Friday, April 19, 2024

Báo chí Việt Nam bị cấm tường thuật phiên họp Quốc Hội

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hệ thống báo đài của chế độ “dân chủ đến thế là cùng” tại Việt Nam vừa bất ngờ bị bít đường thông tin các phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN kể từ nay.

Lấy cớ các đại biểu tham dự cuộc họp “có thể trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc diện bí mật” lại “vô tình” được đề cập mà báo chí thuật lại cho dân cả nước biết, từ nay các ký giả phục vụ cho guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ cũng chỉ được nhìn thấy phòng họp “5 phút đầu.”

Từ hơn chục năm qua, các phóng viên báo chí được cho ngồi theo dõi qua màn hình các phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN ở một căn phòng gọi là Trung Tâm Báo Chí của tòa nhà Quốc Hội để viết bài tường thuật. Nhưng từ ngày 11 Tháng Bảy, sau 5 phút nhìn thấy “ông đi qua bà đi lại” thì màn hình bị cắt, tối đen.

Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam đưa tin vụ cấm của báo chí với cái tựa đề kín đáo và dè dặt: “‘Cầu nối’ Quốc Hội với cử tri đang ngắn lại?”

Theo tờ Tuổi Trẻ “Nhiều phóng viên có mặt tại Trung Tâm Báo Chí tại Nhà Quốc Hội hết sức ngỡ ngàng về quyết định này.”

Trên báo điện tử VietNamNet, ông Nguyễn Hạnh Phúc, tổng thư ký Quốc Hội, giải thích lý do “từ nay báo chí chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để phục vụ ghi hình” là “để các đồng chí trong Ủy Ban Thường Vụ trao đổi, phát biểu hết các vấn đề, phát biểu sâu, không ngại việc có thông tin thuộc bí mật ‘vô tình’ được báo chí đề cập.”

Theo lời ông Phúc, mỗi ngày, Văn Phòng Quốc Hội “sẽ có hai bản thông cáo báo chí thể hiện đầy đủ nội dung và kết luận về vấn đề được thảo luận tại phiên họp để gửi cơ quan báo chí.” Nói khác, báo chí không được “mạnh ai nấy nghe, mạnh ai nấy viết” như trước nữa mà chỉ được cung cấp thông tin theo nội dung của bản tin được bơm ra.

Tờ Tuổi Trẻ kể lại cho biết, bắt đầu từ thời ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch Quốc Hội (2001-2006) báo chí được cho vào dự các phiên họp của Quốc Hội để tường thuật trực tiếp. Tuổi Trẻ dẫn lại lời nói của ông An khi được hỏi về quyết định cho báo chí dự họp Quốc Hội là: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí.”

Tờ Tuổi Trẻ còn nói, “Về phía chính phủ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu nhiệm kỳ mới một cách ấn tượng về sự cởi mở với báo chí. Nhiều phiên họp chuyên đề của chính phủ với lãnh đạo các địa phương, thậm chí có chuyên đề không ít người coi là ‘nhạy cảm’ như giải quyết khiếu nại, tố cáo, chính phủ vẫn mời đông đảo phóng viên trực tiếp tham dự và đưa tin.”

Trong phần bình luận của độc giả tờ Tuổi Trẻ, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ về quyết định cấm cửa báo chí nói trên.

Độc giả có địa chỉ [email protected] viết: “Đại biểu Quốc Hội là do người dân bầu lên để đại diện cho tiếng nói của người dân và được người dân giám sát trong quá trình làm việc. Thường Vụ Quốc Hội là do đại biểu bầu lên. Nếu cấm cửa cơ quan truyền thông để cập nhật tin tức thì biết các vị đang làm gì bên trong?”

Độc giả bút danh Võ Tá Luân viết: “Báo chí là diễn đàn của nhân dân, giúp chuyển tải mọi thông tin từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài, cấm báo chí đồng nghĩa cấm dân biết tin tức, cũng có nghĩa dân không biết cuộc họp của Thường Vụ Quốc Hội đang bàn gì, làm việc nước hay việc riêng? Đây là nơi ban hành luật lại chưa thượng tôn luật rồi.”

Độc giả tên Lê Thành viết: “Báo chí còn như vậy thì dân làm sao được biết và được bàn?”

Độc giả bút danh Hieu Dan viết: “Đại biểu cho nhân dân tại Quốc Hội là do dân bầu, để đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân, vậy mà không cho báo chí tham gia. Các đại biểu Quốc Hội nói cái gì, bàn cái gì, không cho dân biết, giám sát; hạn chế việc ‘dân biết, dân bàn, dân kiểm tra’ thì sao gọi là đại biểu cho nhân dân?”

Việt Nam không có báo, đài tư nhân mà tất cả đều là cơ quan truyền thông do một bộ phận hoặc ở trung ương hoặc tại địa phương của nhà cầm quyền làm “chủ quản.” Trong số hơn 16,000 người được cấp thẻ nhà báo, có thể có những người không phải là đảng viên, nhưng khó lòng trở thành những người có vai vế cao trong tờ báo mà không phải là đảng viên.

Đầu Tháng Mười 2016, ông Nguyễn Như Phong, tổng biên tập báo Năng Lượng Mới thường được biết dưới tên khác là Petro Times, bị lột mất thẻ nhà báo và mất chức tổng biên tập vì đã đăng tải lại một bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió trên tờ báo tiếng Việt ở Đức liên quan đến việc chạy trốn của cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang kiêm đại biểu Quốc Hội Trịnh Xuân Thanh. (TN)

Mỹ kiểm soát mọi lô cá da trơn xuất cảng từ Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT