Wednesday, April 24, 2024

Doanh nghiệp ở Việt Nam tự nguyện ‘đút lót’ để giảm phiền hà

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – 50-60% doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức vì cho rằng để giảm phiền hà, duy trì quan hệ, né tránh nghĩa vụ, việc chi trả phần nào xuất phát từ chính doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp năm 2017 tổ chức tại Hà Nội hôm 22 Tháng Sáu, theo báo điện tử VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Phân tích lý do khiến 60% doanh nghiệp tự nguyện trả “chi phí không chính thức,” ông Tuấn kết luận, đây không đơn thuần là chi phí để “mua bình an.” “Chi phí không chính thức” còn được xem như khoản tất yếu để “duy trì quan hệ” nhằm có thêm lợi thế trong công cuộc sản xuất, kinh doanh, giúp tránh được một số nghĩa vụ, nhờ vậy, gia tăng được năng lực cạnh tranh.

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân làm “chi phí không chính thức” trở thành vấn nạn nan giải.

Theo tường thuật của trang web Biz Live thì tại Diễn Đàn Phát Triển Doanh Nghiệp năm 2017, VCCI nhận định, môi trường kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục thiếu lành mạnh vì không minh bạch.

Cần nhắc lại rằng, tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp năm ngoái, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, từng cảnh báo, sở dĩ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam èo uột vì “chi phí không chính thức” quá lớn. Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam vẫn bị nhũng nhiễu, vẫn phải oằn lưng gánh cả các “chi phí không chính thức” lẫn những rủi ro do chính sách thay đổi hoặc áp dụng thiếu nhất quán.

Theo ông Lộc, trong khi chính quyền nhiều quốc gia khác loay hoay tìm kiếm các giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển thì tại Việt Nam, hệ thống công quyền cũng loay hoay nhưng là loay hoay giảm phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh giới!

Lúc đó, ông Nguyễn Chí Dũng, bộ trưởng Kế Hoạch-Đầu Tư, thừa nhận doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chưa đủ sức tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Là bộ trưởng nhưng ông Dũng không đưa ra được giải pháp nào mà chỉ… khuyến cáo là cứ như trước nay thì Việt Nam sẽ tụt xuống dưới đáy của khối ASEAN!

Việt Nam đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm, doanh nghiệp tiếp tục chết, tỉ lệ thất nghiệp càng ngày càng cao, các nguồn thu cho ngân sách giảm, bội chi càng lúc càng lớn, nợ nần tăng vọt vì phải vay để chi tiêu, kinh tế suy thoái không có điểm dừng…

Cũng vì vậy, sau các chuyên gia, tới lượt chính phủ Việt Nam e ngại khủng hoảng bùng phát. Để ngăn chặn khả năng này, họ vừa đưa ra hàng loạt cam kết, vừa đề ra hàng loạt chính sách để doanh giới – đặc biệt là giới chủ doanh nghiệp tư nhân – yên tâm, khuyến khích họ duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư.

Tuy nhiên những cam kết và nỗ lực điều chỉnh chính sách chỉ thể hiện trên các diễn đàn, các hội thảo, hội nghị và trên… giấy. Trong thực tế, doanh giới – đặc biệt là giới chủ doanh nghiệp tư nhân – tiếp tục bị hành hạ, bóp nặn và nay thì chủ động thỏa hiệp.

Trước nữa, hồi Tháng Sáu 2016, tại một hội thảo về “chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,” do Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông-Phát Triển tổ chức, ông Lê Hồng Sơn, cựu cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật của Bộ Tư Pháp, từng ví von, có thể xem việc ban hành chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giống như “trải thảm nhung,” nhằm mời gọi đầu tư, phát triển kinh tế nhưng khi thực hiện, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cố tình “gài đinh” để cho nhóm của mình trục lợi. Ông xem đó là hậu quả tất nhiên của hiện tượng viên chức bị “lưu manh hóa.”

Đáng ngạc nhiên là dù chính quyền nhiều tỉnh thản nhiên dọn sân, dành riêng chỗ chơi cho một số đại gia vi phạm cả Hiến Pháp, lẫn hàng loạt bộ luật nhưng cuối cùng vẫn chẳng có cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm.

Trong vài năm gần đây, giới lãnh đạo Việt Nam đã đi từ thừa nhận sự tồn tại của các “nhóm lợi ích” (chỉ sự liên kết giữa các viên chức với doanh nhân, lũng đoạn hoạt động của hệ thống công quyền để trục lợi), đến chỗ xác định hoạt động của các “nhóm lợi ích” là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của cả quốc gia lẫn chính thể.

Ông Nguyễn Đình Hương, cựu phó ban tổ chức của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, từng cảnh báo, các “nhóm lợi ích” đã câu kết, chi phối nhiều lĩnh vực từ thấp đến cao, hình thành các liên minh, tạo ra các “cụm chính sách,” những “chùm lợi ích,” xé nhỏ lợi ích công cộng.

Ông Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học Viện Chính Trị-Hành Chính Quốc Gia, nói rằng các “nhóm lợi ích” đang vận hành theo cấu trúc của mafia, khai thác hai yếu tố quyền lực và tài chính, tạo ra đặc quyền tiếp cận tín dụng, tài nguyên-khoáng sản, đất đai.

Khách du lịch 60 người bị ngộ độc thực phẩm tại Vũng Tàu

Những cựu viên chức và viên chức vừa kể lặp lại ý kiến mà nhiều chuyên gia đã đề nghị từ lâu, rằng phải minh bạch hóa, tạo điều kiện để báo giới và các tổ chức dân sự giám sát hoạt động của hệ thống công quyền.

Truy cứu trách nhiệm những cá nhân ban hành các văn bản trái pháp luật. Họ đòi xóa bỏ tình trạng ai cũng là chủ nhưng không có ai chịu trách nhiệm. Viên chức lãnh đạo có quyền rất lớn nhưng không bị buộc phải chịu trách nhiệm về mình làm.

Cho dù mức độ mạnh mẽ của các khuyến cáo, các chỉ trích mạnh mẽ hơn nhiều so với trước song thẩm quyền quyết định có thực thi các đề nghị hay không và thực thi thế nào thì vẫn như trước: Vẫn nằm trong tay những viên chức mà ai cũng tin đang dính dáng tới “nhóm lợi ích” nào đó.

Do vậy mà diễn đàn doanh nghiệp thường niên nào cũng chỉ chừng đó lời than. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT