Thursday, March 28, 2024

Việt Nam muốn Philippines đàm phán đa phương với Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) – Hà Nội khuyến cáo Philippines nên đàm phán đa phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.

Một bài báo trên báo điện tử Rapler của Philippines thuật lại lời một số viên chức cấp cao tháp tùng Tổng Thống Rodrigo Duterte đến Việt Nam nói với báo chí như vậy trong ngày thứ hai và là ngày cuối cùng của chuyến thăm chính thức với hy vọng nâng mối quan hệ giữa hai nước về mọi mặt.

Theo nguồn tin này, Tổng Thống Philippines Duterte đã giải thích cho ông Trần Ðại Quang, chủ tịch nước CSVN, về lý do tại sao ông chủ trương đàm phán song phương với Bắc Kinh.

“Tiếp xúc song phương với Trung Quốc là cần thiết vì phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế không có khả năng thực thi hoặc một cơ chế nào của chính nó.” Ngoại trưởng Philippines, Perfecto Yasay Jr., nói với báo chí khi thuật lại kết quả cuộc họp giữa ông Duterte và ông Trần Ðại Quang.

Phía Việt Nam thì muốn thúc đẩy song song vừa đàm phán song phương vừa đàm phán đa phương, theo lời một thành viên của phái đoàn ông Duterte.

Nghị Sĩ Alan Peter Cayetano tháp tùng trong chuyến đi nói với báo chí thì có vẻ như các lãnh đạo của Việt Nam thúc đẩy nhà lãnh đạo Philippines đàm phán đa phương.

“Việt Nam nói rằng chúng ta nên đàm phán giải quyết (tranh chấp biển đảo) xuyên qua các nguyên tắc của ASEAN và chúng ta nên có các đàm phán đa phương và song phương qua (cơ chế) của ASEAN,” Nghị Sĩ Cayetano thuật lại lời của ông Trần Ðại Quang.

Tuy nhiên, ông Yasay giải thích rằng lập trường của Việt Nam và Philippines không trái ngược nhau mà có gặp nhau về tranh chấp chủ quyền. Lãnh tụ của hai nước đồng quan điểm về cách giải quyết tranh chấp chủ quyền phải dựa trên luật lệ đồng thời với tiến trình ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.

Theo báo Philippines cả hai bên đồng ý là phải tránh “các hành động khiêu khích.”

“Chúng ta phải kềm chế hơn trong cách cư xử, trong các hành động để bảo đảm là không có hành động khiêu khích nào dẫn đến tổn hại cho sự dàn xếp ôn hòa các cuộc tranh chấp,” ông Yasay nói.

Lập trường của tân Tổng Thống Duterte khác với người tiền nhiệm. Ông có nhiều lời tuyên bố ngạc nhiệm cho Mỹ, nước có hiệp định an ninh chung với Philippines, khi loan báo sẽ mua vũ khí của Trung Quốc, với Nga bên cạnh việc đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Không những vậy, ông còn bắn tiếng sẽ hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Mỹ mà lần tập trận chung vào tháng 10 tới sẽ là lần cuối cùng của lực lượng Philippines.

Kết thúc cuộc thăm viếng của ông Duterte, Việt Nam và Philippines ra một bản thông cáo chung trong đó hai bên “tái khẳng định việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Philippines vào tháng 11, 2015 là nhằm nâng cấp và tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, đồng thời khai thác những điều kiện thuận lợi để phát triển và theo đuổi những lợi ích chiến lược chung.”

Tuy nhiên, sự nóng nảy và những lời tuyên bố bất bình thường của ông Duterte làm người ta nghi ngờ khả năng tiến tới của bản hiệp định đối tác chiến lược đã được thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái khi ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) tới Manila gặp Tổng Thống Benigno Aquino.

“Việt Nam rất hứng khởi khi thấy ở Philippines một người bạn mới dưới thời Tổng Thống Aquino. Tuy nhiên, những lời phát ngôn đầy cảm tính của ông Duterte đối với Hoa Kỳ đã làm cho Hà Nội hơi quan ngại.” Ông Murray Hiebert, một chuyên viên phân tích tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington nhận định trên Reuters.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, một phân tích gia tại Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore thì Việt Nam hơi lo về chính sách ngoại giao của ông Duterte với Trung Quốc. Bởi vì nó gây trở ngại cho nỗ lực chung của khu vực muốn tạo lập trường chung về chuyện biển đảo.

“Việt Nam không muốn ông Duterte thỏa thuận riêng với Trung Quốc để làm thiệt hại cho Việt Nam và các nước khác có tranh chấp,” ông Hiệp nói với Reuters. (TN)

MỚI CẬP NHẬT