Saturday, April 20, 2024

Văn chương bình dân và văn chương cao cấp ở Hoa Kỳ: Trường hợp Stephen King

Trần Doãn Nho/Người Việt

Ðối với người Hoa Kỳ, khi ngồi chờ máy bay, chờ tàu hay chờ xe… có lẽ không có gì để giết thì giờ một cách thích thú hơn là có một cuốn truyện của Stephen King để đọc. Chả thế mà, nếu chỉ tính về số lượng sách viết ra và số lượng sách bán được, có thể nói Stephen Edwin King là một nhà văn thuộc loại hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tính cho đến nay, King đã xuất bản tất cả 54 truyện dài và khoảng 200 truyện ngắn gồm nhiều loại khác nhau, từ truyện kinh dị, siêu nhiên cho đến khoa học giả tưởng. Nhiều truyện của ông được quay thành phim.

Sách, truyện của ông bán khoảng 350 triệu ấn bản. Ông nhận được nhiều giải thưởng. Nhưng có lẽ vinh dự nhất là năm 2003, ông nhận được huân chương vinh danh thành tích trọn đời (lifetime achievement) do “National Book Foundation” (NBF) trao, vì những “đóng góp xuất sắc” của ông vào nền văn chương của Hoa Kỳ.

So với những nhà văn nổi tiếng khác như Joyce Carol Oates, Philip Roth, J. D. Salinger, kể cả những người đoạt giải Nobel văn chương như Earnest Hemingway, John Steinbeck và Toni Morrison, King hơn hẳn cả về số lượng tác phẩm, số lượng bán ra và tất nhiên, cả tài sản có được từ tiền bản quyền.

Nhưng khác với những nhà văn vừa kể được gọi là “văn chương cao cấp,” King được xếp vào loại “văn chương bình dân.” Tôi tạm dùng “văn chương cao cấp” để dịch nhóm từ “literary fiction” (truyện hư cấu văn chương) và “văn chương bình dân” để dịch nhóm từ “popular fiction” (truyện hư cấu bình dân).

Trong lúc “văn chương cao cấp” có chiều sâu, đi sâu vào cá tính nhân vật, vào các trạng huống tâm lý phức tạp, nhằm nêu bật lên thân phận con người, các bi kịch xã hội và những ý niệm triết lý về người đời và đời người thì “văn chương bình dân” là loại văn chương thường lặp đi lặp lại đề tài, ý tưởng; chỉ tập trung vào cốt truyện (hấp dẫn, éo le, nhiều tình tiết lạ, gay cấn) hơn là đề tài, thuần túy chỉ để giết thì giờ.

Chính vì sự phân biệt như thế, cho nên việc trao huân chương thành tích trọn đời cho King tạo nên tranh cãi. Và đáng chú ý là việc tranh cãi lại diễn ra vào ngay ngày trao huân chương này. Buổi lễ trao giải thưởng cho các tác giải đoạt giải “National Book Award” năm 2003 đã được tổ chức vào tối ngày 19 Tháng Mười Một, 2003, tại khách sạn Mahattan, New York, với sự hiện diện của khoảng 900 quan khách gồm có nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà biên khảo cùng những người hâm mộ văn chương.

Buổi lễ được tổ chức rất rình rang, vừa để đánh bóng cho ngành xuất bản vừa là một buổi quyên tiền dành cho quỹ giáo dục của giải. Mặc dầu đang bị bệnh, chân vẫn còn đi cà nhắc kể từ khi bị tai nạn xe hơi bốn năm trước đó và bác sĩ khuyên không nên rời bệnh viện, nhưng King vẫn cố gắng tham dự buổi lễ. Giá chỗ ngồi của một tham dự viên là $1,000. Ấy thế mà Stephen King đã “order” trước năm bàn, mỗi bàn giá $12,000 dành riêng cho thân nhân và bạn bè của ông đến dự. Ðiều đó cho thấy là King xem trọng huân chương này như thế nào.

Nhà văn viết truyện bình dân này được khán giả hiện diện nồng nhiệt chào đón khi ông lên khán đài đọc bài diễn văn nhận huân chương. Bài diễn văn của King khá dài, hài hước, dí dỏm, tình cảm đồng thời cũng hàm chứa một thách thức gửi đến những người bài bác việc trao huân chương cho ông.

King thừa nhận một số người cho rằng ông không xứng đáng nhận giải thưởng văn chương trọn đời vì những “đóng góp xuất sắc” cho nền văn học Hoa Kỳ, giải mà những nhà văn như Philip Roth và Arthur Miller đã từng nhận trước đây. Nhưng ông chẳng xem đó là điều quan trọng.

Tuy nhiên, King thúc giục ban điều hành giải hãy tiếp tục cố gắng bắt một nhịp cầu giữa cái gọi là truyện “hư cấu bình dân” và cái gọi là truyện “hư cấu văn chương.” Ông còn kêu gọi mọi người hãy đọc loại truyện bình dân như truyện của ông để tiến tới xóa bỏ ranh giới giữa hai loại tiểu thuyết.

Ông thừa nhận rằng, không phải tất cả trong hàng chục tác phẩm của ông – mà hầu hết đều là “best sellers” – là văn chương. “Một số là để giải trí, nhưng có một số là văn chương. Nhưng không nên bắt tôi phải định nghĩa văn chương là gì,” ông nói.

Ðiều đáng ngạc nhiên tiếp theo King lại là một bài phát biểu chống lại King. Ngắn, gọn và khiêm tốn, nhà văn Mỹ gốc Úc Shirley Hazzard, 72 tuổi, người đoạt giải “Sách Quốc Gia” (National Book Award) cùng năm (2003) cho biết là bà không đồng ý với King về lời kêu gọi mọi người nên dành nhiều thời gian hơn để đọc những tác phẩm như tác phẩm của ông.

“Tôi không cho rằng mang cho chúng tôi danh sách của những tác giả và tác phẩm được đọc nhiều nhất hiện nay là điều hay,” bà nói. Bà cho biết bà chẳng có thì giờ để gắng đọc bất cứ thứ tác phẩm nào như thế. Bà thích đọc Shakespeare và Joseph Conrad. “Tôi không xem văn chương như một cuộc thi đấu.”

Cũng cần nói rõ: Năm 2003, Stephen King được trao huân chương “thành tích trọn đời,” còn Shirley Hazzard được trao giải văn chương quốc gia là giải hằng năm dành cho tác phẩm hư cấu. Cả hai đều do “National Book Faoundation” đề xướng.

Sự tương phản giữa King và Hazzard tại buổi lễ, lại một lần nữa, dấy lên sự tranh cãi trong văn giới Hoa Kỳ về “văn chương là gì?” Lên tiếng bênh vực King lần này có mặt của nhiều giáo sư đại học và một số nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng khác.

Chẳng hạn như Jim Farrelly và hàng chục sinh viên trong nhóm nghiên cứu văn chương tại Ðại Học Dayton ở Ohio. Họ không ngần ngại gọi King là một sứ giả văn hóa đích thực (cultural emissary).

Có người còn so sánh King với những nhà văn cao cấp như Edgar Poe, Shakespeare, Charles Dickens, Faulkner, Mark Twain. Một số khác thì có quan điểm trung dung. Họ cho rằng King là kẻ đứng giạng chân giữa hai thế giới văn chương: cao cấp và bình dân.

Trong các tác phẩm của King cũng chứa đựng những đề tài nhân bản mà các tác phẩm văn chương cao cấp đề cập như thiên đàng đã mất, những đau khổ nhân sinh, thân phận con người, sự cám dỗ, lừa dối, thiên thần sa đọa, vân vân. Vài câu trích dẫn đáng chú ý từ truyện của King: “Fiction is the truth inside the lie” (Hư cấu là sự thật nằm trong dối trá), “Monsters are real, and ghosts are real too. They live inside us, and sometimes, they win” (Quái vật có thật và ma cũng có thật. Chúng nằm bên trong chúng ta và đôi khi, chúng thắng).

Alan Cheuse, nhà bình luận sách thuộc cơ sở phát thanh toàn quốc Hoa Kỳ “National Public Radio” (NPR) trong chương trình “All Things Considered,” nhận xét rằng việc các tác phẩm của King được quần chúng ưa chuộng “là một di sản chỉ dành cho chính nó.”

Theo ông, không nên xem việc trao giải cho King là một cách xếp ông ta nằm trong hàng ngũ của những Toni Morrison hay Arthur Miller hay ai khác cùng loại. “Ðiều đó chỉ muốn chỉ ra rằng ông ta là một động lực chính lôi cuốn người ta đọc tiểu thuyết.”

Mời độc giả xem phóng sự khi các ca sĩ nói về Mẹ

————-
Tham khảo:
– Stephen King, Wikipedia.
– Dave Astor, Literary Fiction vs. Popular Fiction: a Big or Not-So-Big Divide?
– Trang mạng “National Book Foundation,” 2003.

MỚI CẬP NHẬT