Thursday, March 28, 2024

Tháp ‘babel’ trong Kinh Thánh và thơ Như Quỳnh de Prelle

Du Tử Lê/Người Việt

Phần thứ ba của thơ Như Quỳnh de Prelle, tác giả chọn “Babel” làm tựa đề chung cho phần này, 37 bài.

Chỉ có một bài, tôi nghĩ có thể liên quan gần xa tới chủ đề “Babel.” Ðó là bài “Babel.” Nội dung đó nguyên văn như sau:

“Thủ tướng Anh Quốc rời chính trường sau sự kiện Brexit trong lịch sử nước Anh và liên hiệp của EU, nước Anh sẽ lùi hay tiến trong tương lai, EU cùng nhau đứng lên mạnh mẽ cải tổ và thống nhất.”

“Trong một diễn biến khác, đội tuyển bóng đá Bồ Ðào Nha vô địch bóng đá Châu Âu 2016.”

“Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama buồn bã với những cái chết của cảnh sát bị tấn công bởi những tay súng.”

“Tổng thống Ðại Pháp mỗi tháng chi trả gần 10 nghìn euro cho việc cắt mái tóc hói của ông làm giới truyền thông tốn giấy mực.”

“Khủng bố vào đêm Quốc Khánh Pháp tại Nice, gần 80 người chết và nhiều người bị thương, nỗi buồn của mùa Hè.”

“Cuộc chạy đua của người đàn bà trong tương lai lần đầu tiên là tổng thống nước Mỹ và Trump không ngừng hào hứng và sinh động.”

“Philippines thắng Trung Hoa lục địa đường biên giới trên biển, lưỡi bò thật khó gặm, Việt Nam có muốn giành Hoàng Sa Trường Sa thật sự không, chỉ có giới chính quyền rõ nhất, nhân dân cứ gào thét dân chủ và đấu tranh cô độc, nhà tù và nhà tù/cá chết từ Vũng Áng và môi trường biển miền Trung trong cơn phẫn nộ của dân chúng, 500 triệu đô la đền bù là thực hay hư ảo để xoa dịu lòng người đã bị đánh mất niềm tin vào chính quyền nhà nước đang thực thi cai trị.”

“Thổ Nhĩ Kỳ dùng quân đội đảo chính chính phủ, hàng nghìn người bị bắt…”

Rồi tác giả đột ngột chuyển qua lãnh vực tình yêu cá nhân:

“Anh không thích thi ca
Anh không thích sinh nhật
Viết lách chả ăn thua gì
Anh chỉ muốn trái tim thuộc về…
Em… đừng đi”
“Anh phán xét em với hệ quy chiếu đạo đức và đạo hạnh của người đàn bà toàn thế giới đóng cửa trước mọi con đường sống còn của em mịt mùng và tăm tối.”
“Sự vô nghĩa khi đánh mất tình yêu và niềm tin, thế giới đổ vỡ như thành Babylon.”

“Các cuộc thảm sát, khủng bố, chính trường bất ổn… thế kỷ 21 như đang thách thức loài người trên những hệ giá trị và sự bảo tồn sự sống, hệ thống quyền lực.”
Như thế, “Babel” của Như Quỳnh de Prelle không một chút liên hệ gần, xa tới Tháp Babel theo Kinh Thánh, mà Wikipedia-Mở đã ghi nhận, vắn tắt như sau:

“Tháp Babe trong sách Sáng Thế Ký, là một ngọn tháp to lớn được xây dựng ở thành phố Babylon, một thành phố quốc tế điển hình bởi sự hỗn tạp giữa các ngôn ngữ, cũng được gọi là ‘sự bắt đầu’ của vương quốc Nimrod. Theo kinh thánh, một nhóm người là các thế hệ tiếp theo sau đại hồng thủy, nói cùng một thứ ngôn ngữ và di trú từ phía Ðông, đã tham gia vào việc xây dựng. Những con người đó quyết định rằng thành phố của họ nên có một cái tháp thật to lớn đến mức đỉnh của nó chạm đến thiên đường.”

“Tuy nhiên, Tháp Babel không được xây dựng để thờ phượng Ðức Chúa Trời, nhưng là để thể hiện sự huy hoàng của con người, để ‘đặt tên’ cho người xây tháp. ‘Sau đó họ nói, ‘Ðến đây, chúng ta xây dựng một thành phố của riêng chúng ta (…)” (Genesis 11:4). Vì thế, khi “Ðức Giê-hô-va ngự xuống, đã phán rằng: ‘…Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia.’ Rồi, từ đó Ðức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành (…) (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 11:9).”

***

Trong khi đó, “Babel” của Như Quỳnh lại là bản liệt kê những biến động lớn, bé, ý nghĩa và vô nghĩa của thế giới đa cực hôm nay. Những chuyện lặt vặt hằng ngày của các chính khách…

Tôi thực sự không hiểu dụng ý của Như Quỳnh, khi viết “Babel!”

Như khá nhiều những người viết trẻ sau này, xu hướng của họ, dường không hề quan tâm tới lãnh vực tu từ học/rhetoric. Họ cũng không quan tâm tới lãnh vực mỹ học/phonics mà, chỉ chăm chú vào nỗ lực chuyển tải những “thông điệp” của họ, cho thế hệ của họ (?). (*)

Họ cho người đọc cảm tưởng, có những lúc họ “nhập đồng,” mê sảng với những điều mà họ cho đó là “thông điệp?” Hay tiếng nói, phản ảnh những ưu tư, dằn vặt của thế hệ họ (?).

Cũng thế, Như Quỳnh, trong bài thơ “Thư Gửi Jesu,” đã “thân mật hóa” khi gọi Chúa Ngôi Hai, bằng nhân xưng đại danh tự “chàng”:

“Cơ thể của chàng treo trên cây thập giá
rồi tháo xuống
nước mắt và máu tràn ngập cùng mồ hôi
người và người cùng khóc
Jesu chàng đã không chết và không bao giờ chết“

(…)

“Thế kỷ này, Jesu không được nhìn thấy những bất hạnh khác
nhưng chàng đã nhìn ra những đắng cay ấy, những tội đồ ấy
và những kẻ trao cho chàng cái chết
chúng vẫn muốn đóng đinh loài người vào những bức tường trên những định kiến mù lòa và những dùi cui song sắt”
“Jesu ơi, Jesu, chàng có nghe thấu chăng”

Tôi không nói tới sự khó chịu, hay bất mãn của những Ky Tô Hữu (vì thi sĩ khác người thường ở chỗ họ có thể nhân cách hóa, phàm tục hóa bất cứ một nhân vật tôn giáo linh thiêng nào)… Nhưng sự thân mật hóa Chúa Ki Tô, về phương diện tu từ học của Như Quỳnh, tôi cho là không thích hợp. Cũng không nhờ thế mà bài thơ hay tác giả được nâng cấp, lên một trình độ cao hơn!

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Như Quỳnh de Prelle cũng có những bài thơ nhẹ nhàng, đằm thắm chia sẻ, mang nhiều tính nhân bản, như bài “Tháng 11 Năm 16”:

“Nỗi buồn tháng 11 u ám
đàn chim ngưng trên mái nhà đầy khói
lò sưởi có đủ ấm cho mùa giá lạnh năm nay
loài người sẽ đi về đâu sau tháng 11 trôi qua
chào một năm khác
một năm khác”

“thở dài trong hy vọng và cần hy vọng
cầu nguyện cho thế giới hòa bình
cho những giá trị không thể vỡ trong một đêm ngắn dài
cầu nguyện tháng 11
cầu nguyện
niệm sinh
mùa tạ ơn đang đến
cầu nguyện cầu nguyện
tháng 11 trôi”

Hoặc bài “Nhớ Metro Số 1”:

“Sân ga Alma mỗi ngày dịch chuyển những chuyến tàu vào trung tâm
những gương mặt buổi sáng vội vàng
những người đàn bà da đen cùng bọn trẻ đến trường
những thiếu nữ quấn khăn trên đầu với những trang phục áo dài sang trọng che hết đôi giày xinh xắn
những điệu nhạc của ngày thường
một vài gương mặt thân quen của những người đàn ông không gia đình”

“Mỗi mùa trôi qua, metro số 1 chở bao nhiêu nhân gian, bao nhiêu số phận…”
(Trích “Nhớ Metro Số 1”)

Hoặc:

“đường vào Châu Âu
qua các biên giới
sự mừng vui
nước mắt
mặc cảm tự ti
cho tờ giấy thông hành
để được tiếp tục sống”

“Châu Âu mùa Hè 15 như một cuộc khủng hoảng
nhiều sắc màu
nhân văn
những gièm pha tị hiềm từ nơi khác
những ẩn ức nhập cư”

“những người đàn ông thất thơ tìm việc
những người đàn bà làm bếp trong lều
những đứa trẻ được hoài thai từ đây trên những con đường
những góc phố
bên cạnh những thùng rác”
(Trích “Bài Ca Vượt Biển 1”)

***

Tôi trộm nghĩ, khép lại thi phẩm thơ Quỳnh là những bài thơ có nội dung nhân bản như vừa trích dẫn ở trên, thì đó cũng là một trong những điểm son của người làm thơ trẻ tuổi này vậy.

(Calif., Tháng Sáu 2017)

———–
Chú thích: (*) Mỹ học (phonics) là bộ môn khoa học, có tính lý thuyết về sự nhận thức và thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong xã hội. Thuật ngữ này là một phát kiến của triết gia người Ðức, Alexander Baumgarten, để đặt tên cho tác phẩm Aestheticä (Mỹ học) của ông (1750-1757). Ông dùng từ “mỹ học” cho lý thuyết về nghệ thuật tự do hay khoa học về cái đẹp nhận thức được. (Nđd)

MỚI CẬP NHẬT