dưới 1,000 euro bằng tiền mặt, người bán phải nhận. Quá số đó, phải trả bằng cách khác (chi phiếu, thẻ tín dụng…) không được trả bằng tiền giấy.

Chưa đổi luật đó, không ai có thể từ chối tiền mặt khi trả vài trăm euro. Chưa làm được như ở Malmo! Một vài cửa hàng phá lệ, tuy nhiên, cho tới nay, chưa bị thưa kiện. 

Tài liệu của Liên Hiệp Âu Châu

Ðầu năm nay, một tài liệu nghiên cứu của Liên Hiệp Âu Châu dự phóng không còn xài tiền giấy kể từ năm 2018. Tài liệu này được xếp hồ sơ, đề nghị không được giữ lại, vấn đề không được đem ra thảo luận một cách chính thức.

Thế mà tài liệu đã bị tiết lộ và còn bị xuyên tạc, nói rằng LHAC sẽ quyết định như vậy. Làm nhiều nước hoảng hồn.

Dù sao, ngày đó, không sớm thì muộn, thế nào cũng tới. Ngày mà thế giới không còn dùng bạc giấy, không dùng đồng tiền. Bạc giấy, giấy bạc chỉ còn là những vật kỷ niệm của một thời đã qua! Quanh ta, tất cả, là những con số trên màn kiếng.