Friday, April 19, 2024

Chân dung thơ Thọ Khương qua chữ, nghĩa

Du Tử Lê

Từ khi phong trào Thơ Mới (còn được gọi là Thơ Tiền Chiến) rực rỡ chiếm lĩnh sinh hoạt thi ca Việt, đẩy lui dòng thơ cổ điển, xây dựng trên căn bản thơ Ðường luật thì, tâm cảnh cũng như ngữ cảnh của thi ca chúng ta đã mở tới nhiều chân trời khác. Những chân trời gần cận với hình ảnh, ngôn ngữ đời thường của cuộc sống.

Nhờ ra khỏi được những quy luật khắt khe của thơ Ðường luật, cho nên, hàng ngũ những người làm thơ, cũng ngày một gia tăng không phải ở cấp số cộng mà là cấp số nhân. Sự phong phú, đa dạng đó, mang lại sự tấp nập, rộn ràng, nhộn nhịp ở hải ngoại cũng như trong nước, từ nhiều năm qua.

Một trong những nét chung, theo tôi là mọi hiện tượng thiên nhiên đã được những người làm thơ ưu ái đặt vào “hàng ghế danh dự,” hay vị trí hàng đầu… Như mưa, nắng, trăng, sao, sông, nước, cỏ, cây, núi, rừng… Ðồng thời hình ảnh thôn dã, thị thành, đường phố cũng được người làm thơ đem vào thơ, cùng với sự lên ngôi của “cái tôi.” Cái “tôi” đầy đủ thất tình: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn) (1).

Dẫu vậy, mỗi nhà thơ thời tiền chiến cũng vẫn được người đọc phân biệt qua một vài xu hướng nổi bật. Thí dụ, Huy Cận được ghi nhận như một nhà thơ nặng tinh thần hoài cổ – – Hướng về những đẹp xưa:

“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu” (2)

Hay tình bạn qua nhiều thời kỳ. Ðây là tình bạn thời niên thiếu, qua bài “Tựu trường”:

“Giờ náo nức của một thời trẻ dại
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng ngọc.

“Sắp hạnh phúc như chương trình lớp học
Buổi chiều đầu, họ tìm bạn kết duyên
Trong sân trường tưởng dạo giữa Ðào viên
Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ.
(…)

“Người bạn nhỏ! Cho lòng tôi theo ghé
Không nỗi gì có thể vuốt ve hơn
Ðêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn
Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát.”

Và, thời trưởng thành với:

“chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm sầu gối tay”
(Huy Cận, trích “Vạn lý tình.” Nđd)

Hay Xuân Diệu, người được Hoài Thanh phong là “Ông hoàng của tình yêu,” với cung cách diễn tả rất Tây phương:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
(Xuân Diệu, trích “Vội vàng.” Nđd)

Hoặc Nguyễn Bính, nhà thơ được ghi nhận là có công làm sống lại hồn quê Việt Nam thời quá khứ:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
(Nguyễn Bính, trích “Chân quê.” Nđd)
……

Mới đây, ở hải ngoại, những người yêu thơ cũng đã được đọc “Ký ức” thi phẩm của Thọ Khương; với trên 50 bài thơ mà, đa số là thơ bảy hoặc, tám chữ.

“Ký ức” của Thọ Khương không chỉ gần phong cách thơ tiền chiến qua hình thức mà, nội dung thơ ông cũng rất gần với cảm thức mang tính hoài niệm tha thiết, như những lời thủ thỉ, ước lệ nhẹ nhàng, ông muốn gửi một (hay nhiều) người tình, đã chia xa:

Ngay nơi bài thứ nhất, mở vào “ký ức,” tựa đề “Nét nhàu,” Thọ Khương viết:

“Ngàn thu áo tím chiều ly biệt
Cạn chén tiêu sầu lệ tiễn nhau
Tình như trái phá đời hoang phế
Một thoáng hương tan một vết tàn
Ngàn thu áo tím người xa cách
Sẽ chẳng còn nhau chết nỗi đau
Tình đem chôn kín chiều hoen lệ
Một vết thương đau một nét nhàu.”

