Friday, April 19, 2024

Lần dò theo bước chân thi ca Nguyễn Ngọc Hạnh

Du Tử Lê/Người Việt

Cách đây ba năm, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Hạnh đến với dutule.com. Tôi chọn được hai bài lục bát và một bài bảy chữ, làm thành bài “giới thiệu chân dung” tiếng thơ xa, lạ, nhưng đã mang đến cho tôi ít, nhiều bất ngờ.

Một ngày cuối năm, tôi không nghĩ lại nhận được tập bản thảo “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều” của anh. Thật tình, khi mở tập thơ, tôi không chờ đợi anh sẽ đem đến cho thơ những biến-động-chữ-nghĩa gì đáng kể, nhiều hơn thơ trước. Bởi lần đầu đọc thơ anh, từng khiến tôi phải chú ý với những câu thơ khá mới, như:

hình như ai vấp chân mình
hớ hênh chân bước gập ghềnh bàn chân

Hay:

ai gõ mạn thuyền trên sông vắng
mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm

Tôi vẫn có xu hướng thiếu tin tưởng vào đường bay thi ca của những nhà thơ trung-niên, trước hiệu-ứng-thời-gian. Đó là hiện tượng thời gian bào mòn cảm xúc, khô, sần rung động; khi sung mãn tuổi trẻ như thủy triều rút đi, xa lần bờ bãi…

Riêng với Nguyễn Ngọc Hạnh: Tôi lầm.

Qua tập thơ “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều,” tôi cảm tưởng, dù có thêm bao nhiêu năm, tháng qua đi, dòng sông thi ca có dễ vẫn đem phù-sa-chữ-nghĩa về cho thơ của anh, như đã. Cảm tưởng vừa nói, nơi tôi, sớm dấy lên khi nhận ra:

Ngay từ những “cơn-mưa-trí-tuệ” đầu tiên trong “…phơi lên chiều” của anh, cho thấy từ bệ phóng chiêm nghiệm nhân sinh, lao lung kiếm tìm cái mới mà, chữ, nghĩa của anh luôn là “biểu-tâm-đồ-thi-ca” chân-thiết nhất, dù vẫn trong cái khung nền thất-tình muôn đời của nhân loại:

không rực rỡ cầu vồng bảy sắc
mây in đời em vào tôi xanh biếc

vét cạn lòng giếng ấy
chỉ nghe tiếng gầu rơi

khi có thơ in lần đầu
tôi tìm tôi trong bài thơ ấy
đến bài thơ cuối đời
lại đọc lòng tôi vậy.”

sẽ không còn lặn lội bờ sông
như cánh cò trong lời ru của mẹ
mới viết được đôi dòng như thế
bỗng bàng hoàng gặp lại nỗi đau xưa

Ở “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều,” nơi chốn và hình ảnh người mẹ, không chỉ như hai ngọn hải đăng lớn trong biển nghiệp thi ca anh mà, với tôi, nó còn mang tính song-sinh của tâm-lượng thi sĩ giữa con người và đất nước nữa…

Lịch sử thi ca thế giới, nhất là thi ca Việt Nam, dường như chưa tác giả nào quên nói về mẹ. Nhưng cách nói về mẹ của Nguyễn Ngọc Hạnh, là cách nói trước đây, ta chưa hề thấy:

Mẹ sinh ra trong rơm rạ
Nên hương đồng còn thơm mãi đời anh

Hoặc trong bài “Qua Đò, Nhớ Mẹ,” anh viết:

Không gọi đò, con gọi mẹ ơi
Trên bến sông này
ngày xưa mẹ tắm
Nước tận đầu nguồn
chảy ra biển lớn
mang theo phù sa
từ sữa mẹ ngọt ngào…
Không gọi đò, con gọi mẹ ơi!
Sông thì hẹp
mà vô bờ đến vậy
Con đi qua hết một thời trai trẻ
Từ chiếc đò lòng mẹ
Qua sông
Ôi con đò lòng mẹ
mênh mông!

Hoặc nữa, bài “Quê Mẹ:”

Con đường quê dài như đời mẹ
Tuôỉ thơ buồn trôi giữa mù khơi
Mẹ nhớ ai như sông nhớ suối
Sông dạt dào lòng mẹ, đời tôi

Có những đêm tôi nằm thức trắng
Chênh chếch đời một nửa vầng trăng
Trăng nghiêng bóng mẹ trên đầu rẫy
Như gửi niềm đau xuống đất này…”

Về nơi chốn, anh cũng có những câu thơ đẹp. Cái đẹp của những hình ảnh, tên gọi, đã ẩn tàng trong máu huyết:

Cái làng ấy ra đi cùng tôi
mà tôi nào hay biết
Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết
con sông quê bóng núi cứ chập chờn

Mấy câu thơ trên của anh, khiến tôi liên tưởng tới hai câu thơ nổi tiếng của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” Nhưng “đất hóa tâm hồn” là một liên tưởng phiếm định vì tính mơ hồ của hình tượng. Ở Nguyễn Ngọc Hạnh thì đất của làng, rất cụ thể. Nó được chỉ danh rõ ràng:

– Thứ nhất: Đất đây là “cái làng.”

– Thứ hai: Cái làng ấy “nó” đi theo tác giả.

– Thứ ba: “Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn” trong anh, dù nhà thơ đi đâu, ở bất cứ nơi đâu. Tới hôm nay, tôi chưa được đọc câu thơ nào nói về sự gắn bó thịt, xương giữa nơi chốn và con người cảm động hơn thế.

Lại nữa, nơi chốn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh còn được chỉ đích danh, như xác định tính… “sở hữu” người yêu của mình:

Đà Nẵng nơi này gió se lòng
Mây dưới chân đồi như dòng sông
Ai đứng bên kia bờ Vọng Nguyệt
Trăng ngàn năm cũ nay còn không

Dường như tình yêu mẹ và tình yêu nơi chốn, với anh, là một cặp song sinh? Nên đôi khi tình yêu mẹ và nơi chốn chỉ là một.

Là một, ngay trong những bài lục bát vốn là một trong vài thể thơ được coi là “điểm mạnh” của cõi-giới thơ anh. Mặc dù thơ sáu, tám của anh vẫn còn phong-cách kể chuyện. Nhưng đó là chuyện kể với ngôn ngữ mới và, sự giàu có của những xúc động tự nguồn:

Chiều buồn phố rất nên thơ
Qua sông mà cứ mong chờ hoàng hôn
Chiều lên nửa phố chiều trông
Người đi từ phía bão giông chưa về!

Tảo tần đời mẹ chân quê
Bao năm lặn lội đi, về triền sông
Nón che không hết mùa Đông
Phố che không hết nỗi buồn trần gian

Soi bóng mẹ xuống sông Hàn
Trời không xanh vẫn sáng trong một màu
Biết tìm đâu giữa mai sau…

Nếu trong mấy bài thơ của anh tôi được đọc cách đây nhiều năm là tính mới mẻ trong so sánh, liên tưởng thì ở thi phẩm “Phơi Cơn Mưa Lên Chiều” những đặc tính ấy của thơ anh, có phần phong phú, sâu, lắng hơn nữa. Thí dụ:

Khi em cầm ngọn gió cuối Thu
Chiếc lá vàng rơi vào bài thơ tình phai nhạt…

Tới đây, tôi thấy không thể tiếp tục quan điểm “chỉ gợi ý” với những dòng thơ chọn được mà, xin phép bạn đọc, cho tôi được nói rõ hơn, cảm nhận của mình về hai câu thơ trên của anh.

Đứng về phương diện kỹ thuật, tôi không biết Nguyễn Ngọc Hạnh cố ý hay vô tình nhân cách hóa “ngọn gió cuối Thu,” cho người con gái cầm trên tay? Để, vì là ngọn gió cuối thu, nên hình ảnh chiếc lá vàng hiện ra ở câu thơ kế tiếp rất ứng hợp với ngữ-cảnh. Và, chiếc lá vàng lại “rơi” trong một ngữ-cảnh cũng không thể thích hợp hơn là: “bài thơ tình phai nhạt” (như sự thôi xanh của những chiếc lá cuối mùa).

Tôi gọi đó là kỹ thuật liên-tưởng-gián-cách. Không cần chiếc cầu nối “liên từ” (conjunction) nào. Một thi sĩ khác, để “hiển thị” hoặc, muốn đem sự dễ hiểu đến cho người đọc, có thể sẽ viết “Khi em cầm ngọn gió cuối thu, ‘khiến’ anh nghĩ tới lá vàng. Và chiếc lá vàng ấy, đã rơi vào ‘bài thơ tình phai nhạt.’”

***

Tới đây, tôi nghĩ không nên viết thêm điều gì nữa, về cõi-giới thơ mênh mông kênh, mạch của Nguyễn Ngọc Hạnh. Vì có viết thêm bao nhiêu, cũng sẽ không đủ. Nên, tôi xin khép lại bài viết này, bằng bài “Còn Nợ Phía Bèo Trôi.” Một bài thơ cho thấy tấm lòng biết ơn đời, biết ơn người và, biết ơn luôn cả rác rến (phía bèo trôi) của cuộc sống, một khi tác giả phải đi xa, khuất, biệt cuộc đời này:

Biết lấy gì để tặng cơn mưa
Cứ lất phất bay như gió nhẹ
Cứ rơi rơi trong chiều lặng lẽ
Mưa cứ mưa đan chéo nỗi buồn

Biết lấy gì để tặng hoàng hôn
Ai đã nhuộm màu trời huyền ảo
Đâu dễ vẽ nên chiều quyến rũ
Dễ pha chiều vào giữa hồn tôi

Biết lấy gì để tặng đêm trôi
Lấy gì lấp đầy hao khuyết
Khi yêu ai nói lời hối tiếc
Thôi đừng bịn rịn với chiều buông

Biết lấy gì để tặng nỗi buồn
Xin trích đời tôi ngày gió bão
Trích phận em phập phù thiếu nữ
Chẳng có ngày vui đàn bà…

Lấy gì đây để tặng đời tôi
Khi giấc mơ sắp khép lại rồi
Biết trích vào đâu mà gửi lại
Câu thơ còn nợ phía bèo trôi…

Tôi trộm nghĩ, nếu Nguyễn Ngọc Hạnh băn khoăn về món nợ tinh thần của anh với “phía bèo trôi,” thì, những người đọc thơ anh, rồi đây, sẽ lấy gì để trả món nợ mà, một đời anh đã tự nguyện hiến, tặng qua thi ca?

(Garden Grove, Tháng Tư 2017)

—–
Chú thích:

(1) Mời đọc thêm “Một Mảng Trời Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh,” dutule.com ngày 17 Tháng Mười Một, 2014.
(2) Có bản chép thơ Chế Lan Viên: “Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.” (Nguồn Wikipedia)

MỚI CẬP NHẬT