Thursday, April 25, 2024

Ðiều Ngự Giác Hoàng, sách đầy giường

Viên Linh

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ chỉ hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyện lai sơ.
(Nguyệt, Trần Nhân Tông)

Bóng đêm nửa cửa, sách đầy giường
Lác đác sân thu mấy giọt sương
Ngủ dậy vẳng nghe chầy đập vải
Trên chùm hoa mộc ánh trăng vàng.
(Trăng, Ngô Tất Tố dịch)

Ðiều Ngự Giác Hoàng, Trúc Lâm thiền sư, Hương Vân đại đầu đà hay vua Trần Nhân Tông tên là Trần Sầm (hay Trần Khâm), con cả vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, lên ngôi vua năm 20 tuổi, nổi tiếng là bậc thức giả minh quân, lòng đầy nhân từ, “rất trọng về việc cố kết lòng dân,” chính ngài là người khi đứng trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông phương Bắc đã mời hàng vạn bô lão gần xa trong khắp nước tới dự Hội Nghị Diên Hồng để hỏi ý dân trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, làm sao để giữ được nước, khiến lịch sử Ðại Việt lừng lẫy đến ngàn năm sau với những chiến công rực rỡ.

Little Saigon vừa khánh thành một ngôi chùa mới gọi Chùa Ðiều Ngự, cũng mang danh Trúc Lâm thiền sư như ngôi chùa đầu tiên ở đường 16 thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, khánh thành cuối năm 1975, gọi Chùa Giác Hoàng. Dưới đây là tiểu truyện của vị đại sư, mà cũng là vị anh hùng dân tộc cách đây trên bảy thế kỷ. Tài liệu sớm nhất chúng tôi có là cuốn Văn Học Ðời Trần của Ngô Tất Tố (1894-1954), xuất bản năm 1960, song đoạn dưới đây chủ yếu dựa vào cuốn Văn Học Ðời Trần của Vô Ngã Phạm Khắc Hàm mới xuất bản ở hải ngoại.

Trần Khâm là con trường của Trần Thánh Tông, sinh năm 1258 tại Nam Hà, lên ngôi năm 1279 lúc vừa 20 tuổi. Tính tình khoan hòa nhân ái. Ông lên làm vua trong thời kỳ nước nhà bị quân Nguyên dòm ngó, nhưng cùng với thái thượng hoàng (vua cha) chủ trì mọi việc nên trong nước bình yên, cho đến lúc ngoại giao với quân Nguyên căng thẳng vì ta không thỏa mãn các yêu cầu quá đáng của họ, quân Nguyên tiến đánh nước ta, nhưng lấy cớ là mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Năm 1283, Chấn Nam Vương Thoát Hoan cùng bọn tả hữu thừa tướng Ðường Ngột Ngải, Toa Ðô kéo 50 vạn quân xâm lấn nước ta. Vua cha và Trần Nhân Tông liền mời phụ lão dân gian vào Ðiện Diên Hồng, thỉnh ý dân nên hòa hay nên chiến. Cả vạn người cùng đòi nên đánh. Ngài bèn sai Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Ðạo), thống lĩnh chư quân chia các ngả chặn giặc. Vốn là một nhà thơ, Trần Nhân Tông cảm tác việc này bằng hai câu:

Cối kê cựu sự quân tu ký
Hoan Ái do tồn nhập vạn binh.
Chuyện cũ Cối Kê người hãy nhớ
Còn quân Hoan Ái đáng mười muôn.

Tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan chiếm được kinh thành Thăng Long, Nhân Tông và vua cha rút vào Thanh Hóa. Hai tháng sau các đạo thủy bộ của giặc bị quân ta tấn công, Trần Nhân Tông và vua cha tiến thẳng lên vùng Ðại Mang, chém chết Toa Ðô ở Tây Kết. Quân ta thừa thế đánh tràn, giặc thua liên tiếp, 50 vạn quân tan nát gần hết, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân kéo chạy về Tầu. Thoại sử kể rằng khi đã về Thăng Long, quân lính mang đầu Toa Ðô vào nộp, Trần Nhân Tông đã cởi áo đang mặc phủ lên cái thủ cấp của tướng giặc, sai đem chôn cất cho y; nhưng chợt nhớ lại y đã phóng hỏa Thăng Long, ngài bảo đem đầu y tẩm dầu [mà đốt], đặng răn kẻ khác. Năm 1287, vua Nguyên lại sai Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp qua đánh Ðại Việt để trả thù, đem quân ba tỉnh Giang Tây, Hồ Quảng vừa Nguyên vừa Mông bảy vạn người, quân Vân Nam sáu ngàn người, Tứ Xuyên mười lăm ngàn người, và 500 chiến thuyền, quyết làm cỏ nước Nam. Phía sau Trương Văn Hổ chở theo mười bảy vạn hộc lương tiếp tế, tất cả chia làm ba đạo thủy bộ tiến đánh nước ta. Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn được Trần Nhân Tông và Thái Thượng Hoàng Thánh Tông giao thống lĩnh các vương hầu tôn thất toàn quốc cự địch. Chiến trận diễn ra vang lừng khắp châu thổ sông Hồng sông Bạch Ðằng Giang, quân ta cướp hết các thuyền lương của địch, bắt sống Ô Mã Nhi, còn Thoát Hoan lại chạy được về Tầu.

Về lại Thăng Long, bậc minh quân ấy ngay trong lúc làm lễ hiến-tiệp trước Chiêu Lăng trình Tổ phụ chiến công giữ nước thì nhác thấy bùn đất dính chân ngựa đá, đã làm ngay mấy câu thơ vô cùng cảm khái:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ diễn kim âu
Xã tắc hai lần phiền ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

Năm 1293, ông nhường ngôi cho Thái Tử Thuyên để chuyên tâm vào Phật pháp. Năm 1298, ông đi tu ở chùa Võ Lâm, phủ Yên Khánh, Ninh Bình, sau trở về An Tử Sơn, huyện Yên Hưng, Quảng Yên, lấy pháp danh là Hương Vân Ðại Ðầu Ðà hoặc Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, Ðiều Ngự Giác Hoàng. Cung tần thể nữ ngài cho tự quyết, hoặc về quê, hoặc không muốn đi đâu thì ngài cấp cho ruộng đất ở dưới chân núi.

Năm 1301, trong dịp đi thăm Chiêm Thành, ông hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, hy vọng mở đầu một kỷ nguyên hòa hiếu giữa hai nước. Nhưng vua Anh Tông không thuận, vua Chiêm đành dâng hai châu Ô, Lý làm lễ cưới, vua Anh Tông mới bằng lòng, sai người đưa Huyền Trân về Chiêm (1306). Nhưng vua Nhân Tông không thể ngờ rằng thiện ý của mình sẽ là mầm mống của mối thù hận truyền kiếp giữa hai nước và gây ra tai họa khôn lường cho nước Chiêm.

Ngoài tập thơ Trần Nhân Tông Thi Tập ông còn để lại Ðại Hương Hải Ấn Thi Tập, Tăng Già Toái Sự, Thạch Thất Mỵ Ngữ . Ông cũng sai văn thần biên soạn bộ Trung Hưng Thực Lục để ghi công các tướng lãnh. Các tác phẩm nói trên đã bị đốt hết chỉ tìm lại được 31 bài thơ, một bài minh, một bài tán, hai bài văn Nôm biền ngẫu (trong Thiền Tông Bản Hạnh) và vài đoạn ngữ lục (trong Thánh Ðăng Ngữ Lục).

Một số thơ của Trần Nhân Tông: (Chỉ in các bản dịch)

Hứng Thơ Ở Sơn Phòng
Không ai trói, đâu cần giải thoát
Ðã bất phàm, hà tất kiếm thần tiên.
Vượn nhàn, ngựa nhọc, người già lão
Trong chốn am mây vẫn tọa thiền.
(Vô Ngã dịch)

Buổi Sớm Mùa Xuân
Ngủ dậy ngó song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay.
(Ngô Tất Tố dịch)

Trên Ðường Tây Chinh
Buồm gấm vèo bay hoa sóng tung
Ðầu nghe mệt mỏi dưới mui hồng
Mây chiều Tam Giáp trông không nhạn
Trăng sáng Cửu Than thấy có rồng
Quạnh quẽ dặm xa mơ điện cũ
Vấn vương sầu lắng thấm ly nồng
Hán hoàng mang tiếng say chinh chiến
Lật đật nam nhi có uổng công?
(Trần Lê Văn dịch)

Tới đây, ta nhớ lại rằng con đường thành đạo của Trần Nhân Tông cũng rải đầy nước mắt. Nguyên là khi ông khoác áo lên tu trên Yên Tử, các cung nhân đã xin Ngài dừng lại, nếu không họ sẽ tự trầm. Ngài vẫn cương quyết tiến lên. Họ liền gieo mình xuống suối. Từ đó ngọn suối được gọi là suối Giải Oan. Ông mất năm 1308.

———-
Chú thích:
Các sách dùng tham khảo:
-Văn Học Ðời Trần, Ngô Tất Tố, Khai Trí Sài Gòn, 1960.
-Văn Học Ðời Trần, Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, Khởi Hành California, 2015.
-Thơ Văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
-Ðức Phật giữa chúng ta, Trần Ngọc Ninh, Viện Việt Học, California, 2013.

MỚI CẬP NHẬT