Thursday, April 25, 2024

Huy Trâm, người chọn tận hiến đời mình cho chữ, nghĩa

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Với trên 20 tác phẩm đủ loại ấn hành tại Hoa Kỳ, sau tháng 4, 1975 thì, Huy Trâm/Nguyễn Nhuận Hồng Tam… đã có tất cả 8 thi phẩm (gồm cả một tác phẩm in chung với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thị Mắt Nâu).

Dường như chủ đề nào, người đọc cũng đều có thể tìm thấy trong cõi-giới-thi-ca Huy Trâm. Từ tâm thức lưu vong, tới quê hương, đất nước, tôn giáo, gia đình, tình yêu đôi lứa và, những năm tháng lao lung trong trại tù cải tạo…

Ở thể loại nào, họ Nguyễn cũng cho thấy tâm hồn bị những rung động chân thật, như những trận cuồng phong nhấc bổng ông lên cao, ném ông vào không gian riêng của từng thể tài. Như thể, nếu ông không nhanh chóng ghi lại thì, cảm xúc thi ca sẽ vội vã bỏ ông đi mà, không hẹn trở lại. Nhưng ở thể tài nào, họ Nguyễn cũng viết với tất cả tấm lòng thao-thiết-cô-đơn.

Về thể tài lưu vong, ông viết:

“Buồn vu vơ – thêm nỗi rét tha phương!
Tôi ngồi đợi xe Brea chuyến chót
Có tiếng giầy khua – hè đêm nện gót
Ngoảnh đầu coi – À! Cô gái đồng hương
Dáng dấp kiêu sa, váy tím đai hường
Cô sóng bước bên ngoại nhân đồ sộ
Tôi ngẫm thân tôi, mình sao rị mọ!
Không giống ai ở xứ sở văn minh
Một trái tim khô – vắng bóng nhân tình
Còn thấp thỏm lo bao ngày mất việc
Hết cọ cầu tiêu, lại ra sàn quét
Tôi với em – hai cảnh sống lưu vong”… (5)

Về thể tài quê hương, đất nước, ông viết:

“Trưa tỉnh giấc – trông nắng vàng ngai ngái
Sầu vu vơ – chợt nhớ những con đường
Quê mẹ nghèo xơ – chỉ có tình thương
Trải theo bước em đi – trưa ngõ nắng
Tre, trúc đong đưa – nỗi gì xa vắng
Trong hồn quê – quanh quất bụi tre già
Cánh kiến cam bay – bang giậu hoa mơ
Con đường nhỏ – dẫn mẹ già chân đất”…
(Trích “Những Con Ðường Quê Hương” Nđd)

Về thể tài tù cải tạo, ông viết:

“Nối gót theo nhau bước nặng nề
Ðoàn tù trong lửa hạ hôn mê
Cuốc không ăn đất kêu chan chát
Từng tiếng nghe lòng dội tái tê”… (6)

Về thể tài tôn giáo, ông viết:

“Ðèn khuya bên giáo đường
Soi bước em về trễ
Bước chân của tình thương
Qua bến đời dâu bể
Không buồn nữa Lara
Thánh ca làm ráo lệ”… (7)

Về thể tài tình yêu đôi lứa, ông viết:

“Anh muốn về đây cùng sớt chia
Ánh đèn vàng vọt dưới sương khuya
Nhưng đời vốn dĩ là ngăn cách
Ðành một dòng trôi với não nề!” (8)

Vân vân…

Ghi nhận về cỡi-giới thi ca Huy Trâm, qua thi phẩm “Ðồng Xanh,” xuất bản tại Orange County, California, 1993, họa sĩ, nhà văn Khánh Trường viết:

“Trước hết và sau cùng, thơ Huy Trâm qua tập ‘Ðồng Xanh’ là điểm tụ hội của những trái tim cùng đập chung một nhịp đập Việt Nam trên buốt giá quê người. Không quặn xót vật vã, không than van yếm thế, không quằn quại đau khổ, thơ Huy Trâm như dòng sông nhỏ chảy hiền hòa qua những bãi bờ của một quê hương đã nghìn tùng khuất lấp.Nhưng chìm sâu dưới dòng chảy tưởng êm đềm kia, là ngổn ngang bao nhiêu trầm tích, kết tinh thành nỗi hoài nhớ khôn nguôi về một nơi chốn đã sinh ra, lớn lên đã sung sướng, đã đau khổ, và bây giờ, đã cách ngăn một đại dương vời vợi.

“Và như thế, thơ Huy Trâm là cánh cò trôi chậm giữa bát ngát đồng xanh, lũy tre già, là bờ sông vắng, là rặng núi xa, là sợi khói mong manh vươn nhẹ trong chiều… Thơ Huy Trâm là nỗi buồn, nhưng đó là nỗi buồn đã thăng hoa, đã hóa kiếp, đã lẫn vào thịt xương máu huyết để làm thành hơi thở, đời sống Việt Nam.” (Bìa 4 “Ði Vào Lòng Cuộc Ðời” Nđd)

Mời độc giả xem video: Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2016
……

Ở lãnh vực báo chí, tôi nghĩ, người theo sát những buổi ra mắt tác phẩm của Huy Trâm/Nguyễn Hồng Nhuận Tam, có lẽ là nhà báo Nguyên Huy.

