Friday, April 19, 2024

Bánh tiêu ‘đệ nhất Vũng Tàu’

Văn Lang - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Bánh tiêu là một món bánh dân dã, có nguồn gốc từ Trung Hoa, từ đường phố, trải dài từ Trung Hoa đại lục cho tới Hồng Kông, Đài Loan, và hầu hết những nơi có người Hoa sinh sống. Dĩ nhiên Sài Gòn-Chợ Lớn, cũng như nhiều khu thị tứ của miền Nam Việt Nam cũng không ngoại lệ với món bánh tiêu…

Bánh tiêu có nhiều ‘biến tấu’ khác nhau. Nhưng nguyên liệu căn bản để làm món bánh tiêu là bột mì, đường, mè… và không thể thiếu một chảo dầu sôi vừa lửa.

Bánh tiêu cũng có khi làm thành bánh có nhân. Loại nhân thường thấy là nhân cadé. Nhân cadé của bánh tiêu người Hoa vùng Chợ Lớn khá là khác biệt so với nhân cadé ở hải ngoại. Nhân cadé hải ngoại thường sử dụng nhiều bơ, sữa nên cảm giác như gần với nhân bánh… Tây hơn là bánh tiêu. Còn nhân cadé của người Hoa vùng Chợ Lớn chủ yếu dùng hột gà, kèm theo một số gia vị… “bí truyền.”

Bài viết này chúng tôi xin đề cập tới loại bánh tiêu có nhân và một hàng bán bánh tiêu ở thành phố Vũng Tàu.

Ngoài bánh tiêu nhân cadé của người Hoa khu Chợ Lớn, thì ở đường Hà Tôn Quyền, quận 11, còn có món bánh tiêu nhân sầu riêng. Nội chỉ nghe cái tên thôi đã hết sức… dạt dào cảm xúc!

Nhưng tất cả những xe bánh tiêu ngon ở Sài Gòn-Chợ Lớn đều không tạo ra được một “hiện tượng” ẩm thực độc đáo như bánh tiêu Vũng Tàu.

Nghe danh “bánh tiêu Vũng Tàu” đã lâu nên khi ra đây, chúng tôi quyết định chạy xe Honda vòng vòng quanh các phố xá, với mong muốn nhất định tự mình tìm cho ra tiệm bánh tiêu nổi tiếng này.

Nặn nhân bánh tiêu tại xe bánh tiêu Vũng Tàu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Nặn nhân bánh tiêu tại xe bánh tiêu Vũng Tàu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Trong lòng cứ nghĩ, nổi tiếng như vậy, chắc hẳn cơ sở bánh tiêu này nhất định phải bề thế lắm, ai dè, chạy xe đã đời ông địa, cũng chẳng hề thấy một tiệm bánh tiêu, hay thậm chí là một xe bánh tiêu nào.

Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải tấp vào hỏi thăm mấy bác tài xế taxi. Vì thông thường, tại mấy thành phố du lịch, mấy địa điểm ăn chơi hay ăn ngon là mấy bác tài taxi rành lắm, lúc nào cũng vui vẻ, sẵn lòng giải đáp cho du khách.

Quả không sai! Đang ngồi ngáp vặt, chờ khách, bác tài taxi bật ngay dậy, khi nghe chúng tôi hỏi thăm đường đến tiệm bánh tiêu ngon nhất Vũng Tàu.

“Đến trước nhà số 43, đường Đồ Chiểu!” Chỉ đường thật kỹ, rồi bác tài lại nhìn chúng tôi ái ngại, cho biết thêm: “Chỗ này bánh phải đặt trước, bằng không tới đó hẹn, đến ‘mát trời ông địa’ thời… mới có bánh! Mà 4 giờ chiều họ mới dọn ra, tới khoảng 8 giờ tối là dẹp.”

Hèn chi, cả buổi trưa chúng tôi đi tìm bánh tiêu mà không thấy.

Đúng 4 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại điểm bán bánh tiêu, mà lâu nay được “giang hồ” đồn là ngon nhất Vũng Tàu. Giờ đó xe bánh tiêu vừa dọn ra, nhưng đã có nhiều người đứng chờ lấy bánh.

Một cô gái cho chúng tôi biết, từ 11 giờ trưa cô đã gọi điện thoại đặt bánh. Nên trong số những người chờ lấy bánh cô phải thuộc dạng “ưu tiên số một.”

Dù vậy, cũng phải chờ qua tất cả các công đoạn, nên phải 15 phút sau cô gái mới nhận được bịch bánh vừa chiên nóng giòn xong và hớn hở ra về.

Những người khác, theo thứ tự đã đặt hàng, kiên nhẫn chờ tới lượt mình được giao bánh. Có lẽ họ đã quen việc xếp hàng mua bánh tiêu, nên không thấy ai tỏ vẻ khó chịu. Đa số, khách đặt mua từ 15 cho tới… 30 cái. Có lẽ, vừa ăn cho đã, vừa bõ cái công mà họ phải chờ đợi.

