Thursday, April 18, 2024

Mai Thọ Truyền, từ chùa Xá Lợi tới Phủ Văn Hóa

Viên Linh

Ông quốc vụ khanh đặc trách Văn Hóa, nhà biên soạn Phật học Mai Thọ Truyền, bước vào khách sạn Continental lặng lẽ như bất cứ một nhà văn nào. Hôm đó một số tạp chí tại Sài Gòn đã thuê phòng hội của khách sạn này, ngay bên cạnh trụ sở Quốc Hội, để bày tỏ và tìm một quyết định chung trước vấn đề kiểm duyệt. Trong lời diễn từ, sau bài diễn văn gây hấn của người chủ trương nhà xuất bản Trình Bày, sau những phát biểu ý kiến của ông Cao Thế Dung chủ trương biên tạp chí Quần Chúng, và của ông Thế Uyên chủ trương nhà xuất bản Thái Độ, và một vài ý kiến của người viết bài này, nhân danh tuần báo Khởi Hành, ông quốc vụ khanh đã nói trước micro, rằng ông đến dự buổi họp mặt với tư cách một nhà văn, chủ nhiệm một tạp chí Phật Giáo. (1)

Ông nói: “Nếu không với tư cách đó, tôi đã ra về ngay sau bài diễn văn của ông Thế Nguyên.” Sự ở lại của ông, trong buổi họp mặt của những người cầm bút đòi bãi bỏ kiểm duyệt, được minh định như thế, là sự ở lại của một người cầm bút khác.

Nhưng ông vẫn phải đón nhận sự cách biệt vốn có giữa một nhân viên chính phủ cấp bậc bộ trưởng, và một cá nhân nào đó, dù cả hai cùng làm việc văn hóa. Chỉ có vài ba người tới tiếp xúc với ông. Tôi tới, tự giới thiệu là một ký giả, hơn nữa, là thư ký tòa soạn tuần báo Khởi Hành. Ông gật đầu: “Tôi có đọc một hai số Khởi Hành.” Vì sự cách biệt nói trên, các nhà văn, nhà thơ có mặt trong buổi tiếp tân đã để tôi ngồi từ đầu tới cuối, một bàn, với ông. Đó là dịp để tôi có thể viết bài này, sau khi đã đề cập với ông các vấn đề như xuất bản, Tuần Lễ Sách Báo sắp được tổ chức, vấn đề hội đồng văn hóa và những chuyện ngẫu nhiên khác.

Cuộc nói chuyện gián đoạn mấy lần, một lần bởi nhân viên Đài Truyền Hình Việt Nam, một lần bởi lời phát biểu của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người chủ trương nhà xuất bản Sáng Tạo, một lần bởi sự xúc động của Linh Mục Nguyễn Ngọc Lan, khi ông nói lớn trên micro, ông sẵn sàng vào tù vì in sách lậu. (Chữ lậu hiểu theo nghĩa của Sở Phối Hợp Nghệ Thuật, không hiểu theo nghĩa của điều 12 Hiến Pháp như ông nói đi nói lại). Lần khác, với bút và giấy trên tay, một nhà báo tới phỏng vấn. Ông Mai Thọ Truyền giơ tay ngăn lại: tôi tới đây với anh em nhà văn họp mặt, nếu muốn phỏng vấn, hẹn anh em ở văn phòng (Phủ Văn Hóa).

Vì thế, bài viết này không nên nghĩ là một bài phỏng vấn. Tôi chỉ ghi lại một giờ nói chuyện với ông QVK, cho dù ông đến dự cuộc họp mặt với tư cách nhà văn Mai Thọ Truyền.

Vấn đề kiểm duyệt

Đáp câu hỏi của tôi, ông nói:

-Chính quyền có lợi gì khi duy trì kiểm duyệt? Trong số các anh em, biết đâu không có cộng sản trà trộn? Ai có thể cả quyết chỗ này không có Cộng Sản, chỗ kia không có Cộng Sản? Cả người kiểm duyệt lẫn người bị kiểm duyệt, chúng ta đều là nạn nhân của Cộng Sản (Tôi đưa mắt tìm mấy tà áo màu, và thấy nhà văn nữ Minh Quân bên một cây cột đá lớn, chị cũng chạm mắt tôi. Có người nói với tôi chị làm việc cho bên kia).

Đáp câu hỏi vì sao có những chuyện đăng báo rồi, mà báo có đến hàng chục ngàn độc giả, khi in thành sách nhằm một số độc giả chỉ bằng một phần mười, lại bị cấm, bị gạch bỏ, ông cười nói:

-Sách quan trọng hơn báo. Báo người ta đọc một ngày rồi liệng bỏ, còn sách, người ta giữ. Tất cả những cuộc cách mạng làm đảo lộn lịch sử đều khởi nguồn từ sách vở. Ngòi bút vô cùng quan trọng. Ngòi bút cũng vô cùng tai hại.

-Thưa cụ, sách không phục vụ cho một giai đoạn.

Tôi góp ý ngắn gọn không có tính cách thảo luận, chỉ là nói ra ý mình. Xoa xoa hai ngón tay cái và ngón tay trỏ của bàn tay trái, ông nói:

-Chúng ta đang ở trong một tình trạng đặc biệt. Chính quyền phải tìm những biện pháp để an dân. Ở trong tình trạng đặc biệt đừng đòi hỏi một tình trạng bình thường.

Khuôn mặt bình thản, chân thật, tự tin, ông nói tiếp:

-Chính tôi cũng bị kiểm duyệt.

Rồi ông cười, nói tiếp một câu mà tôi còn ghi nhớ:

-Mấy ông kiểm duyệt bây giờ kém quá.

Lúc này kịch sĩ Thiếu Lang đã tới ngồi bên và có cả kịch tác gia Mĩ Tín, ngồi trên một cái ghế kê hơi xa mép bàn. Ba vị đều sàn sàn tuổi nhau, nghĩa là đều hơn tôi khoảng 30 tuổi. Chúng tôi đã quen biết, gặp mặt trong sinh hoạt văn nghệ thủ đô những năm qua. Chỉ một cái gật đầu thay cho lời chào hỏi.

Ông Mai giải thích lời chê trách vừa nói:

-Mấy ông kiểm duyệt bây giờ ít tuổi, chưa hiểu được chỗ dụng bút của nhà văn. Tôi cầm bút 18 năm nay, tôi thấy có những cái người ta chủ tâm đưa lên cao để rồi quật xuống, thì mấy ông lại gạch bỏ đi.

Đọc ông không nhiều, chỉ biết ông trông coi tạp chí Từ Quang.

-Thưa cụ – tôi nói – trên một số của tờ Khởi Hành mới đây, chúng tôi đề nghị nếu phải kiểm duyệt sách, sao chính phủ không trao việc này cho Phủ Văn Hóa làm, mà lại trao cho các cán bộ thông tin?

-Tôi là người vào sau trong một gia đình, không lẽ tôi dành lấy việc của người đến trước?

Ông quốc vụ khanh phân trần.

Tuần Lễ Sách Báo

Tôi hỏi về Tuần Lễ Sách Báo được dự định tổ chức tại Sài Gòn nhiều tuần qua.

-Thưa có một giải thưởng nào được dự trù cho tuần lễ triển lãm này không?

Ông lắc đầu. Tôi nhắc đến Đại Hội Sách Quốc Tế vừa được tổ chức tại Nice *[*Đại hội này khai mạc vào đầu Tháng Sáu vừa qua, được 22 quốc gia gửi sách tới tham dự. Một ban giám khảo được thành lập, nhiều cuốn sách, cuối cùng, được trao giải, mà giải Meilleur Livre, được trao cho cuốn Stèles (Bia Đá) của thi sĩ quá cố Victor Segalen. Theo tờ Le Figaro Litéraire số 1204, cuốn sách in có 300 bản trong lần xuất bản đầu. Trong kỳ xuất bản năm 1922 in 1,300 bản mà tôi có mua được một cuốn với giá 10 đồng khi nó được thải ra bán trên một hè sách cũ tại lề đường Lê Văn Duyệt].

Tôi đề nghị đặt giải thưởng, chia làm nhiều giải: giải sách in đẹp nhất, giải tặng nhà xuất bản nào có số sách in mỗi năm cao nhất, một cách để tìm hiểu thị trường chữ nghĩa, làm những bản thống kê về các loại sách v.v… Ông quốc vụ khanh gật đầu nói là sẽ nghiên cứu đề nghị này của tôi.

Nhân đó, ông nói sang chuyện xuất bản:

-Làm xuất bản bây giờ thật là phiêu lưu. Số độc giả có là bao. Giỏi lắm mấy ngàn người thôi. Tuy nhiên, phải nhận là độc giả đã tăng tiến nhiều lắm. Người đọc sách ở Việt Nam mặc dù sống trong tình trạng chiến tranh, vẫn không quên các vấn đề văn hóa. Ngoài chợ người ta cũng đọc.

Quả thế. Tôi thấy ông biết nhiều hơn là trước khi trao đổi với ông. Sự xa cách xảy ra hoàn toàn tự nhiên, Sài Gòn thủ đô văn hóa miền Nam có cả trăm tờ báo, lại chia thành nhiều luồng, báo Nam báo Bắc, tệ nhất là một cách chính thức, người ta có Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam, lại có cả Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt. (2)

Nhà văn Mai Thọ Truyền hiệu là Chánh Trí, sinh năm 1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre, thuở niên thiếu học các trường sơ học Pháp – Việt Bến Tre, rồi trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Sài Gòn. Năm 1931, ông thi đậu tri huyện rồi đốc phủ sứ, nổi tiếng chính trực. Ông là một trong những người sáng lập và xây dựng chùa Xá Lợi và Hội Phật học Nam Việt. (3)

Mai Thọ Truyền trước tác nhiều, dịch các kinh sách, có uy tín trong ngành Phật học, từng giữ chức phụ tá Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm tổng thư ký niên khóa 1967-1968. Ông mất ngày 17 Tháng Tư, 1973 tại Sài Gòn, thọ 68 tuổi.

Tác phẩm Mai Thọ Truyền:

Tâm và Tánh, Đuốc Tuệ Hà Nội ấn hành, 1950. Ý nghĩa Niết Bàn, 1962. Một đời sống vị tha, 1962. Tâm kinh Việt giải, 1962. Le Bouddhisme au Viet Nam, 1962. Pháp Hoa huyền nghĩa, 1964. Địa Tạng mật nghĩa, 1965.

Tác phẩm còn lại: Truyền tâm pháp yếu, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Vòng quanh thế giới Phật Giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông.


CHÚ THÍCH
(1) Tạp chí Từ Quang xuất hiện đều đặn từ 1957, Mai Thọ Truyền là nhân vật nòng cốt. Theo một bài viết của Thích Nhất Hạnh, Từ Quang ra tới số 242 và vẫn tiếp tục.
(2) Thanh Thương Hoàng (hiện nay 2016 đang cư ngụ tại San Jose) là chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam. Nguyễn Kiên Giang là chủ tịch Nghiệp đoàn Ký Giả Nam Việt.
(3) Chùa Xá Lợi khởi công xây dựng từ 1956, tọa lạc tại đường Bà Huyện Thanh Quan, bên trường nữ trung học Gia Long, Sài Gòn. Hội Phật Học Nam Việt thành lập năm 1950.

MỚI CẬP NHẬT