Thursday, April 25, 2024

Bên Tây…lắm chuyện: Ðảng Xã Hội Pháp: Sau cơn bão dữ

Từ Nguyên

Ván bài chót sẽ là như thế này : Ðảng bán trụ sở ở số 10 đường Solférino, Quận VII Paris. Dời đi nơi khác, gom quân lại… Trước đó, họp nội bộ… Sau đó, chưa biết ra sao. Ðổi tên, hay phân tán thành nhiều nhóm, mỗi nhóm một con đường?

Chưa gì, có người đã viết giùm một mẫu rao vặt trên Leboncoin.fr:

Bán. Một dinh thự có tính cách lịch sử. Mới đây là trụ sở của đảng Xã Hội Pháp, ở số 10 đường Solférino Quận VII Paris. Lý do: kết quả bầu cử tệ hại. Có thể sửa sang thành một viện bảo tàng dân gian nước Pháp. 30 phòng. Diện tích 500 m2.

Nơi đây không ghi giá. Một tài liệu khác cho biết giá bán là 70 triệu euro. Có thể bán từ 60 đến 70 triệu euro. Một thước vuông nơi đây giá 15,000 euro. 

Kết quả tệ hại

Kết quả của kỳ bầu cử lập pháp năm nay thật là tệ hại cho đảng. Từ một đảng có tới 295 dân biểu trong Hạ Viện năm 2012, lần nay chỉ còn có 29. Còn đủ để lập thành một nhóm trong Hạ Viện. Vòng đầu, chỉ được có 9.51% số phiếu. Vòng nhì 5.68% số phiếu.

Chiều ngày 11 Tháng Sáu, Jean-Christophe Cambadélis, đệ nhất bí thư thấy rõ sự thật phũ phàng. Là dân biểu Quận XIX Paris từ 20 năm nay, dự tranh kỳ này, ông “đèn đỏ” chỉ được có 8.6% số phiếu. Bị loại ngay vòng đầu bởi những người xa lạ.

Họ là những người xa lạ đối với chính trường, với địa phương. Mounir Mahjoubi, người của Macron, La République En Marche (LREM), được 38.1% số phiếu, Sarah Legrain trong La France Insoumise của Jean-Luc Mélenchon 20.8% và Dan Lert, đảng Xanh, Europe Ecologie Les Verts, 10.7%.

Chiều Chủ Nhật, 18 Tháng Sáu, sau khi có kết quả vòng nhì của cuộc bầu cử lập pháp, ông đệ nhất bí thư tuyên bố từ nhiệm. “Phe tả rồi đây phải thay đổi hết, từ hình thức đến nội dung, từ tư tưởng tới cơ cấu tổ chức để mở đầu một chu kỳ mới,” lời của Cambadélis. 

Mất hết các hậu cứ

Hầu hết các hậu cứ đều mất vào tay của đảng LREM. Phía Bắc, Nord, Pas de Calais, xuống Seine Saint Denis, ở miền Trung, Dordogne, phía Tây Nam Les Landes và Hautes Pyrénées.

Sau hai vòng bầu lập pháp, mọi người thấy rằng đảng đã phải nhượng cho LREM những đơn vị từng là của Mitterrand, Mauroy, Fabius, Rocard, Holland và Ségolène Royal.

Martine Aubry, thị trưởng thành phố Lille, một kiện tướng thành đồng của đảng, cuối Tháng Năm, tuyên bố từ bỏ chính trường. Tự thú nhận hết sức là buồn bã, bà nói: “Năm nay 66 tuổi, tôi có cảm tưởng là tất cả những gì đã làm trong đời tôi cho tới nay đều là hư hỏng, đổ vỡ. Thế mà đó là điều tôi đã tin tưởng.”

Từng là bộ trưởng Lao Ðộng và Công Nghiệp từ năm 1991 đến năm 2000, bà là tác giả bộ luật cải cách giảm giờ làm việc từ 39 xuống còn 35 giờ… khiến cho nền kinh tế Pháp lụn bại thê thảm. Bà là đệ nhất bí thư của đảng từ 2008 đến năm 2012.

Tại sao thất vọng? Tại vì đảng mất quyền hành hay mất niềm tin của dân. Cả hai, từ cái nọ tới cái kia. Và khi mất phiếu, mất tiền trợ cấp. 

Mất phiếu, giảm trợ cấp

Bầu cử lập pháp có tính cách quyết định đối với ngân sách của đảng.

Vòng đầu, mỗi lá phiếu đem lại cho đảng 1.42 euro. Với 7,618,326 phiếu nhận được năm 2012, đảng được mỗi năm 10.8 triệu euro trong năm năm vừa qua.

Kỳ này, xin hãy làm con tính. Ðảng chỉ nhận được 1,685,773 phiếu, tương đương với 2.4 triệu mỗi năm trong năm năm tới. Thất thu 8.4 triệu mỗi năm.

Còn nữa. Nhà nước trả cho mỗi dân biểu hay nghị sĩ 37,443 euro mỗi năm. Từ 295 dân biểu năm 2012, nay còn lại 29 dân biểu. Thất thu không phải là ít.

Số đảng viên ngày càng giảm sút. Một tài liệu từ trong đảng cho biết số đảng viên có trả niên liễm năm 2015 có 86,171 người. Theo nội quy, một đảng viên có quyền không trả niên liễm trong một năm.

Theo Canard Enchainé, cuối năm 2016, số đảng viên chỉ còn 43,000.

Sa thải nhân viên

Số nợ của đảng từ năm 2012 là 43.5 triệu euro.

Ðể giảm chi, đảng sẽ sa thải nhân viên. Từ 250 nhân viên năm 2012, nay còn 110 nhân viên làm việc lãnh lương của đảng. Số này sẽ còn rút xuống.

Giữa Tháng Tư, nhân viên đình công vì điều kiện làm việc không thích đáng, thiếu sự đối xử tương kính. Những người đình công không được tiếp xúc với báo chí. “Chỉ có chính trị gia mới có quyền tiếp xúc với báo chí,” một thông tin nội bộ cho biết.

Tình hình lúc này còn gay cấn hơn. Nhưng một nhân viên lưu ý, không ai bắn vào xe cứu thương. 

Không còn đất đứng

Ðảng Cộng Sản Pháp còn sống hay chết từ năm nào không ai để ý. Thật sự vẫn còn. Vòng đầu lập pháp năm nay, khi đi với La France Insoumise của Jean-Luc Mélenchon, nhóm Ðệ IV vốn là cựu thù, đảng CS được 615,503 phiếu, chỉ bằng 1/3 số phiếu của Xã Hội. Cũng còn được 17 dân biểu, trong khi Front National chỉ có 6.

Tới lượt đảng Xã Hội. Ðã mấy lần giẫy chết, lần này thất sủng. Từ 295 xuống còn 29. Nếu giữ nguyên xi, không còn chỗ cho đảng trong địa bàn chính trị nước Pháp.

Bên phải có đảng của Macron, như diều gặp gió. 306 ghế trên 577. Bên trái, Jean-Luc Mélenchon bao sân, cũng là ngôi sao đang lên. Ðảng hợp tác với ai bây giờ? 

Romania điều tra việc trẻ em bị gửi sang Pháp để trộm cắp

Ðổi tên hay biến dạng

Một cựu dân biểu tự đặt câu hỏi và trả lời: Ðảng Xã Hội chết? Chưa đâu, xin chờ 30 năm nữa đi. Sức sống đó, nếu còn rải rác, tới từ địa phương chứ không còn ở trung ương nữa.

Dù sao thì đảng sẽ không còn như ngày nay. Ðệ nhất bí thư Cambadélis muốn đổi tên, đánh lừa thiên hạ. Có người muốn biến cải. Có ít nhất ba chiều hướng muốn biến cải đảng:

Cánh hữu của đảng, cựu Thủ Tướng Manuel Valls, người muốn theo Macron để giữ ghế dân biểu, mơ thành lập một nhóm của những người xu hướng cấp tiến lãnh đạo đảng.

Cánh tả, nhóm của Benoit Hamon, thảm bại trong cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp năm nay, liên kết với những người chủ trương bảo vệ môi trường và đảng viên Cộng Sản.

Nhóm ở giữa, đông đảo nhất, trong đó có cả Anne Hidalgo, đô trưởng Paris muốn phục hoạt đảng trên đống tro tàn do cựu Tổng Thống Francois Hollande để lại. Ðó là chuyện của những ngày sắp tới. 

Một chút hoài niệm

Ðảng Xã Hội được thành lập năm 1969, tiếp nối SFIO ra đời từ năm 1905. (SFIO, Section francaise de l’Internationale ouvrière, phân bộ Pháp của đảng Lao Ðộng Quốc Tế.) Alain Savary cầm đầu. Mới đó mà gần 50 năm.

1971, đại hội đảng tại Epernay ủng hộ Francois Mitterrand. Mười năm sau, 1981, Mitterrand là tổng thống tả phái đầu tiên của Ðệ V Cộng Hòa. Tái cử năm 1988.

1993, thất bại chua cay trong cuộc bầu cử lập pháp: đảng chỉ còn 53 dân biểu.

1995, Lionel Jospin bị Jacques Chirac hạ bệ trong vòng nhì bầu cử tổng thống. 1997, Chirac giải tán Quốc Hội. Tả phái thắng, Lionel Jospin được mời làm thủ tướng. 2002, Lionel Jospin bị loại ngay vòng đầu bầu cử tổng thống.

2012, sau khi Francois Hollande đắc cử, đảng Xã Hội cầm đầu đa số thành phố lớn và các vùng, đa số trong Thượng Viện từ năm 2011 và Hạ Viện từ năm 2012. Năm năm sau, hết nhiệm kỳ của Francois Hollande, đảng mất gần hết.

MỚI CẬP NHẬT