Friday, April 19, 2024

Hoàng Xuân Sơn, từ lục bát, tới những đổi mới về hình thức

Du Tử Lê/Người Việt

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn (tên thật, được dùng như bút hiệu) bước vào nghiệp văn chương rất trẻ, khi còn đi học thời trung học ở Việt Nam, trước Tháng Tư, 1975.

Sức viết của ông càng mạnh mẽ, nhiều nét khắc, khác nhau hơn, khi vượt biên, chọn thành phố Montreal, Canada, để định cư.

Dưới đây là năm bài lục bát của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn.

“Ngỏ
Ừ! Xem
sáu
tám
ngược đời
Chữ ngất ngư
chữ
câu đòi đoạn
câu
gọi rằng
lục bát nằm lâu
ể mình đứng dậy
thành
câu thơ
rời.”

“Dựa Cột
Một lần
dựa cột nằm nghe

chim trời
cá nước
gọi về hư không

trăng sao
tưởng để trong lòng

ai ngờ
vãn lục phai hồng thế kia

buộc vào
một nhánh sương khuya

chờ mai nắng lửa
tan lìa
nguyện hư.”

“Áo Xuân Xưa
Vịn hờ
vai áo em
xưa
ngỡ chòm mây trắng bay qua
vực hồng
có đôi chim vợ chim chồng
hót tràn khe lãnh
rừng thông
nắng trào
ửng mùa Xuân
tới non cao
du hồn tiểu lụy
hóa vào đại ân
chín rồi
quả mộng trầm luân
áo em trắng giữa muôn phần
cỏ
cây.”

1990

“Gọi Bầy
Sáng nghe chim nhạn kêu bầy
mới hay biển động mùa cây lá tàn

không chừng mây bão lần sang
níu chân người ở lang thang dặm về
mỗi chiều thắp một tầng mê
tiền thân huyễn mộng kéo lê thê dài

đêm ơi thoát dậy hình hài
cho mùa nhẹ trở trên vai mộng nhàu.”

“Chương Sông
(Áo trắng dài như biển
như sông lồng lộng nước hờ. Chau)

đi đi
mây phất tang. Đâu

còn chi mong, ngó
sầu âu một mình

rớt xuống ngôi đời chùng chình
mưa mưa
chiều. xó – làm thinh bữa, rời

áo biển nom như trăng. Ngời
như gương lược. Kín
như trời, ngực thơm

thà đừng gặp. thà hơn
xanh rêu dại ủ vết mòn thai hương
cổ kính đời xưa cũng dường
áo sông ra biển chớp nguồn
thôi
giăng.
Juin 03”

Mở đầu tuyển tập thơ “Lục Bát” do Thư Quán Bản Thảo ấn hành, như một quà tặng đặc biệt cho họ Hoàng, người mà không chỉ anh chị em ở Thư Quán Bản Thảo yêu mến, mà hầu như bất cứ văn nghệ sĩ nào từng tiếp xúc với ông, cũng đều đem lòng quý mến ông vì nhân cách chân thật, êm đềm, và tài năng luôn mở rộng để đón nhận những đổi mới, chí ít cũng là phương diện hình thức.

Mở vào “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn,” nhà văn Trần Hoài Thư, đại diện anh chị em điều hành tạp chí này viết:

“‘Lục Bát Hoàng Xuân Sơn’ được ra đời như là tấm lòng của Thư Quán Bản Thảo và anh em chủ trương đối với một nhà thơ đã dành cho Thư Quán Bản Thảo những ân tình văn chương đặc biệt trong suốt hơn hai năm qua. Trong 14 số, hầu như không có số Thư Quán Bản Thảo nào lại không có thơ anh.

