Tuesday, April 23, 2024

Viết về Võ Phiến, 50 năm trước

Giai đoạn ở tù đó quan trọng đối với Võ Phiến. Trong một gian phòng mỗi bề bốn năm thước, như ông kể lại với tôi, ông bị nhốt cùng ba chục người khác. Phòng chia thành tầng để có thể có chỗ cho nhau cùng ngủ, theo lối tổ chức của một ký túc xá luộm thuộm, nhưng vẫn phải chia ca. Có ca thức, có ca ngủ. Khi thức, người tù đứng đó, ngồi đó, giữa hàng chục người khác. Khi ngủ, người tù nằm đó, mê sảng ở đó, giữa hàng chục người khác. Trong cuộc sống bốn tường ấy, bản năng con người hiện ra hoàn toàn không có cách gì che giấu. Mỗi một ngày người đó để lộ ra một cử chỉ không thể kiểm soát nổi. Theo thời gian, mỗi ngày một tí, anh ta đã để lộ ra bằng hết con người của mình. Hàng chục cặp mắt thay phiên nhìn ngó anh, cùng lúc nhìn ngó anh, anh sống hai nghĩa người tù. Người tù thể xác và người tù tinh thần. Người tù cầm giữ bởi xiềng xích và bốn bức tường dầy và người tù cầm giữ bởi cái nhìn của kẻ khác.

Võ Phiến nói với tôi:

-Trong tù, cái tự do nhất còn lại là nhìn. Nhìn và thu nhận.

-Có lẽ đó là lý do anh tỉ mỉ khi viết?

-Có lẽ như vậy.

Bởi thế Võ Phiến viết văn một cách cần mẫn, mỗi ngày một ít, vài ba trang, như trường hợp gần đây nhất của ông là cuốn “Một Mình,” ông đã hoàn thành nó trong vòng một năm. Ông viết khó, sửa đi sửa lại. Tôi không nói ra với ông, nhưng tôi hiểu vì sao ông tả đàn bà hay đến thế, dâm như vậy. Người tù có thể làm gì hơn là dồn hết bản năng lên cái nhìn, và chính đời sống bản năng, chính một bản chất nhân vật, là cái nổi rõ nhất trong tác phẩm của Võ Phiến. Đồng ý rằng truyện của Võ Phiến có cốt truyện, nhưng cốt truyện ấy dàn trải ra mãi, và nhiều lúc đó chỉ là dịp để tác giả viết ra những điều ông đang nhìn ông đã nhìn. Văn của ông đi dần dần, soi rõ từng đợt từng đợt, từ đầu đến chân một con người. Nó cũng không chỉ đến đó là hết mà ngày mai, con người ấy lại được nhìn thêm một lần nữa, từng đợt từng đợt, từ chân lên đầu, và mỗi đợt, bật ra một chi tiết mới, lại khiến người nhìn có một kết luận mới. (2)

Đọc xong mỗi truyện của ông người ta mới thấy nhân vật được hình thành. Chấm dứt một câu chuyện mới thấy cuộc đi tìm bản chất chấm dứt. Nó lộ dần, lộ dần trong khi đời sống của nó khép lại, đóng lại. Nhân vật bị vây hãm trong sự quan sát kỹ càng, soi mói, và lúc mà nó được trả tự do, nó trở thành một kẻ có quá khứ bị giam cầm bị nắm chắc trong tay người khác, Võ Phiến. Quá khứ bị đánh dấu, như lý lịch nằm trong tay công an, từ đó họ vừa sống vừa tự kiểm soát để khỏi bị lộ hình tích. Và từ đó họ phải sống trong một khuôn khổ nhất định. Nhân vật của Võ Phiến cũng là người tù của ông, như ông là người tù của cái nhìn.

Trong lúc vui chuyện tôi hỏi Võ Phiến những dịp nào khiến ông bước vào nghề văn. Điều này nhiều tác giả có một câu trả lời tương tự. Viết từ hồi niên thiếu. Ôm ấp văn chương như một người tình nhân muôn thuở, hé biết từ ấu thơ và dan díu tới tận cuối đời. Có đôi khi xa cách nhưng đó không phải lòng người thay đổi mà vì những nguyên do tự bên ngoài.

Ngay những năm đầu ngồi dưới mái trường Thuận Hóa ở Huế, Đoàn Thế Nhơn cũng đã biết như thế. Vừa học vừa làm văn, vừa tìm thày vừa tự dạy. Một trong những ông thày thường khuyến khích cậu là Hoài Thanh, tác giả “Thi Nhân Việt Nam.” Tuy nhiên học trò không nhận được một giúp đỡ nào khác từ ông thày ngoài những lời khuyến khích. Võ Phiến viết và tự mình phải chọn đường đi. Tới năm 17 tuổi, cái năm đáng nhớ nhất, là một trong những bản thảo đầu tiên, – những bản thảo trên con đường phiêu lưu vô định – đã dừng lại ở mảnh đất đầu tiên đã chấp nhận nó, đó là tờ báo Trung Bắc Chủ Nhật. Một bờ đất nhỏ của tân lục địa đã tìm thấy, người phiêu lưu cắm cờ và đi nữa. Sau đó Võ Phiến được giới thiệu với học giả Đào Duy Anh và chàng học sinh đệ ngũ của trường Thuận Hóa được đưa ra Hà Nội, kinh đô của văn nghệ, đất vàng của văn thơ tiền chiến.

Tại Hà Nội, cậu học trò đệ tứ Đoàn Thế Nhơ n được trú ngụ dưới mái nhà vị học giả họ Đào, và chỉ trú ngụ thôi. Việc ăn học cậu phải tự lo lấy. Cậu học trường Văn Lang của ông Đinh Xuân Cầu, nhưng về mặt văn nghệ, nơi đây vẫn không giúp gì được cho cậu. Vẫn một mình học và viết, và suy nghĩ. Vả chăng, thời gian này không kéo dài được bao lâu, toàn quốc kháng chiến tới, Đoàn Thế Nhơn thu dọn hành lý và trở về Bình Định ngay trong niên học đó.

Hỏi tới những tác giả Võ Phiến thích, một trong những tác giả ngoại quốc ông đọc luôn là Marcel Proust và tác phẩm là A la Recherche du Temps perdue. Những tác giả trong nước là Nguyễn Tuân, Xuân Diệu và Huy Cận.

(In lại nhân ngày giỗ đầu của Võ Phiến, 2016)


Chú thích

  1. “Thương Hoài Ngàn Năm,” trang 22.
  2. “Châu có bộ đi bơi chải tới trước, đi hấp tấp, cho nên phần nửa người bên trên có vung vẩy… Châu mới lớn lên, con nhà làm ăn, không chú ý đến truyện trang điểm mấy. Nàng có mớ tóc rất dầy, không được săn sóc, thường bờm xờm, bồng ra phía trước trán, làm cho khuôn mặt như sâu tụt vào trong. Trông khuôn mặt ấy nhiều lần thành quen mắt, đến lúc nhìn những người con gái khác, chàng có cảm tưởng như khuôn mặt họ lộ quá, cạn quá.

Có khi chàng chú ý đến cặp môi, và thấy cặp môi với cái miệng ấy vừa đẹp vừa có vẻ hiền lành, thực thà. Có khi chàng chú ý đến cái cổ, và thầm nghĩ: nước da trắng trẻo thanh tú mà cái cổ trông lại khỏe mạnh. Khuôn mặt bờm xờm của nàng cứ nghênh nghênh…” (Một Mình, tr. 45.)

MỚI CẬP NHẬT