Thursday, March 28, 2024

Cam kết ‘đổi mới chính trị’ nhưng Việt Nam vẫn không có tự do

Kết quả cuộc khảo sát về “Tự do trên thế giới 2017” do Freedom House thực hiện tại 195 quốc gia, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia “không có tự do.”

“Tự do trên thế giới 2017” chia 195 quốc gia thành ba nhóm: Nhóm quốc gia tự do (87 quốc gia), nhóm quốc gia có sự hạn chế về tự do (59 quốc gia), và nhóm không có tự do (49 quốc gia).

Freedom House phân nhóm dựa vào thang 100 điểm. Theo thang điểm đó, Việt Nam chỉ được 20/100.

Đối với hai tiêu chí: Tôn trọng các quyền tự do chính trị và tôn trọng các quyền tự do dân sự, Việt Nam cùng ở mức 7/7 – mức thấp nhất.

Tuy nhà cầm quyền Việt Nam liên tục cam kết “đổi mới về chính trị,” tôn trọng và nỗ lực thăng tiến nhân quyền nhưng theo Freedom House, tự do ở Việt Nam không hề có bất kỳ chuyển biến tích cực nào. Nghĩa là tại Việt Nam vẫn không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do trên mạng Internet.

Chẳng riêng Freedom House, các tổ chức quốc tế khác được thành lập và hoạt động vì nhân quyền cũng liên tục cảnh báo về tình trạng tồi tệ của nhân quyền tại Việt Nam. Thậm chí Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng vài lần nhưng chính quyền Việt Nam vẫn trơ ra cùng tuế nguyệt.

Cuối năm ngoái, Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc khuyến cáo chính quyền Việt Nam loại bỏ hàng loạt tội trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” khỏi Luật Hình Sự của Việt Nam.

Theo đó, các Điều 79 (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), Điều 245 (gây rối trật tự công cộng), Điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước) trong Luật Hình Sự hiện hành của Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn về nhân quyền của cộng đồng quốc tế.

Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã dẫn một số trường hợp rất cụ thể như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), ông Nguyễn Văn Đài và cộng sự là cô Lê Thu Hà, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm) và cộng sự là cô Nguyễn Thị Minh Thúy, hai anh em Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An,… nhằm chứng minh, bất kỳ công dân nào của Việt Nam cũng bị biến thành tội phạm hình sự khi họ dùng các quyền tự do căn bản để bày tỏ ý kiến hay chất vấn chính phủ. Sự mơ hồ của các điều vừa kể trong luật hình sự giúp chính quyền Việt Nam dễ dàng dập tắt những ý kiến chỉ trích bằng cách tống giam và phạt tù.

Nghi án tham nhũng triệu đô ở dự án nhà máy xử lý nước thải tại Việt Nam

Cao Ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức những cá nhân đang bị giam giữ vì bị kết án dựa theo các điều vừa kể song chẳng có ai được trả tự do. Sát Tết âm lịch năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam còn tống giam thêm một số người nữa như bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Hóa,… (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT