Wednesday, April 24, 2024

Trên vỉa hè Thế Kỷ

Viên Linh

Bán nguyệt san Thế Kỷ xuất bản ở Hà Nội vào năm 1950, chấm dứt vào tháng 7, 1954, đã sản xuất ra một số tác phẩm sau này còn được nhắc đến, và qui tụ một số cây bút mang nặng quá khứ của buổi giao thời, “tranh tối tranh sáng” như nhan đề một tác phẩm của họ, “bỏ Tần theo Sở,” về thành vô Nam hay về thành rồi chôn sống đời mình ở đó với chế độ cùm kẹp mà họ đã không thể thoát nổi, ta có những người rời bỏ Thế Kỷ, rời bỏ Hà Nội rồi tiếp tục cầm bút ở miền Nam như chủ nhiệm và giám đốc trị sự tờ báo Hi Di Bùi Xuân Uyên, Xuân Nhã, và các nhà văn họa sĩ Trúc Sĩ, Triều Đẩu, Tạ Tỵ, Phan Phong Linh,… mà kỳ trước chúng tôi đã viết về Trúc Sĩ và cuốn truyện loại thần kỳ “Kẽm Trống, nấm mồ vô định.” Nghe tên Kẽm Trống ít người biết đó là cái gì, song nó có tên khác hầu như không ai là không biết: đó là một khe núi không đáy mồ chôn hàng trăm xác vô thừa nhận, thông ra Phá Tam Giang và cửa biển Thần Phù kế cận:

Lênh đênh qua Cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.

Có ai chưa từng nghe câu ca dao ấy? Có ai biết ngôi làng Vô Tu (tên làng xưa kia không ai biết là gì, người ta gọi là làng vô tu, vì đàn ông trong làng không ai được gọi là “tu mi nam tử,” vì không ai có râu. Khéo tu hay vụng tu ra sao không rõ, nhưng ngôi làng ấy thời 1946-1950 có tên Đoan Vỹ, mà ông trưởng làng đã lập một hắc điếm gần Phá Tam Giang, kiểm soát bến đò qua phá, ông và nhóm người làng đã ném xuống Kẽm Trống 150 xác người, theo tác phẩm của Trúc Sĩ. Chuyện ấy đã được nói qua trong bài “Một dòng thơ văn khác của Thế Kỷ” đăng kỳ trước, kỳ này chúng tôi nói tới người thứ hai trong nhóm Thế Kỷ, nổi danh ngang với Trúc Sỹ: Triều Đẩu, tác giả “Trên Vỉa Hè Hà Nội” trước 1954 và “Trên Vỉa Hè Sài Gòn,” sau 1954.

Nhà văn Triều Đẩu xuất hiện và có tiếng trên bán nguyệt san Thế Kỷ. Ông viết đủ loại văn, (phóng sự, tạp bút, phê bình, truyện ngắn, truyện dài,…) có phong vị châm biếm, nghiêng nhiều về thể phóng sự, nổi tiếng với Trên Vỉa Hè Hà Nội (1951), Tranh Tối Tranh Sáng (1952), Lá Thư Hà Nội (1953). Năm 1954 vào Nam, xuất bản thêm Những Thiên Đường Lỡ (1957), Trên Vỉa Hè Sài Gòn (1957). Triều Đẩu tên khai sinh là Nguyễn Văn Phùng, ra đời ở Bắc Ninh năm 1909, sinh sống như một công chức ở Sài Gòn. Để giới thiệu ông với bạn đọc, dưới đây là những trích dẫn về ông lấy từ tác phẩm “Lá Thư Hà Nội,” do Tân Quảng Lợi xuất bản tại Hà Nội vào tháng 5, 1953.

Như nhan đề tác phẩm, ông viết về Hà Nội, và kể chuyện Hà Nội trước khoảng thời gian ấy.

“Hà Nội, ngày Xuân tháng 2 năm Tân Mão (1951)

Gặp gỡ chừng như chuyện Liễu Trai
Ra đi chẳng hứa một ngày mai
Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi, say với ai

Tại sao mấy câu thơ trên đây của Vũ Hoàng Chương lại tự nhiên hiện ra trước ngòi bút tôi, khi tôi bắt đầu viết lá thư xuân này cho Ch.? Hình như nhà thi sĩ họ Vũ đã cảm khái khi phải xa mãi mãi một nhân tình con cháu vua Nã-Phá-Luân.

Nhiều khi tôi cứ vẩn vơ như vậy giữa một kinh thành nhộn nhịp và xa hoa. Đã có lần cô hàng thuốc lá xinh xinh trong ngõ ngang đã phê bình tôi, bằng một câu ngây thơ: -”Chỉ tại ông cứ hay hút thuốc là Mélia vàng!” Chao ôi! Cô em có biết đâu tâm sự của gã đàn ông đang mang nặng mối tình cùng… cô đỡ! Ngày xưa có một cô đỡ hay hút thuốc lá Mélia vàng. Gã đã nhìn cô ngồi ung dung thả khói mơ màng, cùng với người đàn bà Pháp ngả lưng trong ghế bành, in hình ngoài bao màu vàng xinh đẹp. Thế rồi cô đỡ đã đi, đi mãi và từ đó anh chàng cũng chỉ hút có thuốc Mélia vàng… Ch. ạ, Tết tại kinh thành đã qua rồi. Đã qua rồi những ngày vui sum họp với những bữa tiệc say sưa. Đã qua rồi câu chuyện của những cành đào đã được mua với giá hai nghìn rưởi, hoặc những chia sâm banh đã nổ liên tiếp ngông cuồng.

… Người ta đã bắt đầu lao vào một năm mới, nhưng còn hoang mang. Đã có những bộ com-lê thẳng nếp quỳ gập xuống chiếu xóc thẻ cầu xin một cách mơ hồ nhưng đầy tin tưởng những sự thật (?) về tương lai. Những thầy đoán thẻ, xem tướng, xem bói,lấy số đã nghiễm nhiên đóng vai ông thầy với giá hai hay năm đồng. Cô thiếu nữ xinh xinh đã theo bà mẹ cổ kính lên chùa, vào đền, xin đức ông che chở cho trước những giông tố của thời tao loạn. Thế nhân đã lâm râm khấn khứa thỉnh cầu mọi thứ. Rồi thì người ta sóc sóc, chiếc thẻ rơi, người ta vội cầm đến nhờ ông thầy đoán, mặt đờ ra nghe. Và yên trí rằng mọi sự sẽ tốt lành, người ta liền trở lại với công việc hàng ngày, kẻ đi làm bát phở tái, riêng thiếu nữ còn ấp ủ một mối tình xuân, Ch. ạ, như vậy, tôi đã hết huyền bí rồi. Tôi đã nói tới bát phở tái và mối tình xuân. Tôi đã muốn tả cho Ch. rõ con người thực tế của Hà Nội. Anh ta hay chị ta hiện nay đòi hỏi gì và bận bịu vì những điều gì? Cũng như những công dân thành La Mã, hay những lạc dân đời Nghiêu, Thuấn từ ba, bốn nghìn năm về trước, người ngoài đường của Hà Nội 51 chỉ đòi hỏi có bánh mì và du hí.

Những tiệm ăn, hàng cà phê, quán rượu mọc lên như nấm, ồn ào tấp nập suốt ngày cho mãi tới khuya dưới ánh sáng điện néon trắng toát. Ăn và ăn, uống và uống. Người ta đã lũ lượt kéo nhau vào tiệm ăn theo cái đà tự nhiên, không có một tư tưởng đẹp hay xấu nào trong đầu óc. Phố nào chẳng có một tiệm ăn, một tiệm cà phê hay giải khát. Người ta ăn trên vỉa hè, trong căn nhà tí hon. Người ta ăn trên gác cao, người ta ăn trong ngõ hẹp. Đâu đâu cũng có những tiệm ăn và chỉ có tiệm ăn. Cái dạ dày đã đập, đã vỗ, đã ngào đã trộn a-cit làm công việc tự nhiên của nhà hóa học, thì cũng vừa lúc mọi khứu giác đã bừng tỉnh đòi hỏi những trò vui.

Cho nên từ những ngõ ngang ngõ hẹp, trống và thanh la đã vang dậy. Những pic-cớp đã tung lên những điệu hát huê tình.

Dây đèn diện cao bắc ngang đã bật lên sáng trưng. Những anh chủ rạp ca kịch đã làm quảng cáo rầm rộ và loạn xạ như người đi câu rắc thính tứ tung. Thính đã quyến rũ, đã hấp dẫn. Cá các loại, các kiểu đã thi nhau lượn đến các ngõ ngang, ngõ hẹp. Cả các chợ, các xưởng máy, các tư gia, ồn ào, ngoan ngoãn, chất phác. Màn đã cuốn lên, phòng đã trưng ra, đào và kép mặt trát phấn đã ca hát, và có khi đã cười tình với khán giả. Nhưng có hề chi, những tích hát ngấy bứ, những gương trung hiếu tiết nghĩa, hoặc thiện ác quả báo, đã làm thỏa mãn những con cá, những con người thở không phải bằng phổi mà bằng mang.

Xuân này đáng lẽ đồng quê đã vang lên những điệu hát quan họ, hát ví. Dân quê đáng lẽ áo quần xúng xính lũ lượt ra đình xem đánh cờ, đánh vật, thò lò, tôm cá hoặc đánh đu đôi, và tối đến mặt chèo Ngọc Hoa sẽ làm dịu lòng cô gái quê chất phác. Anh con trai làng bên như còn ngây ngất vì mối tình đã chớm nở tại đêm hội năm qua. Sang mấy năm gần đây, tình thế đã tạm xóa những nét thơ. Đồng quê chỉ còn ghi những quang cảnh tàn phá thê lương. Thiếu cơm gạo, thiếu du hí, dân quê đã có lần chỉ sống bằng những lời… hứa hẹn. Họ vẫn nuôi hy vọng được ăn no, được xem hội, được cười cợt và được tình giữa thiên nhiên.

Cho nên suốt tháng 1, Hà Nội đã có chợ phiên, nghĩa là cũng vào đám, có đánh cờ, thi lực sĩ đẹp, thò lò, tôm cá và múa hát. Tối đến đáng lẽ có chèo thì đã có chiếu bóng giữa trời. Gái trai Hà Nội cũng gửi tấm lòng cho gió xuân. Ở đây cũng như trong lũy tre xanh ngày trước người ta đã hiểu rằng dân chúng phải được nô cười công khai và công cộng, những ngày đình đám, những buổi chợ phiên…

Vì rằng đây là một chợ phiên sau chiến tranh, Ch., đã dự những chợ phiên nhưng đó là những chơ phiên trước chiến tranh. Chợ phiên trước sau cũng chỉ là một hệ thống người và việc. Mà người và việc sau chiến tranh giống sao được người và việc trước chiến tranh!” (Triều Đẩu, Lá Thư Hà Nội, 1953).

Một năm sau, Triều Đẩu và bằng hữu của ông đã di cư vào sau vĩ tuyến 17, mất Hà Nội. Mất vĩnh viễn.

MỚI CẬP NHẬT