Có thể nói sự hình thành của tập thơ này là kết quả của một công trình chung mà chúng tôi gọi là ‘project Hoàng Xuân Sơn.’ Mỗi người trong nhóm đều có phần hành riêng. Phạm Văn Nhàn lo layout trang ruột. Cao Vị Khanh lo phần giới thiệu. Trần Hoài Thư lo phần in ấn, design bìa, tìm loại giấy in thơ đặc biệt, và điều hành tổng quát. Riêng Trần Bang Thạch thì ở vai trò trừ bị. Trần Quí Thoại cung cấp phụ bản.

Và cuối cùng, là niềm vui. Với anh, thêm một đứa con tinh thần được ra đời. Và với chúng tôi, ít ra, từng trang giấy lóng lánh giọt mồ hôi, và tình bạn hữu, cuối cùng biến thành màu rượu đỏ. Pha thêm ngọt ngào cho Lục Bát Hoàng Xuân Sơn của anh.

Thay mặt Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán

Trần Hoài Thư.”

Nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy ở bốn bài lục bát đầu tiên, trong tuyển tập thơ “Lục Bát Hoàng Xuân Sơn,” không có một dấu vết đột phá nào, ngoài sự ngắt câu xuống hàng, giống như để cho lục bát một “diện mạo” khác, từ lâu, vốn đã được nhiều nhà thơ Việt Nam khai thác, như một trò chơi chữ, nghĩa tùy hứng. Nó chỉ mang ý nghĩa một cuộc “trình diễn” và không thay đổi, ảnh hưởng gì tới nhịp chảy thực sự những dòng lục bát đó. Đó là những sáng tác được tác giả viết trước thời điểm đầu thập niên 2000 (có thể từ những thập niên 1990, hoặc trước nữa).

Nhưng, những ai theo dõi đường bay thi ca của Hoàng Xuân Sơn, thì sẽ dễ nhận ra rằng, bước vào thời điểm đầu kỷ nguyên 2000, chính xác là năm 2003, qua bài thơ “Chương Sông,” ta thấy, ngay khi bước vào dòng thơ thứ nhất của bài lục bát thứ năm này của họ Hoàng, đã thấy xuất hiện nhiều những dấu chấm, phết… tưởng như… “bất thường” của tác giả tên tuổi này. Bởi vì ông không hề vô tình, ngẫu nhiên, “để rơi” những dấu chấm, phết ấy trong thơ của ông, mà nó là sự cố tình mang lại cho nhịp chảy của thơ ông, cách ngắt nhịp (“repunctuation) khác. Chúng giống như những nhịp chỏi (syncope, đảo phách) trong âm nhạc vậy.

Trở lại với “Chương Sông” của Hoàng Xuân Sơn, cụ thể với hai câu lục bát mở đầu, họ Hoàng viết:

“đi đi
mây phất tang. Đâu
còn chi mong, ngó
sầu âu một mình”

Ở câu 6, sau chữ thứ 5, tác giả đã dùng một dấu chấm không chỉ như một cách ngắt nhịp mới, mà, dấu chấm ở đây, còn cho thấy câu thơ đã có thêm cho nó một mệnh đề độc lập (bắc qua câu 8):

Đâu còn chi mong (phết) ngó sầu âu một mình.”

Khi dùng dấu phết giữa hai chữ “mong, ngó” một loại từ kép (hay từ ghép) rất thường có trong ngôn ngữ Việt, ngoài việc chẻ chữ cho nghĩa thêm rõ, nó còn làm bật lên sự hiện hữu của chữ thứ hai trong từ kép này, khi ta bị bắt buộc phải ngưng thở trong vài giây…

Tưởng cũng nên nhấn mạnh, theo lối viết của văn phạm cũ, thì các tác giả xưa, nếu có dùng dấu phết cho một câu thơ 6 hay 8 chữ của mình, hầu hết đều hạ dấu phết ở những chữ chẵn (2, 4, 6…) chứ không ai đánh xuống nơi thứ tự của những chữ lẻ (5, 3) như hai câu thơ của họ Hoàng mà tôi đã trình bày ở trên.

(Còn tiếp một kỳ)

MỚI CẬP NHẬT