Thursday, March 28, 2024

Những thiết bị chỉ đường GPS trong truyện ngắn Vũ Thư Hiên

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Khi tả da mặt của bà cô tên Lương, bước vào tuổi già, thay vì nói, với thời gian, làn da đó sạm đi và khô khốc, thì Vũ Thư Hiên lại liên tưởng tới màu của những bao giấy đựng xi măng và, một sợi râu bạc, “chui ra” từ nốt ruồi.

Ông viết: “Cô Lương chậm rãi pha trà. Giữa chúng tôi hơi trà ngào ngạt và ấm áp bốc trên miệng chén. Ở khoảng cách gần, tôi thấy cô già sọm – hai mắt lõm sâu, má hóp, da mặt đã có màu bao xi măng. Mấy chiếc răng cửa hơi đưa ra, vốn là cái duyên của cô, giờ xuống màu, với những khe rộng hơn trước. Giọng cô không còn trong, không còn cao, nó hơi mệt mỏi, khàn khàn. Từ nốt ruồi ở hàm bên phải chui ra một sợi râu bạc…”

Bên cạnh những nhận xét tinh nhạy với ít nhiều tính trào phúng, tiêu biểu cho từng loại người trong xã hội, tôi cũng rất thích những bút ký viết về những văn nghệ sĩ đàn anh, hoặc cùng thời với họ Vũ, như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Phạm Tăng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, hay nhà văn Nguyễn Khải…

Viết về những văn hữu của mình, dù ở giai đoạn của dòng văn học Việt Nam, Vũ Thư Hiên, luôn cho tôi cảm tưởng trong trang văn của ông luôn ẩn tàng những thiết bị chỉ đường GPS. Nó dẫn tôi tới những dấu vết nhận dạng riêng từng người. Cũng có khi trong bút ký viết về nhân vật A, người đọc sẽ được thiết bị chỉ đường GPS của chữ, nghĩa Vũ Thư Hiên dẫn đến chân dung nhân vật B; cũng đậm nét, cũng khắc sâu những dấu vết nhận dạng của người đó.

Thí dụ, trọng tâm của bút ký “Phở Cá” là Nguyễn Tuân, vì đề cập tới vấn đề ẩm thực, nên vào bài, họ Vũ đã nhắc tới Thạch Lam. Ông viết: “…Tiếng tăm các vị trưởng thượng trong làng ăn uống thì nhiều, đọng lại trong văn chương, tôi vụng nghĩ, chỉ có hai: Thạch Lam và Nguyễn Tuân.”

“Hai nhà văn khác nhau ở chỗ một đàng chết trẻ, một đàng chết già, thành thử lớp hậu sinh cứ Thạch Lam trống không mà gọi, còn với Nguyễn Tuân thì người ta cung kính kêu cụ Nguyễn, ông Nguyễn, bác Nguyễn.”

“Có thể thêm vào đấy một cụ nữa là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nhưng cụ này khác hai cụ kia – Tản Đà là người lập dị trong chuyện ẩm thực, chứ không được con cháu liệt vào loại sành điệu. Cụ ưa bịa ra những món ăn cầu kỳ và siêu cầu kỳ, nghe sướng con ráy, nhưng người theo chân cụ ngày một thưa thớt.”

“Thạch Lam còn mãi là nhờ tài bốc tận mây xanh những món sang món hèn trong Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường (tại sao không gọi là băm sáu nhỉ, cho đúng cách Hà Nội?)”

“Vũ Bằng với ‘Thương Nhớ Mười Hai’ hay tuyệt, nhưng theo nhiều nhà điểm sách đáng kính thì chỉ là một Thạch Lam nối dài, chứ không hơn.”

“Nguyễn Tuân sống lâu hơn cái chết của ông, không kể những ‘Vang Bóng Một Thời,’ ‘Chùa Đàn,’ ‘Quê Hương’ tức ‘Thiếu Quê Hương’…, có phần còn nhờ đưa cách ăn uống bình dân lên hàng nghệ thuật, trong tùy bút “Phở” (…).”

“…Trong cái tùy bút không dài này ông khẳng định cả quan niệm lẫn tình yêu của mình đối với phở. Thành ra khi nói về phở mà không nhắc đến ‘Phở’ của Nguyễn Tuân là coi như thiếu đứt một mảng văn chương của ông (…).

“…Khi nào Nguyễn Tuân sướng lắm trong sáng tác ông mới rụt rè hỏi người đối thoại về đứa con tinh thần của mình ‘Anh thấy nó thế nào?’”

“Tôi nói tôi thích.”

“Ông ghé cái trán bóng về phía tôi thì thào: Bây giờ thiên hạ sính nói chuyện lập trường, mình lại nói chuyện phở mà không bị họ bắt bẻ, thế là tốt lắm rồi đấy…” (“Phở Cá,” trang 525, 526, 528).

Ở một bút ký khác, để kỷ niệm bốn năm (ngày 2 Tháng Mười, 2012) ngày bạn tù Nguyễn Chí Thiện qua đời, Vũ Thư Hiên viết:

“Nguyễn Chí Thiện tù cùng với tôi ở trại Phong Quang, Lào Cai. Tính về mức độ tàn bạo, nó chỉ đứng sau trại Quyết Tiến, hoặc còn gọi là Cổng Trời, ở Hà Giang (…).”

“Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi, những người bạn tù của Nguyễn Chí Thiện coi anh là nhà thơ, mặc dù không ít thì nhiều chúng tôi đều được anh thì thầm đọc cho nghe thơ anh trong những buổi tối của đời tù đằng đẵng.” (“Nhớ Bạn Tù Nguyễn Chí Thiện,” trang 615, 616).

Nhờ ra tù sớm hơn bạn khoảng nửa năm, lại gặp được một bạn cũ, trước kia cùng là giảng viên khóa 6, trường Sĩ Quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn, cho việc làm. Khi Nguyễn Chí Thiện ra tù, cần việc, lại không có vốn, họ Vũ đã nói với bạn, cho Nguyễn Chí Thiện được lấy hàng trước (bột nở), bán trước, trả tiền sau…

“…Nhờ buôn bột nở, Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê, giúp các bạn tù còn loay hoay tìm kế sinh nhai. Ấy là sau này Thiện tâm sự tôi mới biết.”

“Thiện rất sòng phẳng. Bán được nhiều rồi, tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả ngay lần ấy không dây dưa.”

Nhưng, chính lúc tác giả “Hoa Địa Ngục” tương đối được thong thả về tài chính thì, đó cũng là lúc tai họa bất ngờ ập đến. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên thì, đó là lần Nguyễn Chí Thiện dồn hết tiền bạc cho chuyến buôn “bột nở” từ miền Bắc vào trong Nam. Bị cơ quan thuế vụ tịch thu toàn bộ lô hàng.

Đấy cũng là thời gian Nguyễn Chí Thiện chép lại những bài thơ làm trong tù, rồi đột nhập Tòa Đại Sứ Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài tập “Hoa Địa Ngục.” Vì thế, ông bị tù trở lại.

Gần cuối “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên,” tác giả viết về một người bạn văn khác của ông: Nhà văn Nguyễn Khải.

Đây là một nhà văn từng được những người cùng thời ở cả hai miền Bắc/Nam e ngại, đề phòng, xa lánh vì tính chất công khai phục vụ chế độ của ông ta (3). Vậy mà cuối đời, thật bất ngờ khi Nguyễn Khải để lại bài viết “Đi tìm cái tôi đã mất.”

Bằng vào tình thân và dùng tâm lý học, họ Vũ đã “giải mã” trường hợp văn nô Nguyễn Khải, một nhà văn, phải sống giả, phải tiêu những đồng bạc giả cho khi xuôi tay, nhắm mắt:

“…Khải có con mắt quan sát sắc sảo, có tài viết ra những gì mắt anh thấy. Anh đã chiều theo cái tài của mình để nó được thiên hạ biết đến rằng nó có mặt. Anh viết, bắt đầu bằng những bài báo tường, rồi báo giấy, rồi những cuốn sách. Anh sinh ra trong một thời đại đặc biệt khe khắt với mọi sản phẩm chữ nghĩa. Mọi thứ viết đều phải nhất nhất tuân theo ý người cai trị xã hội. Viết khác ý nó thì nó đập cho kỳ chết. Anh muốn phô cái tài của mình thì anh phải làm ra những cái mà nó muốn. Thế là người đọc có một nhà văn Nguyễn Khải như ta đã biết. Một thằng nịnh, một thằng hèn, một văn nô, như nhiều người nghĩ.”

“Khải thèm viết để chiều cái tài thiên phú. Dần dà cái sự thèm ấy trở thành một bản năng được cấy ghép vào người. Nói cách khác, nó là một thứ ma túy, không có nó không sống được. Đã bập vào nó khó dứt ra lắm. Khải đã bập vào, đã vật vã, đã không dứt ra được. Mãi cho tới cuối đời.”

“‘Đi tìm cái tôi đã mất’ đến với tôi khi Khải không còn. Tôi đã ở rất xa, cả quá khứ lẫn địa lý. Với bài viết này, Khải bộc bạch những suy nghĩ được giấu kín trong lòng. Không thể tưởng tượng nổi nhà văn được coi là con yêu của đảng lại có thể nói toạc về đảng mình đến thế này: ‘Nói dối lem lém. Nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ…’”

Và điều họ Vũ rút ra được từ Nguyễn Khải, cuối đời qua “Đi tìm cái tôi đã mất” là: “‘Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hay tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế.’ Và ‘Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người.’” (“Nguyễn Khải – Vài kỷ niệm,” trang 672).

***

Tôi tin, độc giả sẽ tìm thấy rất nhiều thiết bị chỉ đường GPS trong “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” do Người Việt Books ấn hành, như một trong những quà tặng tinh thần đáng kể nhất của năm 2017 này mà, Người Việt Books đã gửi tới những người yêu sách.

————
Chú thích:
(3) Sinh thời, nhà văn Mai Thảo từng cảnh giác: Trong số những nhà văn Hà Nội vào sinh hoạt ở miền Nam tiếp xúc với văn giới Sài Gòn thì, Nguyễn Khải là tay nguy hiểm nhất.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 14 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT