Tuesday, April 23, 2024

Đổ bùn ra biển: Chưa cho chứ không phải là cấm

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, phó tổng giám đốc công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 (VTPC1), vừa xác nhận với báo Thanh Niên là VTPC1 chưa nhận được giấy phép đổ hàng triệu khối bùn ra biển.

Giới hữu trách cho biết, họ đang xem xét chứ không bác kế hoạch của VTPC1.

Nói cách khác, phản ứng của dân chúng và các chuyên gia chỉ có hiệu quả nhất thời: Khiến việc đổ bùn ngưng trệ.

VTPC1 là một liên doanh giữa Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc (phía Trung Quốc đóng góp 95% vốn đầu tư), được cấp giấy phép đầu tư một cụm nhà máy dùng than để phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

VTPC1 đã được phép nạo vét để xây dựng cảng riêng nhằm tiếp nhận than. Việc cho phép xây dựng cụm nhà máy phát điện bằng than và cảng làm phát sinh 1.5 triệu khối vừa bùn, vừa chất thải và VTPC1 muốn đem ra biển đổ. Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt dự tính này vào năm 2010.

Cả dân chúng lẫn nhiều chuyên gia phản đối kịch liệt dự tính ấy bởi vì nó sẽ hủy diệt vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận.

Phản ứng dữ dội tới mức hồi Tháng Hai vừa qua, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường phải tổ chức một cuộc tọa đàm, thu thập ý kiến của các nhà khoa học về đề nghị của VTPC1.

Theo các chuyên gia, nếu gật đầu với đề nghị của VTPC1 thì 30 hécta đáy biển ở vùng biển Tuy Phong sẽ bị phủ một lớp chất thải dày tới ba mét.

Tuy VTPC1 có khảo sát, đánh giá tác động của việc đổ bùn xuống biển nhưng các chuyên gia Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt điểm bất ổn trong kết quả khảo sát, đánh giá mà công ty này đã thực hiện. Chẳng hạn, việc khảo sát, đánh giá dựa trên tài liệu quan trắc thủy triều do một công ty tư vấn của Trung Quốc phát hành.

Các tài liệu nghiên cứu của Viện Hải Dương Học Việt Nam và những tài liệu về vùng nước trồi (cách gọi một hiện tượng hải dương, chỉ dòng nước lạnh đặc quánh di chuyển thường xuyên từ phía dưới đáy biển lên tầng cao hơn, thế chỗ cho dòng nước ấm hơn) ở khu vực Tuy Phong, Bình Thuận bị loại bỏ.

Khi mô phỏng quá trình lan truyền sau hoạt động đổ chất thải, công ty tư vấn của Trung Quốc cũng chỉ tính yếu tố gió mà bỏ qua sự lan tỏa của chất thải do tác động của các dòng hải lưu trong khu vực nên không đánh giá và hình dung hết tác hại. Chưa kể công ty tư vấn của Trung Quốc chỉ đánh giá tác động trong phạm vi xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong mà không tính đến tác động trong cả khu vực.

Các chuyên gia lưu ý, cộng đồng quốc tế quy định rất rõ về việc chôn chất thải ở biển, thành ra phải xem xét việc cho đổ 1.5 triệu khối chất thải của VTPC1 có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không. Họ nói thêm, tác động của việc đổ xuống biển một lượng chất thải lớn như vậy sẽ phá vỡ toàn bộ chu trình sinh lý hóa của cả một vùng biển.

Do Bình Thuận là vùng nước trồi rất lớn nên ảnh hưởng của việc đổ chất thải sẽ rộng. Khi nước biển bị đục thì ánh sáng bị cản trở, ngăn chặn quá trình quang hợp, lưu thông khí, biến môi trường sống thành môi trường chết, phải mất hàng trăm năm mới có thể hồi phục. Thành ra phải tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, hệ thống công quyền phải thẳng thắn, khách quan, không thể áp đặt.

