Tuesday, April 16, 2024

Bội chi ngân sách của Việt Nam ‘nhanh và mạnh như hỏa tiễn’

HÀ NỘI (NV) – Hồi tháng 8, so sánh thu-chi ngân sách của chính quyền Việt Nam, bội chi là 115,000 tỉ. Ðến giữa tháng 10, các số liệu thu-chi ngân sách cho thấy, bội chi đã tăng thành 188,400 tỉ!

Nói cách khác, chỉ trong vòng sáu tuần (từ cuối tháng tám đến giữa tháng 10), chênh lệch thu-chi ngân sách của Việt Nam đã tăng thêm 73,400 tỉ đồng.

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam thu được 736,400 tỉ đồng nhưng đã chi 924,800 tỉ đồng (khoảng 41.4 tỉ Mỹ kim).

Sở dĩ nguồn thu giảm, thua xa mức dự thu vì giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực nên nguồn thu từ thuế xuất cảng và nhập cảng giảm. Mức dự thu giảm còn vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh thiếu hiệu quả, thua xa mức dự trù (đến giữa tháng 10 mà mức đóng góp cho ngân sách mới chỉ được 58% mức dự trù).

Còn lý do chi tiêu tăng, khiến chênh lệch thu-chi tăng (bội chi) là vì số tiền phải trả cả vốn lẫn lãi cho các khoản vay càng lúc càng lớn. Từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam đã phải chi khoảng 180,000 tỉ vào việc trả nợ. Nếu tính chung cho cả năm 2016, số nợ vốn và lãi Việt Nam phải trả cho các khoản nợ khoảng 12 tỉ Mỹ kim.

Hồi tháng 9, Bộ Tài Chính Việt Nam từng thú nhận là họ không cân đối được thu chi bởi các nguồn thu quan trọng cùng giảm còn các khoản chi đều tăng hơn 5%. Trong đó, chi tiêu cho việc duy trì hoạt động của hệ thống công quyền tăng thêm khoảng 6% (511,000 tỉ) so với cùng kỳ năm 2014. Riêng chi trả nợ thì tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong vòng mười năm gần đây, Việt Nam liên tục mất cân đối về ngân sách. Bội chi diễn ra thường xuyên.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, nợ của Việt Nam đã lên tới 110 tỉ Mỹ kim. Mức lãi phải trả cho các khoản nợ nay đã chiếm 7.2% tổng chi ngân sách, lấn át nhiều khoản thiết yếu khác. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam do WB thực hiện và công bố thì tình trạng mất cân đối tài chính kéo dài trong nhiều năm là rất đáng ngại, đặc biệt khi nợ nần của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ nợ nần tăng nhanh là vì chính quyền Việt Nam phải liên tục đi vay để bù đắp sự thiếu hụt do kinh tế suy thoái và đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Bởi Việt Nam sẽ không thể vay các khoản có tính ưu đãi như trước nên việc vay mượn mang tính thương mại sẽ khiến chi phí đối với các khoản vay để đầu tư lớn hơn và áp lực về việc kiếm cho ra tiền để trả lãi sẽ rất nặng nề.

Trong bối cảnh như thế, chi tiêu cho hệ thống công quyền vẫn tăng chứ không giảm. Tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, không giấu được sự lo âu khi “cơ cấu ngân sách quá xấu,” lương cho các loại công chức ngốn hơn 55% tổng chi tiêu. Chính quyền Việt Nam sử dụng đến 72% ngân sách cho những chi tiêu có tính chất thường xuyên (chi tiêu để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền).

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 31 tháng 10 năm 2016

Ngân sách Việt Nam chỉ còn 28% vừa cho đầu tư-phát triển, vừa trả nợ vừa thực hiện những mục tiêu khác. Trong khi về nguyên tắc, không chi cho đầu tư-phát triển sẽ không thể giữ sự ổn định của các nguồn thu và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nhận định, cơ cấu ngân sách như thế là rất xấu.

Nhằm bù đắp thâm thủng ngân sách, hệ thống công quyền của Việt Nam liên tục đặt định các loại thuế, phí mới, đồng thời tăng thuế và phí, bất kể điều đó vắt kiệt sức dân và đẩy doanh giới vào tuyệt lộ bởi không còn khả năng cạnh tranh. Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài Chính Việt Nam, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26.2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á.

Quỹ Tiền Tệ quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1.2-1.8 lần so với các quốc gia trong khu vực. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT