Thursday, April 25, 2024

Vũ Đức Thanh và, bức tranh ‘Tháng Tư Đen’

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Tôi không nhớ tôi ở với trường trung học Hiếu Nghĩa được mấy niên khóa, nhưng khi nhận thêm trường Nguyễn Công Trứ trên đường Hai Bà Trưng thì tôi buộc lòng phải xin thôi ở Hiếu Nghĩa vì, Nguyễn Công Trứ cho tôi một thời khóa biểu thích hợp hơn với hoàn cảnh cá nhân tôi.

Cũng như với những ngày ở Hiếu Nghĩa, Nguyễn Công Trứ để lại trong tôi khá nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ mấy tuần lễ cuối cùng, trước khi ngày 30 Tháng Tư Đen ập đến, dư luận từ trong nhà tới hang cùng, ngõ hẻm… gần như chỉ còn nói về những biến động thời sự, quân sự và nhất là những chuyện liên quan tới đi ở. Hiện tượng này đã vào sâu trong các lớp học với những em học sinh, tôi nghĩ, còn quá nhỏ, để có mối quan tâm, băn khoăn về chuyện đi ở. Nhiều phần các em nghe được và bị chi phối khi nghe được những gì từ bố mẹ, trong những bữa cơm gia đình.

Tôi nhớ, ở có hai lớp đệ tam mà tôi phụ trách môn Việt Văn, cuối giờ học, có một em nữ sinh giơ tay, bất ngờ ngỏ ý mời đi di tản cùng gia đình em. Một em khác thì nói rõ hơn rằng, em có kể chuyện về tôi với bố mẹ em, và bố mẹ em đồng ý dành một chỗ cho tôi ra khỏi Việt Nam bằng phương tiện riêng của gia đình em…

Dĩ nhiên, tôi không thể nhận lời đề nghị của một trong hai em. Nhưng tôi cũng đã không che giấu được sự xúc động của mình.

Đó là thời gian mà sĩ số học sinh ở mấy lớp tôi dạy, vắng đi, mỗi ngày một thấy rõ! Những em còn lại, vẫn tới lớp, cho tôi cảm tưởng, nếu có ở nhà, các em cũng không biết làm gì cho hết giờ? Chưa kể, qua những ánh mắt thất thần, những khuôn mặt lơ láo, ngơ ngác, cho tôi hiểu, có thể các em cũng đang tự hỏi, rồi đây, các em có còn được đi học, được đến lớp? Khi mà thực tế xã hội đang bị xới tung, như một đống xà bần khổng lồ mà hàng triệu con người đang cố thu nhỏ mình lại thành những sinh vật dư thừa, không ngày mai.

Tôi trộm nghĩ các em còn tìm đến lớp học, cũng giống như những kẻ tuyệt vọng, cùng đường, cố vớt vát chút nắng ấm cuối cùng của một ngày sẽ tắt. Bình minh khác, sẽ hiện ra, mà, các em sẽ không được dự phần, hay chỉ là những kẻ đứng lên bề.

Tôi không biết những giờ học cuối Tháng Tư, 1975, ở Nguyễn Công Trứ, có bao nhiêu thầy, cô còn đến trường và họ đã nói gì với các em?

Riêng tôi, ngày cuối cùng tôi còn đến với các em học sinh ở Nguyễn Công Trứ là Thứ Hai, ngày 27 Tháng Tư (?). Lớp học vốn ồn như một cái chợ nhỏ, nay vắng lặng, đìu hiu như đang khứng nhận tang chế.

Tôi không nghĩ đó là thời gian đem đến cho các em một chút hiểu biết nhỏ gì về “cổ văn” Việt Nam, mà chỉ tôi quay qua thăm hỏi về hoàn cảnh gia đình mỗi em.

Qua cuộc thăm hỏi gia cảnh từng em, tôi mới biết, có những em đã được cha mẹ cho biết, hết tháng này, dù chiến tranh, loạn lạc ra sao thì em cũng sẽ phải nghỉ ở nhà, vì không thể có tiền đóng tiền học. Có em kể, em ở rất xa trường, những em nghĩ không biết còn bao lần được thấy bạn, thấy trường nên em đã đi bộ rất sớm, để đến lớp.

Càng nghe chuyện các em, tôi càng thấy rõ sự bất lực, đồng thời sự có mặt vô nghĩa của mình…

Dù nấn ná, lưu luyến cách mấy, cuối cùng rồi tôi cũng phải chia tay những người học trò một ngày cuối Tháng Tư của tôi. Dắt xe ra khỏi sân trường bỗng trở thành rộng mênh mông, tôi biết nhiều em học sinh nhìn theo, cho tới khi tôi chỉ còn là một vệt đen nhỏ nhoi dòng thác ngược xuôi. Một chấm hay một vệt đen một thời mà chúng tôi sẽ không bao giờ còn có cơ hội gặp lại.

Nhưng, ngay buổi chiều hôm ấy, một người học trò đặc biệt đối với tôi, Vũ Đức Thanh lại tìm tôi nơi sở làm. Tôi những tưởng Thanh ra khỏi Việt Nam đã lâu, nhờ có một ông anh giữ một vai trò gì đó, khá quan trọng trong chính quyền Saigon.

Tôi hỏi Thanh: “Thầy nghĩ em đi rồi?”

Thanh lắc đầu. Đường dây bể… Thanh nói, Thanh buồn quá. Thanh muốn thầy trò ngồi với nhau thêm một buổi tối ở café Hân, trước khi chúng ta sẽ chẳng thể giữ được một điều gì, cho riêng mình.

Chúng tôi ngồi với nhau như thế, tới khuya, gần như không nói gì, ngoài những điếu thuốc đốt liền tay.

***

Trong lớp tôi, Vũ Đức Thanh không phải là một học sinh xuất sắc. Điều khiến tôi chú ý tới Vũ Đức Thanh là ngay buổi đầu tiên, học về “Chinh Phụ Ngâm Khúc,” Thanh đã cho thấy giữa “Chinh Phụ Ngâm Khúc” và Vũ Đức Thanh, vốn có một liên hệ đặc biệt nào đó, khó giải thích. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết Thanh thuộc “Chinh Phụ Ngâm” từ nhiều năm trước. Đó là một trong vài cuốn sách gối đầu giường của Thanh. Sau phần bài giảng, khi thảo luận hay đặt câu hỏi, Thanh luôn là người đưa tôi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác…

Từ đó, tôi đặc biệt chú ý tới Vũ Đức Thanh và, tôi cũng không biết, giữa chúng tôi, ngoài tình thầy trò, còn có một thứ tình khác. Tình bằng hữu hay tình văn nghệ giữa hai con người mà sự cách biệt tuổi tác, không nhỏ.

Mãi sau này, bằng vào tình thân được xây đắp qua thời gian, tôi mới biết Vũ Đức Thanh, căn bản là họa sĩ. Thanh ghi tên học chương trình phổ thông mục đích là để hợp lệ tình trạng quân dịch thời đó mà thôi. Mới đây, trong một tiểu sử ngắn, do Đại Học Florida đòi hỏi, trước khi đại học này chính thức tổ chức cuộc triển lãm cá nhân cho Vũ Đức Thanh, tôi mới biết:

Vũ Đức Thanh không nhận mình là họa sĩ truyền thống. Mặc dù anh bắt đầu vào trường học vẽ niên khóa 1969. Đó là trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định, sau này tên trường đổi thành Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật, thầy Đỗ Đình Hiệp làm hiệu trưởng (trước 1975). Họ Vũ định cư tại Mỹ năm 1975 ở Miami, Florida.

Khi còn ở trong nước, các sinh hoạt liên quan đến hội họa bắt đầu vào năm 1970 tại các trung tâm văn hóa ở Sài Gòn như Hội Việt Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Phòng Thông Tin (góc đường Tự Do và Lê Lợi). Minh họa cho một tờ báo quân đội là Tiền Phong, từ 1974.

Ở Mỹ, Vũ Đức Thanh trưng bày tranh tại các nơi như Miami và Orlando, Florida; Miami Dade College (Library) 1978; Art & Design Gallery (Biscayne Blvd. Miami, Florida) 1980; University of Central Florida (UCF Libraries) 1999 và 2005; Orange County Library (Orlando, Florida) 2007; Winter Park Public Library (Winter Park, Florida) 2009…

Trả lời câu hỏi về quan niệm hội họa cho một tờ báo địa phương, ở Orlando, Vũ Đức Thanh nói: “Tôi không theo một chuẩn mực nào để diễn đạt cho dù trừu tượng hay hiện thực. Tranh vẽ, với tôi vẫn là sản phẩm của ý tưởng và sự tưởng tượng không bị giới hạn vì địa lý hay không gian hoặc thời gian, đó là nguồn cảm hứng để tôi vẽ một cách không ranh giới…”

Nhân dịp này, họ Vũ cũng cho biết, anh có mơ ước vẽ được bức tranh, đề tài “Tháng Tư Đen.”

Họ Vũ nhấn mạnh, khi chúng ta nói “Tháng Tư Đen” ai cũng hiểu và có thể hình dung theo cách của mình. Nhưng để thể hiện ý niệm bất hạnh đó, trên bố, thì lại rất khó cho một họa sĩ…

***

Khi tôi viết những dòng chữ này, tình thầy trò song song với tình bằng hữu của chúng tôi, đã trên 40 năm. Với khoảng thời gian đằng đẵng này, nhiều giai đoạn, những tưởng, chúng tôi không còn cơ hội gặp lại nhau.

Nhưng may mắn thay, chẳng những cuối cùng chúng tôi vẫn có lại nhau ở xứ người, mà hơn rất nhiều người bạn thân của tôi, Thanh hiện diện và giữ khá nhiều sinh hoạt đời riêng của tôi, ngay từ thời quê nhà. Trong số những kỷ niệm đó, dĩ nhiên, có những ngày trường Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Sài Gòn cũ. Và, luôn cả bức tranh “Tháng Tư Đen” không bao giờ hoàn tất của Vũ.

(Tháng Tư, 2017)

T.T Trump ra sắc lệnh bảo vệ người tố cáo sai trái ở Bộ Cựu Chiến Binh

MỚI CẬP NHẬT