Saturday, April 20, 2024

9 tháng, $16 tỷ vốn ngoại đổ vào Việt Nam

HÀ NỘI (NV) – Trong 9 tháng đầu năm 2016, tư bản ngoại quốc đổ vào Việt Nam hơn $16 tỷ, vừa lập dự án sản xuất mới vừa mở rộng hoạt đông kinh doanh đang có.

Theo các con số của Cục Đầu Tư Nước Ngoài thấy phổ biến trên tờ Đầu Tư của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Hà Nội hôm Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016, “tính đến ngày 20 tháng 9, 2016, trên cả nước đã có 1,820 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là $11.165 tỷ, tăng 1.1% so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với đó, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là $5.265 tỷ, bằng 86.1% so với cùng kỳ năm 2015.”

Như vậy, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là $16.43 tỷ, bằng 95.8% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo nguồn tin nói trên, giới tư bản Hàn Quốc dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là $5.58 tỷ, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là $1.84 tỷ, chiếm 11.2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản hạng 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là $1.7 tỷ, chiếm 10.3% tổng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Cục Đầu Tư Nước Ngoài thì, trong 9 tháng đầu năm 2016, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài – với 767 dự án đầu tư đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là $12.15 tỷ, chiếm 73.9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng.

Kế đến, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là $1 tỷ, chiếm 6.1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với $649 triệu, chiếm 3.9% tổng vốn đầu tư.

Mời độc giả xem video: Học sinh mỗi ngày bơi 2 lượt qua sông đến trường trong mùa lũ tại Việt Nam

Nhờ có giới tư bản ngoại quốc tới Việt Nam đầu tư sản xuất lợi dụng giá nhân công quá rẻ, ngày 10 tháng 9, 2016, tờ Lao Động dựa vào các thống kê xuất nhập cảng cho hay, 8 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất cảng được một số lượng hàng hóa trị giá khoảng $112.19 tỷ, tăng 5.5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt được $32.62 tỷ, tăng 4%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt $79.57 tỷ, tăng 6.1%. Nhiều nhà kinh tế bình luận rằng nền kinh tế của Việt Nam dựa vào đầu tư ngoại quốc ví như một người đi đứng với hai chân bằng đất sét.

Trong khi giới đầu tư ngoại quốc ngày càng làm ăn phát đạt, ngày một kéo đến kiếm ăn đông hơn thì các nhà kinh doanh sản xuất trong nước thi nhau đóng cửa.

Theo Tổng Cục Thống Kê tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 5,500 doanh nghiệp phá sản, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp buộc tạm ngừng hoạt động là 31,119 doanh nghiệp, tăng 15% (bao gồm 12,203 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn (tăng 37.1%) và 18,900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế. Tổng số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 36,600 doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 6,000 doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản, mỗi ngày có hơn 200 doanh nghiệp phá sản, chờ đóng cửa. (TN)

MỚI CẬP NHẬT