Một trong những bài tường thuật của Nguyên Huy về một thi phẩm của Huy Trâm, đã được giới thiệu năm 2015, có đoạn nguyên văn như sau:

“…Hầu hết các tác phẩm của ông, chứa đựng những tình cảm, những suy nghĩ súc tích dạt dào bằng giọng văn giản dị không có một chỗ nào ‘làm dáng văn chương’ hay kỳ bí trong những trăn trở cho dù Huy Trâm vốn là một trí thức, từng là thẩm phán công tố trước năm 1975.

‘Dù Có Xa Xôi’ có lẽ là tác phẩm thứ 29 hay 30 của ông từ trong nước ra đến hải ngoại. Ông viết nhiều thể loại, từ biên khảo đến thơ, truyện ngắn, truyện dài. Một trong những tác phẩm này đã được trao giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1969 thời Ðệ II Cộng Hòa. Ðó là cuốn biên khảo “Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại.”

“Sức sáng tác của nhà văn Huy Trâm dẻo dai, bền bỉ, cứ trung bình một hai năm ông lại gửi đến độc giả một sáng tác mới, khi là thơ khi là tuyển tập truyện ngắn khi là truyện dài.

“Ðọc Huy Trâm, người đọc thường thấy được sự thoải mái trong văn chương diễn tả bình dị nhưng lại thường băn khoăn về cảnh đời của lớp người ‘chót sinh ra nhầm thế kỷ’ (Thơ Vũ Hoàng Chương). Hình như Huy Trâm có phân định giữa nghề nghiệp và văn chương nên trong những tác phẩm của ông ít khi thấy ông đề cập đến nghề cũ, thẩm phán công tố, mà chỉ nhìn đến những cảnh đời thường rất thường ở chung quanh với những suy tư, nhận thức khiến người đọc không khỏi xót xa cho cuộc sống của mọi người…”(9)

Nói tới cõi-giới văn chương của Huy Trâm/Nguyễn Hồng Nhuận Tam mà, không đề cập tới đường bay văn xuôi của họ Nguyễn, tôi cho là một thiếu sót đáng trách.

Và, ghi nhận về cõi giới truyện Huy Trâm, vẫn theo tôi, không ai đủ thẩm quyền hơn nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu. Bà không chỉ là bạn văn đồng hành với nhà văn/nhà thơ Huy Trâm, trong nhiều năm tháng dằn xóc nơi quê người…, thể hiện qua nhiều tác phẩm in chung – – Mà, bà còn là em kết nghĩa của tác giả “Những Hàng Châu Ngọc” nữa. (10)

Nhân ngày ra mắt tác phẩm “Vời Vợi Nhớ Thương” của họ Nguyễn, nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu đã:

“…Ðưa ra nhận định trên 5 điểm mà tác phẩm gợi ý cho bà. Thứ nhất tác phẩm đưa vấn đề tình trạng con hai chồng của người đàn bà. Thứ hai, đời sống như những chất xúc tác tác động lên tình cảm con người. Thứ ba, vấn đề môn đăng hộ đối trong xã hội người Việt. Thứ tư phân tích về những khác biệt trong hai mối tình của nhân vật nữ trong truyện ngắn mà tác giả chọn làm chủ đề của tập truyện. Và thứ năm, then chốt nhất theo Mắt Nâu là ‘trong đau thương mà con người trưởng thành được.’

“Vẫn theo Mắt Nâu thì ‘đa số truyện ngắn của ông thường không có cốt truyện’. Ðó là một đặc thù của cây bút Huy Trâm. Ông đã dùng đối thoại để thể hiện ý tình kể cả triết lý về cuộc đời. Trong tác phẩm này, người đọc nhận thấy có thấp thoáng nghề nghiệp cũ của tác giả mà tác giả không bao giờ trực tiếp đề cập đến.

“Sau chót nữ văn sĩ Mắt Nâu kết: ‘Cái khao khát của nhà văn Huy Trâm là mong được để lại cho đời những tác phẩm văn học.’” (Nđd)

……

Xin bạn đọc coi nhận định của nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu về cõi-giới văn chương Huy Trâm/Nguyễn Hồng Nhuận Tam, là phần kết của bài viết này.

Tương lai, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ trở lại với văn xuôi Huy Trâm – – Người chọn tận hiến đời mình, cho chữ, nghĩa Việt, nơi quê người.

(Garden Grove, tháng 9, 2016)

Chú thích:

(5) Trích “Hè Phố Ðêm.” Nguồn: Thi phẩm “Ði Vào Lòng Cuộc Ðời.” Thời Ðiểm XB, Orange County, California, 1997.
(6) Trích “Nắng Thương Ðau.” Nguồn: Thi phẩm “Thơ viết chưa xong giữa cuộc đời.” Hương Văn XB. California, 2008. (Tôi rất thích động từ “ăn” trong câu “Cuốc không ăn đất kêu chan chát” của tác giả).
(7) Trích “Niềm Thương.” Nguồn: Thi phẩm “Vời Vợi Nhớ Thương.” Hương Văn XB. California, 2014.
(8) Trích “Ngày Lại Ngày Qua.” Nguồn: Thi phẩm “Sầu Xứ Tiếp Sầu Mây.” Hương Văn XB. California, 2000.
(9) Nguyên Huy, nguồn: Người Việt ngày 3 tháng 12 năm 2015.
(10) Nhà văn Nguyễn Thị Mắt Nâu đã xuất bản 4 tập truyện, 2 tập thơ (1 in chung với Huy Trâm). Nguồn Wikipedia-Mở.

MỚI CẬP NHẬT