Friday, March 29, 2024

Nhật ký văn nghệ thời tuổi trẻ, Sài Gòn 1965

Viên Linh

Những trang nhật ký sau đây viết về thời gian nhà văn Thanh Nam (1931-1985) và tôi thay nhau làm tổng thư ký tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật, 1965-1966 [Chủ Nhiệm-Chủ Bút Mai Thảo]. Có lúc chúng tôi ở chung phòng 9C trên cao ốc Cửu Long đường Hai Bà Trưng – lúc viết mấy đoạn này nay không nhớ rõ là sau hay trước giai đoạn đó. Anh yêu Thanh Nga, vốn hiền lành nên anh được bà bầu gánh thân mẫu Thanh Nga để tự do ra vào hậu trường, anh thường kéo tôi đi theo.

Viết về nhà văn Thanh Nam người viết bài này có thể viết một cuốn sách dầy, không phải chúng tôi đều sinh ra trong một tỉnh thành, cùng ở Hà Nội trước 1954, cùng làm chung mấy tờ báo ở Sài Gòn, cùng sống với nhau trong một chung cư khi cả hai còn độc thân, mà chúng tôi còn chung những ngày giữa đời vui buồn trong làng văn làng báo từ miền Nam tới hải ngoại, và Tháng Tư 1975 anh đi cùng tàu với tôi tới Guam hôm 3 Tháng Năm, 1975. Thanh Nam người Nam Ðịnh, tên khai sinh là Trần Ðại Việt, mất tại Seattle vì bệnh ung thư cuống họng. Viết văn từ Hà Nội cùng nhóm Nguyễn Minh Lang, trước 1954 đã vào Nam, nhập tịch làng báo Sài Gòn, chuyên viết truyện dài từng kỳ.

22 giờ ngày 26 Tháng Chín, 1966

Tôi mặc bộ đồ ngủ còn thơm mùi băng phiến, khóa cửa, đặt chân xuống lòng con ngõ vắng. Trời đêm nay như những đêm qua, lặng thinh một miền ngoại ô xơ xác của Sài gòn. Con ngõ ngủ, đèn đã tắt, đêm tối miên man. Tiệm tạp hóa gần nhất đã đóng cửa, chỉ còn vàng vọt một ánh điện trong nhà. Tôi thong thả bước đi trong bóng tối, ngõ không một cột điện, thong thả hút từng hơi thuốc lá ngọt ngào. Ðêm nay tôi muốn nhớ lại vài điều, viết lại vài điều, nghĩ lại vài điều. Vài điều thôi nhưng thật ra nhiều lắm, và không giản dị gì đâu. Tôi bước vào tiệm tạp hóa đầu ngõ mua mấy hộp quẹt và lại đi trở vào. Lần mãi mới tra được chìa khóa vào ổ. Ðóng cửa, ngồi xuống trước chiếc bếp dầu hỏa Esso. Mồi lửa vào bấc, xách siêu ra sân sau múc một gáo nước mưa, đem vào đặt lên bếp. Tôi lách cách pha một ấm trà. Một người bạn lại chơi đêm trước đã kêu cậu có vẻ già rồi. Ừ, già rồi. Ðã biết uống trà rồi đấy. Nói rồi cười cười vu vơ, nhưng thật tình đầu óc lãng đãng lắm. Pha trà, ngồi một mình trong căn nhà rộng, âm thầm ngó ra khoảng sân lộ thiên. Chuyên trà từ ly lớn sang tách nhỏ, nhìn soi xuống lớp nước vàng quánh trong cái ly sứ trắng ngà.

Ðêm nay tôi muốn nhớ lại vài điều, vài điều thôi, nhưng đó là vài điều cần thiết: một năm đã qua, có gì không để nói. Hẳn nhiên để có, có cả một tập báo phải nhìn lại. Trước mặt tôi đây là 49 số Nghệ Thuật, 49 tuần lễ đã qua. Có, có nhiều lắm, những anh em đã tới đã đi, những người không quen trở thành bạn hữu, những bạn hữu trở thành xa lạ, những xa lạ đang phải tới gần. Ðêm nay tôi muốn viết về tờ Nghệ Thuật, về một năm của tờ Nghệ Thuật này. Trước mắt tôi là tờ Nghệ Thuật số 1, là trang 27, bài Vô Ðề của Thanh Nam. Tôi muốn lấy một câu mà Thanh Nam, nguyên tổng thư ký tờ báo này, đã dùng trong bài đó, bài đầu tiên anh viết cho số báo đầu tiên của năm thứ nhất, để viết bài báo hôm nay, bài đầu tiên cho số đầu tiên của năm thứ hai: “Nghệ Thuật, tuần báo của ai?”

