Friday, March 29, 2024

Từ chối lợi nhuận, nhân cách rạng ngời của hai nhà báo đặc biệt

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Tiếng gọi âm thầm đầy tính ma mị của “nghiệp” đã theo gần hết cuộc đời hai bạn-tôi, Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cũng được nhà báo Lê Văn, giám đốc chương trình Việt ngữ lâu đời nhất của đài phát thanh VOA, ghi xuống như sau:

“…Có những quyết định bất ngờ của Dương Phục mà trong trường hợp bình thường thì khó lòng giải thích nổi. Thí dụ khi địch quân đang tiến sát vào Sài Gòn, mọi người hoảng loạn chạy vào tòa Ðại Sứ Mỹ hoặc lên tàu thủy, lên máy bay tìm cách đưa vợ con ra khỏi nước thì người sĩ quan kiêm ký giả chiến trường này lại chạy thẳng vào đài phát thanh với hy vọng có thể tiếp tục làm công việc thông tin cho dân chúng biết những biến cố mới nhất. Ðài phát thanh bao giờ cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên mà cộng quân cố gắng chiếm để tuyên truyền, nhưng người ký giả yêu nghề vẫn bất chấp nguy hiểm khi làm phận sự.

“Là người sống bằng nghề truyền thông trong mấy chục năm qua, tôi thông cảm với niềm đam mê của Dương Phục, vì chính mình cũng đã từng lăn xả vào nhiều nơi nguy hiểm để săn tin. Nhưng khi anh đã đi cùng với gia đình vợ ra khơi trên con tàu di tản, mà vẫn quyết định trở về để có thể chứng kiến, ghi nhận và tường thuật những gì xảy tới cho đất nước mình dưới chế độ Cộng Sản thì tôi phải chào thua. Yêu nghề tới mức đó gần như tuyệt đối, không thua gì các ký giả dám tiến sâu vào chiến trường Iraq, Syria, Afghanistan làm phóng sự mà không cần biết tới nguy cơ có thể bị quân ISIS chặt đầu.

“Lòng can đảm của anh có lẽ đã được tăng cường vì có người vợ cũng là ký giả và cũng yêu nghề không kém.

“Ðọc phần hồi ký của Vũ Thanh Thủy về những ngày làm phóng viên chiến trường, tôi chợt liên tưởng tới cô Lynsey Addario, nhiếp ảnh viên quốc tế chuyên săn hình tại những vùng mà chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Cô làm việc cho nhiều tạp chí uy tín gồm cả Newsweek, New York Times, National Geographic và đã được giải Pulitzer năm 2009 vì những tấm hình cô chụp các chiến binh Taliban đang hoạt động ở Afghanistan. Bọn Taliban vốn khinh rẻ đàn bà và không ngần ngại giết chết các phóng viên ngoại quốc, vậy mà người nữ ký giả tài ba bạo dạn này vẫn tiếp cận được với chúng ngay tại nơi hang ổ của chúng trong những vùng đồi núi hoang vu để chụp hình và làm phóng sự đem ra thế giới bên ngoài.

“Mặc dù đã mấy lần suýt chết tại vùng Trung Ðông, cô vẫn không bỏ nghề mà còn sang tận Somali, Uganda rồi Congo để chụp hình và tường thuật tình trạng thảm thương của các thiếu nữ bị quân khủng bố đem bán làm nô lệ tình dục. Những bức hình hiếm có này đã đem lại cho cô giải thưởng $500 ngàn do hội McArthur Fellowship trao tặng. Cuốn hồi ký của cô nhan đề là “It’s what I do, A Photographer’s Life of Love And War” vừa được đạo diễn lừng danh Steven Spielberg làm thành phim ảnh.

“Nữ phóng viên Vũ Thanh Thủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng đã tạo những thành tích xuất sắc khi tường thuật các trận đánh ác liệt trên chiến tuyến mà cô từng đến tận nơi để chứng kiến giữa cảnh bom rơi đạn lạc. Tại Sài Gòn cô là thông tín viên báo chí, là ký giả phát thanh hoạt động rất năng nổ qua các biến cố chính trị dồn dập thời Ðệ Nhị Cộng Hòa…” (TYNT&VB, trang 36, 37, 38)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017

Nhắc tới ký giả Lynsey Addario có một cuốn sách được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến, những người dõi theo thành tích đặc biệt, ngoại lệ của cặp phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, không khỏi hãnh diện khi nhớ lại rằng năm 1988, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ký hai hợp đồng: Hợp đồng phim với Sterling Lord Literary Agency ở New York và hợp đồng sách với Robert Barnett, luật sư chuyên về tác quyền ở tại Washington DC.

Những người biết chuyện, còn hãnh diện hơn nữa về nhân cách của hai phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, khi họ quyết định hủy bỏ cả hai hợp đồng vì:

“Khi chúng tôi không đòi được toàn quyền kiểm soát nội dung phim và thời điểm phát hành sách. Dù lợi nhuận từ hợp đồng phim và sách là cả một tài sản lớn lao đối với một gia đình tị nạn trắng tay như chúng tôi vào năm đó, nhưng chúng tôi không thể để cuốn tự truyện bị thương mại hóa. Lý do chỉ vì: dù đây là mẩu chuyện đời rất riêng tư của hai người chúng tôi, nhưng cũng là cảnh đời tiêu biểu của hàng trăm ngàn người dân miền Nam, sau biến cố 30 Tháng Tư năm 1975.

“Và những cảnh đời này cần phải được kể cho thế giới nghe, đọc, xem một cách trung thực và trang trọng để hiểu về một đất nước Việt Nam bị xâu xé chừng nào trong chiến tranh. Cũng như để biết về một dân tộc Việt Nam đã can trường, dũng cảm biết bao trong suốt cuộc chiến dài 30 năm. Và sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn tiếp tục chiến đấu với hậu quả của nó, tới ngày nay.” (Trích Dương Phục-Vũ Thanh Thủy “Lời tri ân,” TYNT&VB trang 8 & 9)

Tự ái dân tộc và tự ái nghề nghiệp, trong một chừng mực nào đó, theo tôi là phẩm cách hầu như ai cũng có thể có… (Tôi nhấn mạnh “ trong một chừng mực nào đó.” Nhưng nếu cùng lúc người ta có được cả hai phần: Danh tiếng và lợi nhuận (vật chất) thì, tôi tin, không phải ai, nếu không muốn nói là rất hiếm người có được cái tinh thần quên mình, vì danh dự của tổ quốc, đất nước, như hai bạn tôi: Dương Phục-Vũ Thanh Thủy.

Ðọc lại hồi ký “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu – Tù Ngục & Vượt Biển,” chỉ riêng với “Lời tri ân” của hai tác giả này, tôi trộm nghĩ, ngày nào, nếu có dịp gặp lại hai bạn, ở Houston, TX, theo đúng quân kỷ, tôi sẽ nghiêm chỉnh chào kính họ, để bày tỏ lòng trân trọng, ngưỡng mộ hai phóng viên chiến trường, yêu đất nước mình. Mặc dù, có thể họ sẽ không hiểu, từ đâu, tại sao, có sự chào kính nghiêm chỉnh ấy, ở nơi tôi?

(Còn tiếp một kỳ)

MỚI CẬP NHẬT