Thursday, April 25, 2024

Văn chương di dân Á Rập: Giữa hai thế giới

Trần Doãn Nho/Người Việt

So với các sắc dân thiểu số khác, cộng đồng người Mỹ gốc Á Rập là một cộng đồng tương đối nhỏ ở Hoa Kỳ, khoảng chừng một triệu hai trăm ngàn, theo thống kê dân số mới nhất vào năm 2000.

Nhưng theo nhận định của một số người thì con số đó phải lên đến hai triệu vì có rất nhiều người Á Rập thuộc các thế hệ di dân thứ hai không nhận mình có gốc Á Rập. Ðợt di dân đầu tiên diễn ra khoảng đầu thế kỷ 20, hầu hết là những người Li Băng (Lebanon) chạy trốn cơn hỗn loạn chính trị vì tranh chấp phe phái. Sau đó là đợt di dân vì nghèo đói và tan nát sau Thế Chiến I. Phần đông dân Á Rập định cư ở Boston và New York. Về sau, họ di chuyển ra khắp nơi và hiện nay có những cộng đồng Á Rập ở Detroit, Los Angeles và Chicago.

Một trong những tác phẩm đầu tiên của kinh nghiệm di dân Á Rập là một truyện dài có tựa đề “The Book of Khalid” (1911) của Ameen Rihani. Tuy thế, trong lịch sử gần cả thế kỷ di dân, tác phẩm văn xuôi không nhiều. Ða phần là thơ. Vì theo truyền thống, thơ ca là hình thức văn chương chính của Á Rập.

Các nhà thơ có xu hướng trở về loại thơ truyền khẩu trước thời kỳ Hồi Giáo gọi là “quasida” hay “tụng thi” (ode), mỗi giòng chấm dứt cùng một âm. Trong các bộ tộc du mục, người ta thường học thuộc lòng các bài thơ và diễn đọc trong những buổi sinh hoạt tập thể. Ðề tài chính thường là than khóc cho những vùng đất sa mạc mà họ bỏ lại đàng sau, sau một thời gian dài canh tác.

Các đề tài đó hồi sinh khi những nhà thơ nhớ lại quê hương mà họ bị buộc phải bỏ đi. Gregory Orfalea cho biết, “Ðối với những người Á Rập, thơ là sức mạnh của cảm hứng và nghi lễ, không phải là một cái gì cần phải giấu giếm như trong thế giới hàn lâm. Trong gia đình, một nhà thơ là dấu hiệu của thành tích.”

Cây bút Mỹ gốc Á Rập nổi tiếng nhất là Kahlil Gibran. Ông tài hoa, vừa là nhà thơ vừa là triết gia vừa là họa sĩ. Năm 1895, ông theo gia đình sang định cư ở Boston. Năm 1923, tập thơ “The Prophet” gồm 28 bài thơ có tính cách huyền bí ra đời, đánh dấu đỉnh cao của tài năng Gibran. Ðó một trong những tác phẩm văn chương bán chạy mọi thời của nhà xuất bản Alfred A. Knopf, Hoa Kỳ.

Tổ chức RAWI (The Radius of Arab – American Writers) gồm 150 nhà văn, nhà thơ từ 22 quốc gia Á Rập đến định cư. Về tôn giáo, hầu hết trong số họ đều là người theo Thiên Chúa Giáo, nhưng hiện nay số người Hồi Giáo đang càng ngày càng gia tăng. Ðề tài chính trong các tác phẩm thường là xung đột văn hóa và gia đình. Người ta tìm thấy nỗi cô đơn xuyên suốt qua các bài thơ:

“Leaving a world too old to name
and too undying to forsake,
I flew the cold, expensive sea
toward Columbus’ mistake
where life could never be the same” 

(Tạm dịch:

Từ giã một thế giới không gọi được tên vì quá già nua
và một thế giới không dễ gì từ bỏ vì quá vững chắc
Tôi bay qua vùng biển lạnh, đắc giá
đến vùng đất mà Columbus đã [do] lầm lẫn [mà khám phá ra]
nơi đời sống chẳng còn như xưa)
(Samuel Hazo/ thi sĩ lai Syria và Lebanon)

Ký ức về cái đói và cảm giác thiếu ăn, thèm ăn là nỗi ám ảnh không rời từ những ngày tháng cũ:

“Not one word
of Arabic.
Only my spoon
tapping my plate.
And the hot food poured into me
a bonfire of recollections” 

(Tạm dịch:

Không một
tiếng Á Rập.
Chỉ có cái muỗng
đập vào dĩa.
Và đồ ăn nóng đổ vào tôi
hồi tưởng lại biết bao nhiêu điều)
(D. H. Melhem thi sĩ lai Syria-Lebanon và Hy Lạp)

Giống như những cộng đồng dân thiểu số khác, những người Mỹ gốc Á Rập cảm thấy họ như bị chia đôi, bị xé lẻ giữa truyền thống của cha mẹ là Á Rập (Arabness) và nền văn hóa mới là Mỹ (Americanness). Trong xã hội Hoa Kỳ phân chia trắng-đen, những người Á Rập thường thấy mình thuộc về phía da đen hay ít ra cũng là thuộc về loại hỗn chủng. Tuy thế, một số cây bút Á Rập tránh đề cập thẳng đến chủ đề Á Rập.