Chiên bánh tiêu trong chảo dầu sôi bằng hai đôi đũa tre dài, cùng lúc dùng cả hai tay, thoăn thoắt liên tục lật bánh cho tới khi chín vàng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Chiên bánh tiêu trong chảo dầu sôi bằng hai đôi đũa tre dài, cùng lúc dùng cả hai tay, thoăn thoắt liên tục lật bánh cho tới khi chín vàng. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Chúng tôi xin mua 10 cái bánh tiêu nhân đậu xanh và 5 cái bánh tiêu nhân hột gà (một dạng của cadé). Cô chủ vừa thoăn thoắt gói nhân, cán bánh, vừa vui vẻ trả lời những yêu cầu của khách hàng.

Cô chủ bán bánh tiêu tên là Bích Hà, năm nay khoảng 49 tuổi, là người Việt gốc Hoa và tiệm bánh của gia đình đã kinh doanh được gần 30 năm nay.

Thấy khách đợi lâu, cô Hà nói “Chạy đi đâu chơi đi, khoảng một tiếng sau quay lại thì mới có bánh.” Những người đến hỏi mua sau chúng tôi một lúc, thì được hẹn tới một tiếng rưỡi lận. Nhưng những người đến sau nữa thì bị cô chủ nhẹ nhàng từ chối, cho biết là đã hết bánh. Có lẽ, cô chủ nhẩm tính số lượng bánh khách đặt trước, vừa đủ với số bột mà gia đình cô đã ủ, nên không thể nhận lời thêm của khách.

Khách mua bánh với đủ thành phần, từ học sinh cho tới người đi làm; người dân gốc tại Vũng Tàu cho tới du khách thập phương…

Quan sát, chúng tôi thấy cô chủ tay thoăn thoắt đặt cục nhân đậu xanh đã được hấp chín, tán nhuyễn lên miếng bột mì, vặn một cái bột đã phủ nhân, rồi cán cục bột dẹp ra bằng một con lăn, trong một động tác nhẹ nhàng. Bánh nhân hột gà thì không cán, mà nắn tròn như bánh cam, nhưng lúc chiên bánh phồng lên mỏng và to hơn bánh cam.

Từng mẻ bánh được cho vô chảo dầu sôi, chị đứng chiên hay tay cầm hai đôi đũa tre dài, thoăn thoắt lật hết chiếc này cho tới chiếc kia, khi tất cả đã phồng lên hết cỡ, đồng thời chín vàng vừa lứa thì vớt bánh lên một khay lưới gần bên. Để ráo dầu chút xíu, anh con trai cho bánh vô bịch giấy, giao cho khách và thu tiền.

Mời độc giả xem chương trình “Miền Nam yêu dấu! Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu” (Phần 1)

Tất cả các công đoạn của xe bánh tiêu diễn ra đều đặn, phần ai người đó làm. Việc tuy phải làm nhanh nhưng vẻ thuần thục chuyên tâm giống như một cỗ máy chạy đều, êm ru, nhịp nhàng… Suốt bốn tiếng làm việc liên tục không sai sót, tinh thần thư thái như vậy họ quả đáng gọi là những nghệ nhân của đường phố.

Bánh tiêu nhân đậu xanh còn nóng, hơi giòn vỏ ngoài, béo ngậy vừa chừng, cộng với hương đậu xanh thơm, đậu dính đều hai bên thành bánh mỏng căng phồng, chứ không đóng cục ở giữa. Ăn ngất ngây, chưa kịp nhai kỹ đã thoắt trôi tuột xuống bao tử. Mà quanh chân răng nước bọt như còn “réo” ầm ầm… Bánh nhân hột gà thì vẫn còn giữ được hương vị tươi nguyên của hột gà dù đã qua chảo dầu sôi tới vỏ bánh chín vàng.

Vậy mới biết, bánh ngon là từ khâu ủ bột, men bột nở tự nhiên là một bí kíp gia truyền. Hơn nữa việc sử dụng nhân, chảo dầu căn lửa cho thích hợp. Khâu chiên bánh, thấy họ lật liền tay thoăn thoắt, cho đến khi bánh chuyển màu vàng tươi vừa ý là họ vớt ra để cho ráo dầu…

Đã nhiều năm nay, bánh tiêu Vũng tàu vẫn giữ nguyên giá là ba ngàn đồng một cái. Mặc cho vật giá leo thang, thậm chí có khách còn đề nghị là nên tăng giá lên năm ngàn đồng một cái.Nhưng cô chủ xe bánh tiêu vẫn nhất mực từ chối không tăng giá. Phẩm chất lượng bánh không hề suy giảm, giờ giấc vẫn không xê dịch, bất kể trời mưa hay trời nắng.

Lâu lâu, bạn bè ở Vũng Tàu lại mời xuống Vũng Tàu ăn bánh tiêu!

Trời ạ! Không lẽ, Vũng Tàu biển nhớ lại đổi ra thành “Vũng Tàu, bánh tiêu nhớ?”


  • Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
    Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
    Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com.
    Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
    Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email: [email protected]

Bấm vào Đây để mua Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

MỚI CẬP NHẬT