Monday, April 15, 2024

Tiếng Việt giàu nghèo như thế nào?

Viên Linh/Người Việt

Nếu phải đánh giá ngôn ngữ tiếng nói mình vẫn dùng – như người viết đánh giá về ngôn ngữ Việt – hầu như đa số đều ngần ngại, hoặc từ chối ngay việc ấy, nếu không biết chắc phương pháp và mục đích của sự đánh giá, đánh giá như thế nào và đánh giá để làm gì.

1. Về ngôn ngữ Việt, các nhà viết sách văn học sử, các giáo sư dạy quốc văn, hầu như không nhiều thì ít đều có những quan niệm và định nghĩa riêng. Ta có thể kể ra những tác giả như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Khiêm, Thạch Trung Giả, Nguyễn Hiến Lê, Trần Trọng San, Thanh Lãng, Kim Định, hay Hoàng Văn Chí.

Riêng nhà văn này cho rằng để đánh giá một ngôn ngữ, cần khảo sát ít nhất trên ba phương diện: thuật ngữ, âm thanh và ngữ pháp. Ông đã khảo sát ngôn ngữ và tiếng nói Việt Nam và viết rằng “Tiếng Việt là tiếng tiến bộ vào bậc nhất.” (*)

Về động từ, ông lấy ví dụ động từ “porter” của Pháp, tiếng Anh là “to carry” và tiếng Việt là “mang, ôm, vác, gánh, khiêng, đội, bồng, bế, ẵm, đeo, xách,…”

Về danh từ, chữ “oncle” của Pháp thì tiếng Anh có “uncle” và tiếng Việt có “chú, bác, cậu, dượng…” Chỉ sơ sài và tóm tắt thôi, ta không thể trong một bài báo ngắn để viện dẫn cả một chương sách dài.

Ý người viết bài này là muốn nhân nói về tác giả Hoàng Văn Chí, người mà tác phẩm đầu tay là một tập thơ in năm 1956 (“Phật Rơi Lệ”), ba năm sau đã nổi danh với cuốn “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc” mà người ta có thể nói, đó là cuốn sách chiến lược, hay cuốn sách đã đặt nền móng cho một thời kỳ văn học sôi nổi ở miền Nam, ít ra là trong mười năm đầu.

Mời quý độc giả đọc đoạn văn sau đây để thấy “âm thanh” tiếng Việt theo nhận định của tác giả Hoàng Văn Chí:

-“Trong cuốn ‘Việt Nam Văn Học Sử,’ cụ Dương Quảng Hàm tỏ ý tiếc rằng các cụ ngày xưa không bắt chước Nhật, mượn những ‘bộ’ của chữ Hán mà chế ra những mẫu tự theo kiểu Katakana của Nhật. Học giả họ Dương không biết tiếng Nhật chỉ có 140 âm và chỉ cần 71 “bộ là đủ, trong khi tiếng Việt có trên 12,000 âm, thì chữ Hán làm gì có 12,000 bộ khác nhau mà cho chúng ta mượn.

Việc đặt ra chữ quốc ngữ phải chờ các giáo sĩ Tây phương sang, họ sử dụng 25 mẫu tự La Tinh, đặt thêm nhiều nguyên âm, chế thêm năm dấu (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), mới viết được tất cả mọi âm của tiếng Việt.

Để nêu rõ sự tiến bộ của tiếng Việt, chúng tôi xin nói là chúng ta uốn lưỡi, nói được trên 12,000 âm khác nhau, trong khi người nước khác chỉ nói được một phần nhỏ số âm ấy.” (*)

2. Nhân bàn về tiếng Việt, dẫn giải tác giả Hoàng Văn Chí, người viết bài này xin dẫn giải một đoạn khác thay vì đưa ra kết luận về sự biến hóa của ngôn ngữ.

“Một hôm chúng tôi hỏi một ông bạn: Anh có biết Lê Lợi là người Mường và Nguyễn Trãi là người Kinh không?… Khi hai ông đàm đạo với nhau, thì Lê Lợi phải nói tiếng Kinh, hay Nguyễn Trãi phải nói tiếng Mường, hay là phải dùng thông ngôn?

-Chịu.

Ông bạn không trả lời được vì không biết về thời ấy, hai tiếng là một, chưa khác nhau nhiều như ngày nay. Bây giờ khác nhau là vì ngay từ đời Lê, sau khi Nguyễn Trãi bị hạ bệ và Tống Nho nắm chính quyền, chúng ta bị Hán hóa về ngôn ngữ và phong tục quá nhiều.

Những chữ Hán nhập nội từ thời Bắc thuộc như chữ ‘chữ’ người Mường hiểu được. Vì đã trở thành tiếng ‘nôm.’ Nhưng về sau đọc sai dần thành ‘tự’ là tiếng Hán Việt, người Mường không hiểu nổi. Về phía người Mường thì trong vòng năm thế kỷ, tiếng của họ cũng thay đổi ít nhiều.

Khi chúng ta nói chuyện với người Mường, có nhiều câu hai bên không hiểu nhau, nhưng nhiều câu vẫn còn in hệt. Thí dụ hỏi người Mường ‘Bác ăn cơm chưa?’ Họ trả lời ‘Tôi ăn cơm rồi,’ hoặc ‘Tôi chưa ăn.’

Ngon lành như vậy, tại sao không hiểu?

Phần lớn những trường hợp không hiểu nhau là vì chúng ta dùng quá nhiều chữ Hán mà người Mường không biết, như chúng ta nói ‘cái đầu’ – đầu là tiếng Hán – thì người Mường nói ‘cây trốc’ một chữ chỉ còn sót lại trong câu ‘Ăn trên ngồi trốc.’

Đây là một trong rất nhiều trường hợp tiếng Hán đánh bại tiếng Mường, tức là tiếng Việt cổ sơ.” (*)

————
Chú thích:
(*) Hoàng Văn Chí: Duy Văn Sử Quan, nhà xuất bản Cành Nam, Hoa Kỳ, 1990.

Mời độc giả xem phóng sự “Nhà văn Huy Phương ra mắt sách ‘Nước non ngàn dặm’ và ‘Quê hương khuất bóng’

MỚI CẬP NHẬT