Trong số những người viết mới, nữ chiếm đa số. Họ táo bạo hơn và cởi mở hơn khi thách đố với nguyên trạng vì trong truyền thống gia đình Á Rập, họ là giai cấp hạng hai. Hầu hết những cây bút nam giới, như Edward Said, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng thế giới, chỉ ưa nói về chính trị.

Một trong những cây viết nổi tiếng của cộng đồng di dân Á Rập là nhà thơ Suheir Hammad. Cô sinh ra trong một trại tị nạn Palestine ở Amman, Jordan năm 1974. Cô lớn lên giữa những người láng giềng nói tiếng Tây Ban Nha trong giai đoạn đăng quang của nhạc “rap.”

Cha mẹ cô là những tín đồ Hồi Giáo thuần thành. Một người anh gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ, một người em là sinh viên đại học. Cô đứng về phía người Mỹ da đen. Hai tác phẩm đầu “Born Palestine, Born Black” và “Drops of this Story” do một nhà xuất bản đầu tiên của người da đen “Harlem River Press” xuất bản.

Cô cho biết cảm hứng thơ của cô xuất phát từ kinh Coran. Cô trở thành nhà thơ là vì “Có cha mẹ nói về cách sống ở đời bằng âm nhạc của ngôn ngữ. Làm thơ là một cách diễn đạt chính mình sao cho cùng gần gũi với sự sáng tạo nguyên thủy. Với tôi, tính sáng tạo là phản ảnh của một quyền lực cao hơn.”

Hammad được giới văn nghệ New York biết đến nhờ một bài thơ mà cô chuyền đọc sau ngày 11 Tháng Chín:

“Please god, let it be a nightmare, wake me now
please god, after the second plane, please, don’t let it be
anyone who looks like my brothers” 

(Tạm dịch:

Thượng Ðế, xin ngài hãy làm cho nó chỉ là cơn ác mộng, thức con dậy đi
xin ngài, sau chiếc máy bay thứ hai, đừng để
một ai giống như anh em con làm việc đó)

Những dòng thơ đó nói lên tâm trạng cực kỳ hoang mang mà chỉ những người gốc Á Rập mới kinh qua sau biến cố 11 Tháng Chín: cảm giác tội lỗi đi đôi với sợ hãi.

Một nhà văn nữ khác cũng nổi tiếng không kém của cộng đồng di dân Á Rập là Diana Abu-Jaber. Ðề tài chủ yếu của bà trong các sáng tác là sự xung đột về căn cước văn hóa của những đứa con của các gia đình di dân. Một đề tài khác là thực phẩm, theo đó, thực phẩm đóng vai trò như là một phương cách duy trì văn hóa. Bà muốn dùng các món ăn đa dạng Á Rập để kể về câu chuyện gia đình bà qua một hồi ký. Ðiều này rất phù hợp với một phụ nữ lớn lên trong một gia đình bị ám ảnh bởi chuyện ăn uống và thỉnh thoảng làm việc như một chuyên viên về thực phẩm.

Bà đã xuất bản ba tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên có tựa đề “Arabian Jazz,” xuất bản vào năm 1993, nhận được sự khen ngợi từ giới phê bình của giòng truyền thông chính ở Hoa Kỳ. Ðây là tiểu thuyết đầu tiên của một người Mỹ gốc Á Rập được phổ biến rộng rãi trong công chúng thưởng ngoạn Hoa Kỳ. Tác phẩm nhận được giải “Oregon Book Award” và sau đó được lọt vào vòng chung kết giải văn bút quốc gia PEN/Hemingway.

Tác phẩm thứ hai, “Memories of Birth,” không có được thuận lợi như tác phẩm đầu. Tác phẩm mới nhất, “Crescent” (có nghĩa là Hồi Giáo), kể lại chuyện tình giữa Sirine, một phụ nữ Mỹ gốc Iraq 38 tuổi cư ngụ ở Los Angeles và Hanif Al Eyad, giáo sư văn chương Á Rập.

Ðiều mỉa mai là các tác phẩm của bà không được đón tiếp nồng nhiệt trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Rập. Không những thế, chúng còn gây ra phản ứng giận dữ vì họ cảm thấy bị xúc phạm, nhất là đối với tác phẩm “Crescent,” vì tính cách chế giễu và phê phán của nó đối với người di dân.

Ngược lại, Elie Chalala, chủ bút tạp chí Al Jadid – một tập san chuyên nghiên cứu nghệ thuật và văn hóa Á Rập – cho rằng: “Bà đại diện cho một thế hệ mới của những cây bút Mỹ gốc Á Rập thành công trong khi chuyển đề tài vượt qua loại tác phẩm đầy thiên kiến chính trị của những nhà văn lớp trước&để đối diện với những vấn đề xã hội trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Rập.”

———————
Tài liệu tham khảo:
-Andrea Shalal-Esa, Arab-American Writer Weaves Lyrical Tale of Exile, Daily Mirror 31 Tháng Ba, 2003.

-Suheil Bushrui, Kahlil Gibran of America, The Arab American Dialogue, Tháng Giêng – Tháng Hai, 1996.
-Dinitia Smith, Arab-American Writers, Uneasy in Two Worlds, New York Times 19 Tháng Hai, 2003.

MỚI CẬP NHẬT