Friday, April 19, 2024

Nhượng Tống, thế hệ 20 hồi 1925

Viên Linh

Ngoài việc dịch gần hết “lục tài tử” của văn học Trung Hoa, ngoài cuốn tiểu thuyết tình cảm thời mới lớn Lan Hữu, Nhượng Tống còn là người đồng thành lập Nam Ðồng Thư Xã với anh em Phạm Tuấn Tài chủ trương giáo dục thanh niên ý thức trách nhiệm đối với đất nước – một đất nước còn đang dưới ách đô hộ của Pháp – cho nên ảnh hưởng của ông lan rộng, sâu bền, khác hẳn ảnh hưởng giai đoạn của chính trị. Các sách mà ông đã xuất bản là Gương Thiếu Niên, Gương Thành Bại, Trưng Vương Diễn Nghĩa, Dân Tộc Chủ Nghĩa. Thư xã của ông bị đóng cửa khi Việt Nam Quốc Dân Ðảng thành lập năm 1927. Vụ ám sát ông năm 1949 trên đường phố Hà Nội là một án mạng văn hóa. Nạn nhân không chỉ là một người, nạn nhân là một thế hệ càng ngày càng kém văn hóa vì bạo lực đã giết hại biết bao nhân tài xây dựng văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX?

Nhà văn Nhượng Tống sinh năm 1905 hay lẻ 6, khi khuất bóng trên đời ông mới 43 hay 44 tuổi, khi hoạt động bên cạnh Nguyễn Khắc Nhu (Sứ Nhu), Nguyễn Thái Học, Hồ Văn Mịch, ông 21 tuổi, kém các đàn anh có 3 hoặc 4 tuổi. Trong bài phỏng vấn Nhượng Tống đăng trên tạp chí Tri Tân, Nhượng Tống cho biết như thế: “Tôi năm đó [khoảng 1927] kém anh Học ba tuổi, mới có 21, là người bé nhất.”

Nhắc lại cuộc nổi dậy ở Yên Bái xảy ra ngày 10 Tháng Hai 1930, nhưng thất bại, các yếu nhân QDÐ bị hành hình ngày 17 Tháng Sáu cùng năm và cuộc phỏng vấn Nhượng Tống thuật lại trong bài này in ra Tháng Năm 1945 (*), 15 năm sau ngày trọng đại. Mười lăm năm sau biến cố lịch sử mà bản thân có góp phần, mặc dù bị tù tội cấm cố, trí nhớ của nhà văn Nhượng Tống với tuổi 43 hẳn còn sắc bén, rất đáng để chúng ta tin đây là một tài liệu quí giá. Có mấy sự việc chúng tôi trích ra tạm đặt dưới những tiêu đề nhỏ. 

Tổ chức

Nhượng Tống trả lời câu hỏi của báo Tri Tân:

– Chúng tôi đã tổ chức đảng chia làm 4 bậc: trung ương đảng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ và chi bộ. Trung ương có 8 ban: ban tài chính, ban tuyên truyền, ban tổ chức, ban binh bị, ban giám sát, ban trinh thám, ban giao thông và ban ám sát. Dưới trung ương đảng bộ là kỳ bộ. Tất cả có 3 kỳ: Trung, Nam, Bắc. Từ tỉnh bộ trở xuống chỉ có 4 ban: tuyên truyền, tổ chức, tài chính và giám sát.

Mỗi chi bộ có 19 đảng viên vì giạo [dạo] đó có lệ cấm không được hội họp quá 19 người. Nói là 19 nhưng nhiều khi mỗi chi bộ không đủ con số đó. Mỗi khi họp ở đâu thì do ban tổ chức tìm nơi và quyết định rồi mệnh lệnh sẽ do các đảng viên truyền đi, đảng viên ấy ở trong bộ giao thông. Trong trung ương đảng bộ, anh Nguyễn Khắc Nhu tức Sứ Nhu làm chủ tịch, còn anh Nguyễn Thái Học thì là phó chủ tịch. Ðến 1929 đảng chúng tôi chia làm hai ban: ban lập pháp và ban chấp hành. Ban lập pháp thì anh Sứ Nhu đứng đầu. Ban chấp hành thì anh Nguyễn Thế Nghiệp.

-Ðảng tổ chức như vậy chắc cũng có nguồn lợi tức gì để chi tiêu các khoản?

-Tiền của đảng một phần là do các đảng viên đóng, mỗi người mỗi tháng hai hào. Những người đi làm công sở mà có lương tháng thì phải góp hàng tháng hai mươi phần trăm số lương. Các nhà nông công, thương, phải nộp hàng năm hai mươi phần trăm số lợi tức. Ngoài ra đảng lại mở cuộc lạc quyên trong các đồng chí. Nhiều anh em đã giúp đảng hàng vạn!

Biết rõ về cách tổ chức, tôi bèn hỏi tới chương trình của Việt Nam Quốc Dân Ðảng thì ông Nhượng Tống liền đứng lên đi tản bộ trong phòng như có vẻ suy nghĩ. Rồi ông thư thả nói:

-Chương trình của đảng có 4 thời kỳ: phôi thai, dự bị, phá hoại tức cách mệnh với người Pháp, và kiến thiết. Chúng tôi chưa làm xong cái chương trình ấy thì đã bị vỡ và bị người Pháp thẳng tay đàn áp. Chúng tôi mới tới thời kỳ thứ ba. Còn thời kỳ thứ tư là kiến thiết quốc gia theo chương trình khi ấy là lập nước Việt Nam ta thành một nước cộng hòa xã hội. 

Văn chương cách mệnh

-Ngoài các sách của Nam Ðồng thư xã, Việt Nam Quốc Dân Ðảng có còn các bài văn nào trong thời kỳ tuyên truyền chăng?

-Khi Việt Nam Quốc Dân Ðảng thành lập thì vừa là lúc Nam Ðồng thư xã bị người Pháp bắt đóng cửa. Các sách đã xuất bản như Gương Thiếu Niên, Gương Thành Bại, Trưng Vương diễn nghĩa, Tôn Dật Tiên, Dân Tộc Chủ Nghĩa, Dân Sinh Chủ Nghĩa phần nhiều bị cấm và tan nát cả.

Tôi hồi đó có làm cuốn “Cách mệnh tiên thanh,” trong đó kể người Pháp 32 tội! Sách in giấu không cho nhà đương cục biết.

-Nghe nói trong sách ấy có một bài cách mệnh ca, ông còn nhớ xin cho biết.

-Tôi chỉ còn nhớ có tám câu đầu là:

“Lửa đế quốc thiêu tàn sáu giống
Sóng cường quyền vỗ động năm châu
Nước đến chân, lửa đốt đầu
Khói tanh sặc sụa hơi sầu mê man
Giống mạnh những moi gan móc mắt
Loài yếu cam sấp mặt cúi mày,
Thảm nào quá thảm lúc này
Nhục nào hơn nhục ngày rày nữa đâu!”

và mấy câu cuối:

“Xin đứng dậy cùng lên tiếng hát
Gọi hồn mê hét quát gió mây
Nằm da uống máu có ngày
Xông tên đột đạn phen này mới xong,
Cùng dấn bước xin cùng dấn bước
Gây binh đao gây cuộc binh đao
Phất cờ đào, đổ máu đào,
Nam đồng bào, nữ đồng bào tiến lên!”

Ngoài mấy câu đó tôi còn nhớ trong có một bài quốc ca:

“Một lời đồng tâm liều thân vì nước
Góp chung máu đào quyết rửa thù chung
Con đường quang vinh vui chân cùng bước
Chết đáng chết trên trần thế mấy anh hùng?

Chết đáng chết trên trần thế mấy anh hùng?
Cùng loài sài lang, thề chẳng đội trời chung
Sống ra không thẹn cùng non sông!
Chết đi không hổ cùng cha ông
Nào anh em đồng chí!
Xin tiến lên cùng!
Lắp súng, anh em tiền quân!
Tuốt gươm, anh em tiền phong!
Tuốt gươm, lắp súng,
Tiến lên! Tiến lên! Ta phấn đấu tới cùng!”

Cuộc tổng khởi nghĩa

– Sau việc bắt bớ năm 1929, chúng tôi, những người còn lại định tổ chức cuộc khởi nghĩa ở toàn hạt Bắc Kỳ các bạn tôi chú ý nhất là Hà Nội. Vì vậy ở trường bay Bạch Mai chúng tôi có tới hơn 30 người là đồng chí và trong đạo quân thứ 4 và thứ 9, có hơn ba trăm hạ sĩ quan là đảng viên. Nhưng sau cuộc phản bạn của đội Dương, các võ trang đồng chí đều bị bắt và bị cách chức. Ðảng có phái người đi trừng trị, đội Dương bị giết hụt và bố đội Dương là giáo Du thì bị giết ở đầu Hàng Ðậu. Thành ra khi khởi nghĩa chỉ đánh được có Yên Báy [hay Bái], còn ở Hà Nội chỉ ném được có mấy quả bom. Trong khi ấy ở Hải Dương, Bắc Ninh, Kiến An, Thái Bình, Phả Lại, Hưng Hóa, Vĩnh Bảo, Phụ Dực đều có nội biến. Những nơi này các đảng viên cũng bị đàn áp và tan tác cả. Sau vụ Yên Báy, lần đầu 13 người lên máy chém, trong đó có Ngô Hải Hoàng, Nguyễn Thanh Thuyết, Nguyễn Thái Học, Phó Ðức Chính, v.v…; lần thứ nhì hơn 30 người, tất cả hơn 50 người bị thiệt mạng! Ngoài ra gần 3,000 người bị đầy sang Inini (**), và ra Côn Ðảo!

-Thế ông bị bắt vào hồi nào?

-Về phần tôi, năm 1929 bị kết án năm năm cấm cố (détention), năm năm biệt xứ, không được đến các thành phố lớn!

-Hiện giờ trong đảng ai làm đảng trưởng?

-Chúng tôi không hề có đảng trưởng. Quyền tối cao trong đảng trước kia là ở người chủ tịch Trung ương đảng bộ mà nay thì ở thường vụ ủy viên hội.”

Cuộc phỏng vấn kéo dài đã gần hai tiếng đồng hồ. Chia tay từ giã giữa lúc màn tối bao phủ vạn vật, tôi tự nhủ, nếu còn người Pháp ở đây lẽ ra tên tôi cũng đã bị liệt vào bảng tình nghi và biết đâu một tên ma tà đã chả theo rõi [dõi] bóng tôi để dò la hành động. Vì tôi đã dám công nhiên nói chuyện với một cựu chính trị phạm và đặt chân vào một đảng bộ của Việt Nam Quốc Dân Ðảng! (Phạm Mạnh Phan)

———–
Chú thích

[*] Bài phỏng vấn nhà văn Nhượng Tống, yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, do ông Phạm Mạnh Phan thực hiện, đăng trên tạp chí Tri Tân ở Hà Nội vào năm 1945, và đăng lần thứ hai, 72 năm sau trên tạp chí Khởi Hành vào năm 2017, do sưu tầm của thư ký tòa soạn Nguyễn Tà Cúc. Chú thích trong ngoặc vuông và hình ảnh của Viên Linh.

[**] Inini là địa danh khu “nhà lao An Nam” (Le bagne des annamites) tại Nam Mỹ, xưa quen gọi là Guiana thuộc Pháp. Nhà lao nằm trong khu rừng sâu nước độc Amazon thuộc quận hạt Monstinery-Tonnegrande, 45 dặm cách thủ phủ Cayenne, French Guiana. Tài liệu trong phụ lục [do Lê Hoành Sơn viết] in trong cuốn “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An” của Hoàng Văn Ðào, Sống Mới Sài Gòn 1957, Việt Quốc, 2010.

MỚI CẬP NHẬT