Wednesday, April 24, 2024

Khắc khoải chữ, nghĩa của Hoàng Xuân Sơn

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Không như một số nhà thơ, do mặc cảm hay thiếu tự tin, không những từ chối xu hướng đổi mới hình thức bằng cách sử dụng dấu chấm, phết mà còn bài bác sự đổi mới này. Mặc dù, sau một thời gian biếm nhẽ, họ đã lặng lẽ đi theo nỗ lực ngắt nhịp, cho thơ, văn của họ những nhịp chảy khác.

Có người còn “đi xa” hơn khi sau mỗi chữ lại hạ một dấu chấm – mà không cần biết đó là từ đơn hay từ kép, khiến cho sự ngắt nhịp ấy, trở thành vô nghĩa, nếu không muốn nói là khôi hài, lố bịch!

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn chẳng những thoải mái bước vào cuộc chơi đổi mới hình thức, để nắng, gió trong thơ ông là một nắng, gió khác; thiên nhiên trong thơ ông, cũng là một thứ thiên nhiên được ông mặc khoác cho nó, một chiếc áo mới… Ngay cả những câu thơ tình (ít thôi) của ông, khi được ông viết trong tinh thần tạo dựng một cảm thức mới, cũng là những câu thơ thoát khỏi dòng chảy cũ.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Lê Quỳnh Mai về những dấu chấm (.), phẩy (,), gạch ngang (-), gạch chéo (/)… trong một bài thơ của mình, có phải dụng ý họ Hoàng là tạo hình? Hoàng Xuân Sơn cho biết: “…Tất cả những lối sử dụng dấu chấm, phẩy, gạch ngang, gạch chéo… đều có dụng ý thay đổi tiết tấu, hình tượng, nghĩa ngữ của câu thơ, tạo cho người đọc một cảm giác khác. Hay nói như Du Tử Lê, khiến bạn đọc trở thành đồng tác giả. Tôi cũng có nhiều bài thơ xài dấu chấm (như lối làm thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Thanh Châu, và mới nhất của Đài Sử trên mạng Gió-O…).”

“Ví dụ: ‘Ở đây. môi nhón tâm từ/ nấc trong tiếng nhẹ thừa dư huyệt đời/ cái nống chiều. nắp đậy hơi/ thoát bung một nỗi rụng rời vô vi/ cởi trao nhau áo vàng quỳ/ ngón tay thiếu nhẫn làm chi đang tình/ bây giờ tôi ở cô minh/ đỉnh phong. tiếng hú. và rình rập em’ (trích “Buồn Ở Động Tào” của Hoàng Xuân Sơn)” (nguồn Wikipedia-Mở).

“Theo tôi, việc sử dụng bất cứ hình thức nào mang tính sáng tạo cho thi ca cũng đều đáng xiển dương cho dù là thơ tạo hình, thơ cụ thể, chụp chép… Sự đánh giá là từ phía người thưởng ngoạn, và do thời gian gạn lọc…” (Bđd)

Trả lời một câu hỏi khác của Lê Quỳnh Mai về lý do Hoàng Xuân Sơn không (hay rất ít) có thể về tình yêu trai, gái đúng nghĩa, họ Hoàng giải thích: “…Thơ tình? Thì thi nhân tập sự nào chẳng bắt đầu bằng dăm ba bài tình thơ! (không phải là ‘Tình Thư Của Lính’ đâu nhé!).”

“Cái ‘thuở ban đầu lưu luyến ấy’ tôi cũng có mày mò nặn óc mần những bài thơ thuộc loại tình cảm ướt át, nhưng thấy không xong (không có năng khiếu, hoặc giả không trải qua những cuộc tình ‘vật vã khôn nguôi’) nên đành thôi.”

“Nhận định như Võ Phiến: Văn học miền Nam Việt Nam thiếu những sáng tác về tình yêu nam/nữ đích thực. Nhận định này khá trung thực, nhìn lại chặng đường sáng tác của những tác giả miền Nam Việt Nam, cho dù có viết về tình yêu, cũng lồng trong khung cảnh thời chiến, thấp thoáng bóng dáng của chiến tranh; của niềm sinh ly tử biệt. Hoặc thơ văn viết về thân phận con người, về triết lý nhân sinh, hoặc viết theo trào lưu hiện sinh…”

“Văn-thi nhân viết về tình yêu thơ mộng nam/nữ đích thực rất hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay. Bên thơ có Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, Hoàng Lộc (chung tình cho tới giờ phút này), Trần Mộng Tú (cả văn lẫn thơ)…”

“Bên văn cũng thế, ngoài một Hoàng Ngọc Tuấn viết thuần chất về tình yêu, ta còn có Nguyễn Thanh Trịnh, Nguyễn Đức Nam, Dung Sàigòn & Võ Hà Anh (?), Nguyễn Thị Minh Ngọc, Từ Kế Tường (thỉnh thoảng)…; hoặc viết về tình yêu pha lẫn mùi vị triết lý nhân sinh, hiện sinh như Trùng Dương, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị NgH… Đâu có nhiều phải không chị?”

“Lan man thêm một chút về cái sự vụ ‘vì đâu Hoàng Xuân Sơn không làm thơ tình?’ Chẳng qua là bị, là tại, là vì ‘Cái Sự Cô Đơn Ngút Ngàn’ của đời hắn. Bởi lẽ thế mà hắn được bạn bè gắn cho nhiều danh hiệu khác nhau. Võ Đình: ‘…Nếu tôi phải gán cho thơ Hoàng một chữ thì tôi sẽ nói đó là một tiếng thơ ‘Cùng Cực Cô Đơn’ [trích lời bạt, tập Viễn Phố].’”

“Vĩnh Hảo: ‘Thơ ông buồn vời vợi. Buồn từ trong buồn ra. Buồn từ ngoài buồn vào. Ở đâu cũng thấy buồn. Thảng hoặc có vài nơi ông đùa bỡn một chút, cũng vẫn thấy buồn thấm thía thế nào ấy. Đùa cho người ta buồn rơi nước mắt… (trích mạng VinhHao.com, phần Đọc Thơ).’”

“Hoặc như Nguyễn Vy Khanh: ‘Vì cô đơn nên nguồn thơ Hoàng Xuân Sơn luôn luôn đi tìm sự đồng cảm của người khác.’”

“Lương Thư Trung: ‘Lục Bát Hoàng Xuân Sơn là một chỗ về của bạn bè… tưởng chừng như thiếu nguồn cảm hứng từ bạn bè, ông không còn làm thơ nổi.’”

“Một thân hữu khác: Nguồn thơ cô tịch của ông giống như một người làm thơ cùng tên – Nguyễn Đức Sơn, người nuôi lửa tịch mịch…”

“Nguyên ủy vì đâu có sự chọn lựa cô đơn? Trong thao tác văn chương, mỗi người đều muốn đi tìm một phong cách viết riêng cho mình, khởi đầu, như một cây gậy dò đường. Lâu dần, sự chọn lựa được bồi đắp, trở thành chất liệu đặc thù, một loại dấu ấn tự phong. Dấu ấn của hắn, Hoàng Xuân Sơn, chính là sự cô đơn cùng tận! Đã cô đơn thì khó nói chuyện tình yêu nam nữ. Họa chăng, chỉ có sự luyến thương một chiều, đơn phương như ông ca sĩ Tuấn Vũ ông ổng hát ngày nào: ‘…Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn.’” (Nđd)

Tuy nhiên, nói về cõi-giới thơ Hoàng Xuân Sơn mà không nói về chủ tâm mang vào trong thơ những danh từ địa phương, qua thi phẩm “Huế Buồn Chi” của ông, tôi cho là một thiếu sót đáng trách.

Nhận định về “Huế Buồn Chi” của họ Hoàng, một số tác giả đã ghi nhận như sau: “‘Huế Buồn Chi,’ thi tập thứ nhì của Hoàng Xuân Sơn ấn hành năm 1993, là một tập thơ về xứ Huế, dành riêng cho Huế; nơi mà tác giả đã trải qua những năm tháng ấu thời cho đến lúc trưởng thành.”

“Viết về Huế là viết về một vùng trời kỷ niệm, có hạnh phúc, mộng mơ, có yêu thương, khổ đau và hoan lạc trộn lẫn. Nói như nhà văn Trần Doãn Nho (Huế): Đọc ‘Huế Buồn Chi’ có thể đọc riêng đơn vị từng bài, hay đọc toàn tập như một tổng thế cũng không ra ngoài sợi chỉ xuyên suốt: Tâm-Thức-Đặc-Thù-Huế.”

“Bởi vậy thưa chị Quỳnh Mai, nói ‘Huế Buồn Chi’ để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, e rằng chỉ có tầng lớp độc giả đồng hương với người viết (điều này chứng thực khi ra mắt ‘Huế Buồn Chi’ tại Montreal, Canada, hết 90% khán thính giả là người Huế lặn lội tuyết giá đi ủng hộ phe ta, ‘phe mền’).”

“‘Huế Buồn Chi’ được hình thành trong vòng ba tháng sau Một-Cơn-Nhớ-Quê-Bồng-Bột, lúc kẻ này đang đi khuấy hồ dán sách trong một hãng xưởng lao động. Hình tượng, ý và lời trong ‘Huế Buồn Chi’ cũng không thoát ra ngoài phương ngữ Huế mà ngờ rằng chỉ có người địa phương mới thâm hiểu được?”

“Cho dù các bạn văn đã ưu ái nhận xét: ‘Trong ‘Huế Buồn Chi,’ Hoàng Xuân Sơn sử dụng phương ngữ Huế một cách tài tình, khiến cho những độc giả dù không sinh trưởng ở Huế cũng lấy làm tâm đắc (Phạm Xuân Đài).’”

“Hoặc như Hồ Đình Nghiêm (cũng Huế) viết trong phần bạt của ‘Huế Buồn Chi’: ‘…Nhà thơ họ Hoàng là người nặng lòng với Huế… Tôi mong ‘Huế Buồn Chi’ sẽ không chỉ loanh quanh ở sông Hương núi Ngự mà nó còn bước chân qua đèo Hải Vân để xuôi Nam hay sang cầu Hiền Lương mà ngược Bắc. Nó không là ‘văn chương miền Trung’ mà nó phải là một cái gì hơn thế.’”

“Anh Võ Đình (Huế rặt) thì cứ ngâm nga bài thơ ‘Huế Buồn Chi’ trong tập thơ này bất cứ khi nào có dịp. Và nhà văn Túy Hồng (rất Huế): ‘Theo tôi, ‘Huế Buồn Chi’ là một trong những tập thơ hay nhất ở hải ngoại!’… Đó, chị thấy chưa: Toàn ‘Huế’ phe mền không hà (ngoại trừ anh Phạm Xuân Đài – Quảng Nam Đà Nẵng, láng giềng me mé)…’” (Nđd)

Tuy chỉ mới xuất bản ba thi phẩm, nhưng bằng vào tâm thái của một thi sĩ, người không ngừng thao thức di tì chữ, nghĩa tốt nhất, cho thơ của mình, Hoàng Xuân Sơn đã in đậm dấu ấn thơ ông trong sinh hoạt thi ca Việt Nam, trong trên dưới nửa thế kỷ qua.

(Calif., May 2017)

MỚI CẬP NHẬT