Thursday, March 28, 2024

Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cái ‘nghiệp’ của nghề phóng viên chiến trường

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Với tôi, “phóng viên chiến trường” là một cái nghiệp, nhiều hơn nghề. Nghiệp là cái làm ta say mê, đeo đuổi một công việc gì đó, dẫu cho nó có thể nguy hiểm đến tính mạng mà, những đền bù, nếu có lại thường rất bọt bèo, nhất là ở những nước chiến tranh, nghèo khó.

Nếu không phải vì cái… “nghiệp” tôi không tin hai bạn-tôi, Dương Phục-Vũ Thanh Thủy có thể ở được với bom đạn, tử sinh rình rập từng giây phút suốt cuộc chiến 20 năm của miền Nam Việt Nam, khi họ còn rất trẻ.

Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên và khâm phục hơn cả, vẫn là quyết định chọn lựa sự ở lại với “nghiệp” sau khi “nghiệp” đã đem lại cho họ một tình yêu tuyệt vời, với tôi, mang ý nghĩa hầu như chưa có hai!

Tôi biết, có rất nhiều cuộc hôn phối tốt đẹp nẩy nở giữa môi trường làm việc chung của đôi trai tài gái sắc.

Tôi cũng biết, từ môi trường làm việc chung, tình yêu đã đặt tay nàng, để họ đi suốt hành trình đời sống tốt đẹp, như ý nghĩa đầu tiên, khi Thượng Ðế tạo ra nhân loại. Kết quả cụ thể là những cuộc tình tốt đẹp kia, đã đem nhiều hữu ích ở nhiều lãnh vực khác nhau, cho rất nhiều đời sau.

Nhưng tôi chưa thấy một cuộc hôn nhân nào là, kết quả cụ thể của một tình yêu giữa hai con người có chung một lý tưởng: Sống cho kẻ khác, như cuộc hôn phối giữa hai phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy.

Tôi muốn nhấn mạnh, phóng viên chiến trường là một nghề bất trắc, vào sinh ra tử hơn bất cứ một ngành nghề nào khác.

Phóng viên chiến trường, cũng như những người lính được ném vào trận địa… Khác nhau chăng, người lính được huấn luyện tác chiến từ quân trường, từ kinh nghiệm sống sót sau những lần đụng độ. Họ cũng được trang bị khí giới và, những phương tiện thiết yếu một khi lâm trận. Chưa kể chung quanh họ còn có đồng đội. Những người cùng vào sinh ra tử như họ…

Những phóng viên chiến trường thì không. Họ chỉ có một cây bút, chiếc máy ảnh hoặc một máy thu thanh, thu trực tiếp mọi diễn biến của trận đánh… Những phóng viên chiến trường này, cũng không thể so sánh với các phóng viên chiến trường của các hãng tin quốc tế… Nếu chẳng may họ có phải nằm xuống giữa trận tiền thì, gia đình, thân nhân của họ sẽ được đền bù một cách xứng đáng, từ tinh thần tới vật chất… Người phóng viên chiến trường của cuộc chiến VN hai mươi năm, không có được một ưu tiên nào, ngoài đam mê nghề nghiệp và tự ái dân tộc, như nhận xét của nhà báo Lê Phú Nhuận. (2)

Tôi đọc và, thấy được cái đẹp lung linh, lấp lánh của tình yêu Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, qua đoạn văn tóm tắt trong phần “Những lời nói đầu” mở vào tác phẩm, của nhà văn Trần Phong Vũ. Ông viết:

“…Tính độc đáo của lối diễn, dẫn và thuật chuyện bằng một văn phong tươi mát giúp người đọc thấy thêm những góc cạnh rất riêng tư nhưng cũng rất tự nhiên về thân thế, lai lịch và cá tính hai đồng tác giả. Trong bối cảnh chiến trận khét lẹt mùi bom đạn ấy, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy gặp nhau. Một lần, hai lần, ba lần,… đủ để cho một cuộc tình lãng mạn nảy sinh giữa đôi trai tài gái sắc trong không khi chiến trường miền Nam ngày càng sôi động. Ðầu năm 1974, họ chính thức thành vợ chồng.

“Nửa đêm về sáng 15 Tháng Tư 1975, chẵn 15 ngày trước khi chế độ Cộng Hòa miền Nam bị Cộng Sản miền Bắc thôn tính, đứa con đầu lòng của hai người cất tiếng chào đời giữa một Saigon đang lên cơn hấp hối.

“Chuyện tù đày nối tiếp ở phân nửa tác phẩm với nhiều tình tiết gay cấn qua các toan tính thông minh của Thủy, để chuyển những lá thư tình cho Phục được giấu kín trong ruột điếu thuốc lá. Ngoài mục đích thông tin, bày tỏ tình cảm để nâng đỡ tinh thần người chồng trong cảnh tù đầy tuyệt vọng, nó cũng là phương tiện phác họa một kế hoạch táo bạo mà sau này khi tình cờ phá vỡ, bọn cai tù đã mệnh danh là ‘Kế hoạch giải thoát cải tạo viên của người vợ tù gián điệp CIA.’” (TYTNVB, trang 19 & 20)

Tất nhiên, bất cứ ai khi đã đọc Hồi Ký Phóng Viên Chiến Trường của Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, đều không thể không công nhận trí thông minh, đởm lược hơn người của người phụ nữ đặc biệt Vũ Thanh Thủy.

Nhưng, với riêng tôi, tôi cho rằng, vì quá đam mê nghề, nghiệp, nên khi thành vợ chồng cặp phóng viên chiến trường ngoại lệ này, đã không nghĩ tới việc tạo một lề an toàn cho tương lai, con cái. Vì đam mê, vì cái “nghiệp” chứ không phải nghề, nên họ đã bỏ chung tất cả những quả trứng trong một giỏ trứng… Tôi cho cũng chính vì cái “nghiệp” ấy, nên ngày 30 Tháng Tư 75, xảy đến, cặp vợ chồng phóng viên chiến trường ngoại khổ này, dù đã xuống tầu, nhưng nửa chừng lại, bỏ bố mẹ, ôm đứa con gái đầu lòng, trở vào bờ, để từ đó, cả gia đình rơi sâu vào một cuộc trả thù mù lòa bởi “Bên thắng cuộc.”

Ghi nhận về quyết định quay trở lại của hai tác giả hồi ký “TYNTVVB,” tôi cho nhà văn Nguyễn Ngọc Bảo đã cảm được hương, vị vinh quang cũng như oan nghiệt của cái “nghiệp” của hai tài hoa Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, khi họ Nguyễn viết:

“…Tôi nghĩ mỗi người khi được sinh ra đời đã được trang bị sẵn tấm bản đồ định mệnh. Vì định mệnh, đầu Tháng Năm 1975 khi cùng cha mẹ và anh chị em bên gia đình vợ ngồi trên một con tàu nhỏ lênh đênh trên hải phận quốc tế để đi tìm tự do, anh Dương Phục đã quyết định đưa vợ con theo một thuyền đánh cá trở về. Anh trở về phần vì lo cho cô con gái đầu lòng vừa chào đời trước đó hai tuần không kham nổi nắng mưa khắc nghiệt của cuộc hành trình trên biển, phần muốn làm một chứng nhân lịch sử cho quê hương. Và rồi, anh đã trả giá khá đắt cho quyết định của mình.

“Tuy nhiên, cũng nhờ quyết định ấy, nhờ cái giá anh phải trả ấy, ngày hôm nay chúng ta có thiên hồi ký: Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển.” (TYNTVVB, trang 34)

Tôi muốn gọi quyết định quay về của Dương Phục là tiếng gọi thầm thì, không lời của “Nghiệp” (chữ Nghiệp viết hoa) dành cho những định mệnh lớn. Tiếng gọi tuy âm thầm, nhưng đừng quên lẩn quất đâu đó, vẫn là thần chết.

(Kỳ sau tiếp)

————
Chú thích:

(3) Nhà báo Lê Phú Nhuận trước khi trở thành chánh sở tin tức cho cơ quan VTX, Saigon trước Tháng Tư 1975, ông có một thời gian dài làm phóng viên chiến trường. Ông cùng một số đồng nghiệp (trong đó có Dương Phục) tình nguyện xin theo học theo khóa nhẩy dù,… Chẳng phải vì quyền lợi vật chất nào mà, như ông nói: “Chỉ vì tự ái dân tộc, vì cuộc chiến ở miền Nam là cuộc chiến của đất nước mình, dân tộc mình, nên không thể để tụi nhà báo ngoại quốc coi khinh mình được. Chúng nó có thể không nhẩy dù xuống giữa trận địa, nhưng phóng viên chiến trường VN thì phải nhẩy… Phải dám lao vào. Phải dám xông tới…”

Nhà báo Lê Phú Nhuận tốt nghiệp khóa phóng viên phát thanh và báo chí đầu tiên của miền Nam. Ông đã về hưu, hiện cư ngụ tại thành phố Houston, TX.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT