Thursday, March 28, 2024

Nhóm, tạp chí, và nhà thơ Song Hồ

Viên Linh/Người Việt

Viết về 20 năm văn học miền Nam Việt Nam, khởi từ năm 1954, có nghĩa là khi trên các mặt báo, trong các tủ sách có thơ văn của chia cắt đất nước, của “chúng ta đi mang theo quê hương,” với những tên báo, tên nhóm, tên các nhà xuất bản riêng biệt, những báo những nhóm có mặt sớm nhất, chậm nhất là từ 1954 trở đi.

Trong khi ấy, trước 1954, Sài Gòn đã có những nhóm, những tờ báo hiện diện và tiếp tục hiện diện một thời gian trước khi văn học miền Nam chuyển biến và lan rộng rực rỡ, để tồn tại cho tới mấy chục năm sau 1975, và nền văn học ấy vẫn tồn tại khi những dòng này được in ra.

Còn nhớ khoảng sau 1950 tại Hà Nội, mỗi ngày đi học từ bờ hồ Thiền Cuông tới trường ở trung tâm thành phố, tôi đều đi qua một tòa báo và hai tiệm sách, tòa báo tên là Hồ Gươm gần nhà tôi cùng trên phố Goussard với một hiệu sách và một hiệu sách nữa trên phố Huế, tên Bình Minh, khi tôi rẽ trái để tới trường tiểu học Ngô Sĩ Liên.

Trước báo Hồ Gươm có một chàng mặc quần áo trắng lốp, đi giầy vải Bata trắng, ấy là chàng Song Hồ sau này 1960-63 chúng tôi làm việc chung với nhau trong Đài Tự Do ở Sài Gòn (khi đài còn ở Gia Định), và gặp nhau lần chót ở Little Saigon, miền Nam California, trước khi anh ra đi vĩnh viễn.

Khi ở trong báo Hồ Gươm của ông Bùi Cẩm Chương, anh đã là một thanh niên, tôi mới là thiếu nhi. Ngoài tờ tuần báo ấy, khoảng 1953 còn những tờ như Giác Ngộ, hay tạp chí Phổ Thông của Hội Cựu Sinh Viên Luật Khoa với Lê Quang Luật, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Thiệu Lâu, Duy Thanh, một hai lần có thấy tên Bùi Giáng hay Cung Trầm Tưởng.

Đọc thơ văn từ hồi nhỏ, trong đầu cậu thiếu nhi vô tình theo dõi tên tác giả mỗi khi chợt thấy cái tên quen thuộc, hay chợt bồi hồi khi nghe khi thấy một nhan đề từng biết, những dòng chữ từng đọc, để rồi có những trường hợp trí nhớ phôi thai ấy đã đóng góp vào hiểu biết sau này. Để ghi lại vài nét sinh hoạt của một tác giả, từ lúc lên đường, tờ báo hay tác phẩm sớm nhất lúc đầu, cho tới lúc tất cả sẽ xa xăm, người viết bài này cũng sẽ giới hạn thơ văn các tác giả được nói đến trong phạm vi ấy.

Nhà thơ Song Hồ tên khai sinh là Nguyễn Thanh Đạm, sinh ngày 8 Tháng Tám, 1932, tại Bắc Ninh, và mất năm 2009.

Năm 1949 đã sáng tác bài “Thư Gửi Người Em Hà Nội” khi sống ở núi rừng Việt Bắc.

Năm 1952 về thành (hay gọi là vào Tề = rentrer) và bắt đầu có thơ đăng báo khi cộng tác với các nhật báo Tia Sáng của ông Ngô Quân, báo Giang Sơn với Thy Thy Tống Ngọc ở ngay Hà Nội hay gửi bài cho các báo Đời Mới và Nguồn Sống Mới ở Sài Gòn.

Chúng tôi quen biết nhau từ 1953 khi ở cùng phố, cách nhau khoảng chục căn nhà. Năm 1954 di cư vào Nam, do nhà thơ Đại Tá Cao Đài Hồ Hán Sơn hỗ trợ, Song Hồ vào làm báo Quyết Thắng và Đài Phát Thanh Long Hoa sau khi được giới thiệu với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc của giáo phái này.

Sau đó anh vào làm trong Văn Hóa Vụ và Bộ Thông Tin của Bộ Trưởng Trần Chánh Thành, năm 1958 được cử đi Nam Vang trông coi tờ báo Việt Ngữ Hồn Việt dành riêng cho Việt kiều ở Cao Mên. Năm 1960 về Sài Gòn, xuất bản tập thơ đầu tay “Hai Cánh Hoa Tim,” do đó mất việc vì bị phê bình xuyên tạc là thiên Cộng qua bài thơ “Những Nỗi Buồn Nhỏ Nhặt.”

Năm 1960 gặp lại nhau tình cờ ở Gia Định vì cùng được nhận vào ban biên tập Đài Tự Do. Anh cũng đi dạy học tư. Năm 1963 Khai Trí xuất bản “Thơ Song Hồ,” tập thơ thứ hai. Các năm 1969-1972 anh cộng tác với tạp chí Khởi Hành, cũng là thời gian phục vụ nghĩa vụ quân sự tại Bình Định, Kon Tum.

Song Hồ có vài bài thơ nổi tiếng đã thành ca khúc: bài “Kim Kim” do Gene Brooks phổ nhạc dưới nhan đề “Sunday Morning,” bài “Tôi Viết Tên Anh Trên Đá Trên Hoa” nhạc sĩ phổ nhạc đã không ghi tên thi sĩ bài thơ. Nhà thơ Đinh Hùng, cùng làm trong đài phát thanh, sẵn sàng làm chứng để anh đi kiện, song anh bỏ qua.

Dường như không ai còn nhớ tới có một thi sĩ là Song Hồ, thế mà anh đã có hai ba tập thơ xuất bản, hai ba bài thơ được phổ nhạc. Hơn thế, trước 1954 anh cộng tác với vài ba tuần báo văn nghệ rồi mới vào Nam.

Song Hồ được dành riêng một chương trong cuốn “Những Nhà Thơ Hôm Nay” của Nguyễn Đình Tuyến do Khai Trí xuất bản từ 1967. Có lẽ có mặt quá sớm trong buổi giao thời thường cũng phải trải qua những cảnh không thuận lợi, chẳng hạn cảnh tranh tối tranh sáng của hỗn độn và giao động?



Kim Kim (Tình Ngọt)

Thơ Song Hồ

Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Em mặc áo màu hay áo hoa?
Bây giờ tháng mấy rồi Kim nhỉ?
Tình yêu chúng mình như hôm qua.

Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim nhớ không?

Em đã hôn anh như anh đã hôn em
Khi hai đứa chúng mình mới gặp nhau
Anh đưa em về trời vừa đổ tối
Chúng ta hẹn nhau ở ngày mai.

Ngày mai anh đón em ở Phú Nhuận Chi Lăng?
Chúng mình sẽ đi trên con đường Gia Định
Những con đường đầy bóng cây xanh
Hay những con đường Sài Gòn đầy màu áo?
Anh đưa em về anh không quên hôn em.

Nhưng buổi tối. Trời mưa
Hai đứa. Đi chung một áo
Lòng em sưởi ấm lòng anh
Chúng mình vừa đi vừa hôn
Ngoài trời vẫn mưa, vẫn mưa tuôn.

Vai em tròn như chiếc bình sứ
Môi em ngọt hơn nước mưa rơi
Kim ơi! Kim ơi! Kim ơi!
Những sáng Chủ Nhật Kim còn nhớ?

Anh cướp con Chiên của Chúa rồi!
Và môi em nở nụ cười
Anh nguyện là người tình chung thủy
Đưa em về Thiên-Đường-Hoa-Cỏ-Tình-Yêu.

***

Chúng mình yêu nhau trong ngày Phục Sinh
Khi những con chiên về nhà thờ
Và chuông giáo đường đang ngân tiếng
Kim ơi! Kim ơi! Kim nhớ không?

1958
(Đá và Hoa, 1992)


 

Họa sĩ Ann Phong và lớp hội họa cùng bằng hữu

MỚI CẬP NHẬT