Thursday, March 28, 2024

Nam Dao: ‘Trăng Nguyên Sơ,’ hiềm khích giữa chữ, nghĩa và xã hội?

Du Tử Lê

Tháng 10 năm 2004, trả lời cuộc phỏng vấn qua điện thư của nhà văn Mai Ninh ở Pháp, Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ông chỉ thực sự viết văn xuôi kể từ năm 1998. Trước đó, ông có làm thơ, gửi gấm bạn bè… Lý do theo ông:

…‘văn xuôi’ thường cần thời gian, thứ này trước kia tôi có rất ít vì còn phải tập trung giảng dạy và nghiên cứu khoa Toán Kinh Tế, chưa có điều kiện để trả nghiệp, cái nghiệp bất bình tắc minh theo cách nói của Hàn Dũ, nôm na là không nhịn được thì khắc nói. Nhưng nói gì? Nói để ai nghe? Văn chương liệu có chia sẻ được với những ai? Chúng ta có cùng một lịch sử thật bi tráng, nhưng với tôi, tôi luôn luôn có cảm tưởng bị lường gạt, bị lừa phỉnh, qua luồng chính sử thường bị quyền lực o ép cưỡng bức. Nhu cầu chiếm hữu lại cho mình một lịch sử qua lăng kính chủ quan ngày một bức bách, trở thành yếu tố đẩy tôi vào thể loại Tiểu Thuyết Lịch Sử. Năm (19)99, Gió Lửa là tác phẩm đầu tay. Nhưng xin nói ngay, nghiêng thì có nhưng tôi chưa nghiêng hẳn về văn xuôi đâu! Khi Thơ, bà Chúa của ngôn ngữ vời đến, tôi sẽ chẳng cưỡng lại được. Nhưng hiềm là bà Chúa vốn khó tính, không phải vẫy gọi tất cả mọi người, dẫu cả nước mình, trong và ngoài, ai cũng tự xưng là nhà thơ. Lục bát ắt rất truyền thống, vần điệu niêm luật tất là cổ điển, và nếu trúc trắc lên đèo xuống suối thì… gọi sang trọng là hành ngôn cách tân hậu hiện đại...” (1)

Nhưng, chỉ một năm sau, Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng đã hoàn tất tiểu thuyết lịch sử “Gió Lửa,” dày gần 500 trang chữ in. Và, liên tiếp, tính tới hôm nay, họ Nguyễn đã cho ấn hành 16 đầu sách – – Từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký tới thoại kịch… Khá nhiều cuốn đã được tái bản. Cộng chung số trang sách được ấn hành của Nam Dao, có thể đã lên tới vài nghìn trang.

Tuy nhiên, với tôi, đóng góp cho văn chương của một tác giả, không phải là số lượng tác phẩm hay, tổng số trang sách ông/bà ta đã hoàn tất mà, về phương diện hình thức, hay nội dung…, tác giả đó có được những thay đổi, hoặc mới mẻ cho văn chương hay không?

Từ quan điểm này, tôi trộm nghĩ, dường như ở lãnh vực nào, Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho thấy nỗ lực làm mới văn chương của ông. Nói cách khác, từ truyện ngắn tới tiểu thuyết, từ bút ký tới thoại kịch, bằng vào kiến thức sâu, rộng, kinh nghiệm sống phong phú,… họ Nguyễn đã luôn đắm mình trong những thử nghiệm. Tựa ông muốn đánh những đường kiếm trầm trọng về phương diện kỹ thuật, ngôn ngữ, cũng như tư tưởng.

Dẫu vậy, hai lãnh vực mà Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng được dư luận chú ý và, có thể nói thành công nhất là lãnh vực tiểu thuyết lịch sử và, hiện thực xã hội.

Nói tới lãnh vực văn chương hiện thực xã hội của Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng, những người theo dõi bước đường chữ, nghĩa dằn xóc bất trắc của Nam Dao, hẳn chưa quên vụ tiểu thuyết nhan đề “Trăng Nguyên Sơ” của ông – – Do nhà XB Lao Ðộng ở VN phối hợp với Trung Tâm Văn Hóa Ðông Tây, ấn hành năm 2008. (2)

Tác phẩm này, ngay tự sơ sinh, đã không nhận được nụ cười (dù nửa miệng) của định mệnh! Tựa giữa định mệnh chữ, nghĩa ở “Trăng Nguyên Sơ” và thực tế vốn ẩn tàng hiềm khích nhiều đời, kiếp! Tác phẩm mới phát hành chưa được một tháng thì, cơ quan kiểm duyệt đã yêu cầu NXB Lao Ðộng thu hồi và, người chịu trách nhiệm nội dung tác phẩm có 30 ngày để sửa chữa, nếu muốn sách được tái lưu hành.

Cơ quan kiểm duyệt quy kết “Trăng Sơ Nguyên” là:

“...Cuốn sách có những trang, những đoạn mô tả, bình luận, phê phán những hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống hiện đại tại Việt Nam, ‘như chuyện đòi ‘boa’ ở khách sạn, ăn xin, bán dâm, loạn luân bố chồng ngủ với con dâu, bạn bè lừa lọc nhau, người vô tội bị quản thúc 3 năm chỉ vì đưa thơ ra nước ngoài, sự bất lực của bộ máy công quyền trong việc giải quyết các vụ kiện về đất đai…” (Trích công văn của Cục Xuất Bản gửi nhà xuất bản Lao Ðộng ngày 03/12/2008). (Da Mầu.com. Nguồn Wikipedia)

Là người chịu trách nhiệm bản thảo “Trăng Sơ Nguyên,” nhà văn Trần Tử Huyến, trong phần “giải trình,” đã phản biện rằng:

…Trăng Nguyên Sơ là tác phẩm văn học thể loại hư cấu (tiểu thuyết), được viết với thủ pháp hậu hiện đại ít nhiều mới lạ với bạn đọc truyền thống trong nước, như chính tác giả nói trong Lời Phi Lộ: ‘Cấu trúc tiểu thuyết này kết hợp với thể cổ điển nào là phóng sự, rồi cả chưởng Kim Dung, tức một món lẩu đủ yếu tố ‘Hậu hiện đại’ có thể gây sốc cho người đọc.’ Thông qua những trang ‘du ký’ kể về hành trình vừa thật vừa giả tưởng, qua không gian và qua cả thời gian, của một nhóm người đi tìm báu vật ‘Bảo Quốc Hộ Dân’ và đi tìm những người đi tìm báu vật đó, tác giả muốn ghi lại những ấn tượng về đất nước và con người qua những thăng trầm của lịch sử. Ðây là tác phẩm nghệ thuật có những cố gắng tìm tòi, cách tân trong hình thức thể hiện cũng như trong suy ngẫm mang tính triết lý nhân sinh về lịch sử, về số phận người và về quan hệ người với người, với xã hội, thiên nhiên (…).

“...Ngôn từ đối thoại của nhân vật, và của cả tác giả, mang tính ‘Hậu hiện đại’, diễu nhại, trào lộng, dễ gây mất thiện cảm, thậm chí là sốc với một số người.

Về điểm này tôi xin có ý kiến giải trình:

Những hiện tượng trên có được mô tả trong cuốn sách, nhưng chỉ là đơn lẻ (không lặp lại), không đậm đặc, chiếm không nhiều số trang sách và số sự kiện (đoạn công văn vừa dẫn đã liệt kê gần hết những hiện tượng ‘tiêu cực’ có trong sách); ngoài ra trong sách còn nhiều những sự kiện, những suy tư và cảm hứng tích cực khác, nên không thể nói là nội dung tác phẩm chỉ ‘tập trung phản ánh hiện thực một cách phiến diện khách quan, chỉ thấy tiêu cực, yếu kém’ như nhận định của công văn (…).

“…Hơn nữa, tất cả những hiện tượng trên đều là có thật trong hiện thực cuộc sống ở Việt Nam (và không chỉ ở Việt Nam). Ở đây tác giả dùng thủ pháp ‘phóng sự’ đưa những sự kiện đó vào trang sách để làm nền cho ý đồ nghệ thuật của mình – phê phán cái tiêu cực để đi tìm cái tích cực, cái nguyên sơ của tính người. Thái độ của tác giả trong cuốn sách là khẳng định cái tốt đẹp, phê phán những cái xấu trong xã hội – đó là đặc trưng tất yếu của nghệ thuật văn chương. Ðiều này có thể tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm của các tác giả, tác phẩm khác được dư luận đáng giá cao ở trong nước…” (Nđd)

Trước cái chết tức tưởi của đứa con tinh thần, nhà văn Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng đã có “…Vài lời… cho số phận,” chua chát, như sau:

Thời gian viết xong Trăng Nguyên Sơ (TNS), đọc báo thấy có nghị quyết này nọ khuyến khích người Việt ở hải ngoại gửi đô-la, mua nhà (có điều kiện để đàng hoàng hợp pháp), đóng góp ‘chất xám’ vào công cuộc xây dựng đất nước,… tôi đã hồ hởi, biết đâu đất nước Việt Nam đang thay đổi. Gửi về cho mấy ông bạn văn, TNS được vài vị chú ý, giới thiệu với những nhà xuất bản trong nước, và xin giấy phép… Tháng 7, 2008, nhà xuất bản Lao Ðộng nhận in, mọi việc suôn sẻ. Tháng 11, TNS ra đời. Cuối tháng 11, đầu tháng 12, nghe tin như sét đánh ngang, Trăng (TNS) kia đang sống chuyển sang từ trần: Cục Xuất Bản ra tay bôi chất ‘xám’ Việt kiều tôi thành ‘đen kịt’ một mầu ‘tiêu cực’. Sau đó, người biên tập TNS có bản giải trình với nội dung tôi chia sẻ và đồng ý 100%…” (Nđd)

(Kỳ sau tiếp)

––––––—

Chú thích:
(1) Theo amvc.free fr. Nguồn Wikipedia-Mở.
(2) “Trăng Nguyên Sơ” ấn hành lần thứ hai, bởi NXB Thi Văn Hoa Kỳ, 2015.

MỚI CẬP NHẬT