Đại diện Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cũng cho rằng, nếu cho phép xả 1.5 triệu khối bùn xuống vùng biển Tuy Phong, họ sẽ thay đổi quy hoạch, không chọn Bình Thuận làm một trong những nơi cung cấp tôm giống để thực hiện chiến lược nâng kim ngạch xuất cảng tôm lên $10 tỷ nữa. Thậm chí có thể sẽ phải tính lại cả việc thực hiện các dự án quốc tế để bảo tồn nguồn giống các loại cá di cư theo vùng nước trồi ở Tuy Phong.

Vào lúc này, tại Tuy Phong chỉ mới có nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 nhưng trong tương lai ở đó sẽ có đến bốn nhà máy tương tự.

Tại một hội nghị về môi trường vào Tháng Tám, 2016, đại diện Bộ Xây Dựng loan báo áp lực về xử lý tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy phát điện bằng than và các nhà máy hóa chất đang càng ngày càng lớn.

Mỗi năm, nhóm nhà máy này, đặc biệt là các nhà máy phát điện bằng than thải ra khoảng 10 triệu tấn tro xỉ, thạch cao nhưng khả năng xử lý chất thải của Việt Nam hiện chỉ chừng 30%. Cũng vì vậy, lượng tro xỉ, thạch cao chưa xử lý, đang tồn đọng hiện đã là 15 triệu tấn. Lượng tro xỉ, thạch cao sẽ tăng rất nhanh với khối lượng lớn.

Trong 10 năm gần đây, các chuyên gia về kinh tế, môi trường ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã liên tục khuyến cáo chính quyền Việt Nam nên gạt bỏ các dự án xây dựng nhà máy phát điện bằng than vì chúng sẽ hủy diệt môi trường. Những nhà máy đốt than để phát điện sẽ thải vào không khí, nước, đất vô số chất độc nguy hại cho môi trường sống như: tro, bụi, chì, thạch tín, thủy ngân, cadmium, selenium… khiến các loại bệnh về đường hô hấp, ung thư gia tăng, tạo ra mưa acid, hủy diệt nông nghiệp, ngư nghiệp, thúc đẩy khí hậu biến đổi nhanh hơn theo chiều hướng tệ hại hơn. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế ước tính rằng mỗi kWh được phát từ các nhà máy nhiệt điện dùng than sẽ làm chi phí y tế tăng thêm $0.17… Tuy nhiên chính quyền Việt Nam không thèm đếm xỉa đến những khuyến cáo này.

Sài Gòn ngập, miền Tây mưa lớn, miền Trung nắng nóng

Việt Nam hiện có 20 nhà máy phát điện bằng than và chính quyền Việt Nam cương quyết nâng con số này lên 32 vào năm 2020 rồi lên 51 vào năm 2030. Ba năm nữa, mỗi năm Việt Nam sẽ đốt 63 triệu tấn than/năm. Đến 2030, khối lượng than được đốt sẽ là 129 triệu tấn/năm.

Bởi vì các nhà máy phát điện bằng than cần một lượng nước rất lớn cho hệ thống làm mát, chưa kể việc đặt sát biển sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển than nhập cảng nên đa số nhà máy phát điện bằng than đều được đặt sát biển, thậm chí nằm sát các khu bảo tồn biển (khu vực cấm tất cả các hình thức tác động để duy trì sự đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn lợi từ biển).

Tin mới nhất liên quan đến kế hoạch đổ hàng triệu tấn bùn ra biển của VTPC1 là giới hữu trách đang đòi VTPC1 “bổ sung đánh giá các tác động đến môi trường.” Có thể họ sẽ đề nghị công ty này đổ bùn ở xa hơn để không ảnh hưởng tới khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Đáng chú ý là theo tờ Thanh Niên, VTPC1 đang đổ bùn ở một số nơi khác ngoài khơi vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân nhưng chưa hề báo cáo. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT