Wednesday, April 24, 2024

Bắc Kinh có dự thảo đầu tiên của Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông

BẮC KINH (NV) – Bản dự thảo đầu tiên của ‘Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông’ (COC) đã hoàn tất để tránh xung đột quân sự liên quan đến căng thẳng ở khu vực, theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo hôm 8 Tháng Ba, 2017, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về một bản thỏa hiệp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông. Dự thảo đã được đề cập từ khi có bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc từ cuối năm 2002 nhưng trước sự tránh né của Bắc Kinh, đến nay mới thấy thành hình.

Phát biểu trong buổi họp báo bên lề cuộc họp quốc hội, Vương Nghị nói rằng các cuộc đàm phán hồi tháng trước đã đạt “tiến bộ rõ rệt” và đã hình thành dự thảo đầu tiên của bản COC về một khuôn khổ cho bộ quy tắc mà “cả Trung Quốc và các nước ASEAN cảm thấy hài lòng”.

Theo lời ông Vương Nghị, căng thẳng trên Biển Đông “không những phần nào giảm thiểu mà đã giảm rõ rệt” trong năm qua. Nhưng đề cập đến các hoạt động “tuần tra tự do hải hành” của Hoa Kỳ tại khu vực, ông Nghị đe dọa rằng “Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này vốn đã khó đạt được, lại bị tổn hại hoặc bị phá rối”.

Hoa Kỳ đã nhiều lần đả kích các hoạt động Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa và mở rộng diện tích một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa, coi đây là vi phạm các cam kết quốc tế “giữ nguyên trạng” các khu vực tranh chấp. Nhiều lời cáo buộc Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự trên đó nhằm khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% bất chấp quyền lợi của các nước khác trong khu vực.

Các nước nhỏ phía Nam yếu kém về quân sự chỉ có khả năng phát biểu phản đối suông và chỉ có Hoa Kỳ thực hiện các chuyến “tự do hải hành” bên cạnh những lời đả kích hành động Trung Quốc nên bị Bắc Kinh lên án là “ở bên ngoài khu vực” chen lấn vào các tranh chấp địa phương.

Bắc Kinh cố tình tránh né đàm phán cho một bộ Quy Tắc Ứng Xử hơn chục năm qua cho đến nay, người ta hiểu rõ vì sao thì đã muộn. Bắc Kinh đã tiến hành bồi đắp xong 7 đảo nhân tạo khổng lồ tại quần đảo Trường Sa, mở rộng, củng cố và nâng cao khả năng quân sự tại các đảo trong quần đảo Hoàng Sa, thành một chuỗi căn cứ quân sự quy mô kiểm soát hoạt động từ trên không đến dưới nước của thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới về thương mại.

Gần đây, tin tức và các không ảnh cho thấy nhiều cơ sở được Trung Quốc xây dựng ở các đảo nhân tạo tại Trường Sa là các vị trí hỏa tiễn phòng không tầm xa.

Trước tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc, dù Việt Nam cũng bị Bắc Kinh cướp đoạt biển đảo, chỉ có Phi Luật Tân đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế. Năm ngoái, Tòa án Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết đường “Lưỡi Bò” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông là vô giá trị.

Trước cuộc họp báo của ngoại trưởng Vương Nghị, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi ở quốc hội nước này là cần phải gia tăng sức mạnh ở các vùng biển xa mà họ cướp đoạt của Việt Nam trên Biển Đông cũng như đang tranh chấp với Nhật tại quần đảo Senkaku.

Lời kêu gọi của Lý Khắc Cường và lời đe dọa của Vương Nghị ở thời điểm Mỹ có vẻ muốn gia tăng các hoạt động “tự do hải hành” trên các vùng biển quốc tế, gồm cả những vùng biển đang tranh chấp như Biển Đông, cho thấy Bắc Kinh không có ý định giới hạn ý đồ lấn chiếm, chèn ép các nước nhỏ, đồng thời cũng không ngán sợ những can thiệp chừng mực từ Hoa Kỳ.

Tuần qua, Tân Hoa Xã công khai xác nhận các vị trí xây dựng cơ sở hỏa tiễn phòng không tầm xa trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa là quyền “phòng thủ” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dù có được do đánh cướp.

Một bản tin phân tích của Reuters nói rằng các khiêu khích của Bắc Kinh ở khu vực sẽ nhiều phần kích thích gia tăng căng thẳng. (TN)

Thai phụ hôn mê khi khám phụ khoa, bác sĩ Trung Quốc “biến mất”

MỚI CẬP NHẬT