Tiếp theo là “Chia ly” vẫn được Thọ Khương chọn hình thức thơ 7 chữ, để diễn tả:

“Em nhủ mưa về che lối đi
Nắng buồn gieo nhẹ phút chia ly
Ngày xô giông bão vào chăn gối
Mắt ướt giăng sầu lệ đẫm mi”

Và, vẫn 7 chữ được tác giả chọn cho bài thứ ba, tựa đề “Nắng rủ”:

“Bức họa chiều nay anh vẽ em
Tay dài níu kéo bóng hình quen
Người tranh mộng tưởng đời như thật
Nhắm mắt vô tình lệ đã hoen
Bức họa chiều nay không có em
Mảng màu anh vẽ mãi tô đen
Vườn xưa khép nắng hàng hiên rủ
Em mãi xa rồi áo lụa quen.”

Hoặc:

“Phố núi chiều nay gió muộn màng
Em ngồi chải tóc đợi mùa sang
Mặc đời ngang trái tình gian dối
Vẫn áo xuân tươi vẫn đợi chàng
Phố núi chiều mai có gió sang
Ðường xa lệ ưa ướt hai hàng
Người đem bụi nhớ về xa tít
Ðể áo xuân này em vẫn mang…”
(Trích “Ướt vai”)

Hoặc nữa:

“Ngóng đợi mưa về trong phố đêm
Xin cho một góc vắng êm đềm
Tình anh ru mãi vào cơn mộng
Ðể giấc mơ thành gió lạnh thêm
Ngóng đợi mưa về trên phố quanh
Cuộc tình hoa nắng thoáng phai nhanh
Chiều đem mây tím về đan lụa
Ðau đớn tình anh vẫn chẳng lành…”
(Trích “Ðợi Mưa”)

Với những trích dẫn trên, người đọc thấy rõ mọi hiện tượng thời tiết, thiên nhiên, cũng được Thọ Khương ưu ái đặt vào “hàng ghế danh dự”; như bốn mùa, mưa, nắng, sông, nước, cỏ, cây, núi, rừng… Ðồng thời hình ảnh thôn dã, thị thành, đường phố cũng được tác giả “Ký Ức” đem vào thơ, cùng với “cái tôi,” trung tâm của thất tình…

Mặt khác, Trong số hơn 50 bài thơ làm thành “Ký ức,” không cần chú ý lắm, người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được rằng, tác giả là một người rất yêu hoặc, trực tiếp tham dự vào sinh hoạt tân nhạc. Vì thế, có một số bài thơ, ông đã dùng tên một vài ca khúc phổ thông, để đặt cho tựa bài thơ của mình. Như các bài “Lệ Ðá” trang 28, (2). “Dang Dở” trang 33. (3) Hoặc ông dùng một số cụm từ nằm trong câu thơ, như các cụm từ “ngàn thu áo tím” nằm trong bài “Nét nhàu,” trang 1. (4) “Tuổi đá buồn” nằm trong bài “Ðá buồn” trang 49. (5)

Tuy nhiên, tôi không biết vô tình hay cố ý, Thọ Khương trong một số trường hợp, đã có cho thơ của ông cách nói mới, rất bất ngờ.

Thí dụ trong “Ký ức,” ông đã có những câu thơ như:

“Ngày xô giông bão vào chăn gối”

“Anh đứng lặng mình chân dép trái”

“Nốt gãy âm tàn cạn tiếng ru”

“Người xa ngày phủ hoen âm điệu”

Người không xuống phố thù chân nạng”
Vân vân…

Ðó là những cách nói khác. Cách nói thi ca cho phép, dù nó không hợp lý hoặc, người đọc không cảm thông được! Nhưng với tôi, chính cách nói mới ấy, đã làm thành chân dung riêng của người làm thơ. Ðể nhà thơ này, không giống nhà thơ kia.

Chỉ với chừng đó thôi, tôi nghĩ, thi phẩm “Ký Ức” của Thọ Khương, cũng đã đủ để những người yêu thơ, mở lòng, chào đón thi phẩm này.

(California, July 2016)

––––––—
Chú thích:
(1) Theo Wikipedia-Mở. Cũng có nguồn ghi là: Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục.
(mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn): Thay “lạc” bằng “cụ”
(2) Ca khúc “Lệ đá,” nhạc Trần Trịnh, lời Hà Huyền Chi.
(3) Ca khúc “Dang dở” – tức “Tà áo xanh” của Ðoàn Chuẩn-Từ Linh.
(4) Ca khúc “Ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng-Vĩnh Phúc.
(5) Ca khúc “Tuổi đá buồn” của Trịnh Công Sơn.

MỚI CẬP NHẬT