Tôi còn nhớ như in rằng thường những ngày cuối Tháng Chín năm ngoái, dường như không ngày nào tôi không có mặt tại số 233 Phạm Ngũ Lão, trụ sở nhà in Thư Lâm Ấn Thư Quán của ông con rể nhà thơ Ðông Hồ. Lúc ấy tôi chưa thường trực. Tôi cũng còn nhớ như in rằng mấy năm sau khi các tạp chí Sáng Tạo, Văn Nghệ, đóng cửa, tôi thường phàn nàn bực bội lắm. về sự thiếu một diễn đàn nghệ thuật đích thực. Những người viết trẻ như chúng tôi hồi ấy sau những dọ dẫm liều mạng bỗng bị ném vào một khoảng trống nhẽ ra không được có. Một chìm lỉm khôi hài, một chết đuối lãng nhách. Bởi vậy khi nghe tin tờ Nghệ Thuật được giấy phép xuất bản, và có phương tiện góp mặt, tôi không nề hà một chút gì để tới đây làm việc. Tòa soạn bấy giờ kể như thừa tôi. Nhìn vẻ mặt quản lý, tôi có cảm tưởng như thế. Cho tới bây giờ tôi cũng chẳng rõ cảm tưởng ấy có đúng không. Nhưng điều cần đối với tôi là được viết, được có chỗ viết, chỗ viết ấy phải là tờ Nghệ Thuật, mặc dù tôi đã chẳng hiểu mình nghĩ gì về câu hỏi Thanh Nam đặt ra trên tờ báo: “Nghệ Thuật, tuần báo của ai?”

0 giờ ngày 27 Tháng Chín, 1966

Một đêm đi với Thanh Nam bàn chuyện làm một số báo đặc biệt về nghệ thuật trình diễn. Cải lương, tân nhạc cải cách, kịch, điện ảnh. Vào lối 10 giờ đêm tới rạp đoàn Thanh Minh Thanh Nga đang trình diễn. Ðoàn Cải Lương Số 1 miền Nam đang trình diễn vở “Sơn Nữ Phà Ca” của Kiên Giang. Vào hậu trường. Những tấm phông lớn, những khung gỗ to, những khuôn mặt trát phấn tươi cười. Cái bắt tay đặc biệt của Việt Hùng. Tấm thân nhỏ nhắn của Thanh Nga (ngồi chèo khoeo trên giường, miệng nhai ngon lành). Sang đoàn Dạ Lý Hương tìm soạn giả Hoa Phượng, hẹn một buổi tối gặp để viết bài. Bạch Tuyết là một bất ngờ. Tự tử mấy lần, nét mặt lặng thinh. “Tuyết thích nghệ thuật mới lắm.” Cô nói… Thanh Nam bảo báo phải viết bài về cải lương mới lấy quảng cáo được. Báo Nghệ Thuật lại đang cần quảng cáo. Thì viết. Thực tình cũng thích cải lương (vở Nỗi Buồn Con Gái của Hà Triều Hoa Phượng. Vào rạp thấy được sống cái không khí khán giả thật sự, gần gũi (như cả gia đình đi xem, bà cháu, mẹ con – không khí không thấy ở rạp xi-nê). Những con mắt khán giả dán chặt vào diễn viên, vào sân khấu.

1 giờ trưa ngày 27 Tháng Chín, 1966

Những cái bìa in offset đầy tên tác giả mà bài vở thì ít. Ðuổi không kịp dự định của chính mình. Thế là không được. Nghệ Thuật, tuần báo của ai? Ði xin bài các anh Nguyễn Mạnh Côn, Nguyên Sa, Kiêm Minh. Nguyễn Mạnh Côn: Ðộ bao giờ anh cần? Vài ngày nữa. Vài ngày nữa đúng y có bài.

Kiêm Minh: Thứ năm đi. Thứ năm tới chưa viết được gì. Tuần sau đi. Tuần sau tới vẫn chưa viết được. Nguyên Sa: Muốn cái gì nào? Cái gì cũng được. Thơ, truyện, biên khảo. Thế thì thơ đi. Ðược, nhưng phải cái gì nữa chứ? Thế thì biên khảo đi. Tốt quá rồi còn gì nữa. Anh định viết cái gì? Viết cái gì à? Viết về triết thì chán chết. Viết về thơ đi. Tôi đang viết cái “Nhìn rõ mặt thơ.” Mà dài lắm, tuần báo có đăng được không?

Ðăng được mà. Thế rồi chỉ đăng mới có 4 kỳ, dài quá, tác giả thì rất hăng, chưa chịu thôi. Sẽ tiếp tục cái vụ đó.

Tại tòa soạn Nghệ Thuật. Ðọc thư và bài của bạn đọc gửi về, điều thấy rõ nhất là chiến tranh, là những cuộc sống rời biệt. Chiến tranh ở đây không có tiếng nổ, trận đánh, không có hiện chiến, gia nhập, mà chỉ có những hình ảnh rời rạc của một ánh sáng. Ðêm, tiếng vọng xa gần của trọng pháo. Chiến tranh cả ở thơ, ở văn nhất là ở những đoạn viết ngắn những tùy bút, những lá thư, những đoản văn: chiến tranh trong tâm sự. Ðiều được nói đến không rõ rệt, chỉ được gọi bằng những cái tên chung. Nhu buồn như chán, như vô lý, như dửng dưng. Ở cuối mỗi bài thường đưa đến một thái độ: như xác nhận hay hoài nghi, trong khi văn chương cần thiết một thái độ của nhà văn, dù bất cứ viết về cái gì. Nhiều sáng tác chỉ như một lá thư, một đoạn nhật ký có tính cách bày tỏ phân trần hơn là mô tả, trình bày trong một bố cục trong một bối cảnh, một đời sống. Tính chất u hoài bi cảm vẫn là tính chất dễ tìm thấy nhất. Chúng ta có thể cảm hoài một quá khứ, nhưng những điều được các cây bút trẻ nói đến lại là hiện tại.

Nhìn lại 49 số báo, tìm thấy những Cao Thoại Châu, Phạm Kiều Tùng, Sơ Dạ Hương, Cung Tích Biền, Nguyễn Nhật Duật, có người còn chưa gặp mặt. Mở thêm một vài cánh cửa ngó nhìn đời, có thể đen có thể hồng, nhưng phải mở, mỗi lúc một đông mỗi lúc một nhiều. Khai phá thêm, dọn hoang thêm, tạo thêm một mảnh vườn, dựng thêm một mái ngói. Có thêm nhiều bạn hữu: Ðinh Thành Lam, Nha Trang. Trần Kim Vũ, Ðà Lạt. Nguyễn Kim Phượng, Ðà Nẵng. Những ông giáo văn chương cầm bút sáng tác.

Một đoạn thơ trên tuần báo Nghệ Thuật:

Về Ðà Nẵng thăm vợ sắp cưới

Ðà Nẵng bây giờ trời nóng lắm
không tìm đâu thấy một chỗ ngồi
một lùm cây hay một quán nước
không thấy gì không thấy gì hết trọi 

Ðà Nẵng bây giờ buốt óc lắm
tiếng phản lực lùng bùng bên tai
giá sinh hoạt lên cao vùn vụt
những con đường tình tự vắng hoe 

Ðà Nẵng bây giờ nhiều thuốc lá lắm
những thuốc thơm mang hiệu nước ngoài
cả trẻ con cũng tập tành nhả khói
sách vở rồi đem bán cho ai

Ðà Nẵng bây giờ và Ðà Nẵng mai sau
làm sao giữ được những gì đang mất
làm sao cản được những gì đang còn
ngoại trừ tình yêu và đổ nát.
Cao Thoại Châu (Nghệ Thuật 33, Tháng Sáu, 1966)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 26 tháng 4 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT