Friday, March 29, 2024

Đối phó ‘bội chi,’ Việt Nam tăng cường thu thuế

VIỆT NAM – Bộ Tài Chính Việt Nam vừa chỉ đạo là từ nay đến cuối năm, Cục Thuế của 13/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải thu thêm để nộp cho công khố 23,800 tỷ đồng.

Để đối phó với tình trạng bội chi (chi ra nhiều hơn thu vào) càng lúc càng trầm trọng, phải liên tục vay thêm tiền để duy trì sự ổn định trong hoạt động của hệ thống quyền, “chỉ tiêu thu nộp ngân sách” đối với Cục Thuế của các tỉnh, thành tại Việt Nam càng ngày càng cao và gia tăng không ngưng nghỉ.

Bất chấp thực tế là tất cả các giới từ doanh nhân đến nông dân đã kiệt sức, ngay cả viên chức ngành thuế cũng ái ngại khi nâng mức thuế, lệ phí, ông Đinh Tiến Dũng, bộ trưởng Tài Chính, tuyên bố, viên chức nào của ngành thuế “thỏa hiệp với địa phương” sẽ bị kỷ luật.

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn thì sức ép từ việc tăng các khoản thu nộp ngân sách đang đè nặng lên Cục Thuế của nhiều tỉnh, thành phố. Cục trưởng Cục Thuế của thành phố Cần Thơ cho biết, năm nay, tuy “chỉ tiêu thu nội địa” đã tăng thêm 5.8% so với thực thu của năm ngoái nhưng mới đây, “chỉ tiêu thu nội địa” vừa được nâng từ 7,535 tỷ đồng lên thành 8,100 tỷ đồng, tính ra từ nay đến cuối năm, các viên chức ngành thuế ở thành phố Cần Thơ phải vắt từ đâu đó ra cho bằng được 565 tỷ đồng nữa.

Cần lưu ý rằng, chỉ năm ngoái, trong 6,500 doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ đã có 348 cơ sở sản xuất – dịch vụ không phát sinh doanh số (tạm ngưng hoạt động hay đóng cửa do phá sản), 1,082 doanh nghiệp thua lỗ nhưng nếu trước, mức tăng “chỉ tiêu thu nội địa” của thành phố Cần Thơ chỉ từ 10% đến 12%/năm thì giờ không những không giảm mà còn vọt lên 15%/năm.

Một điểm khác cũng cần lưu ý là dù thú nhận “nhiệm vụ năm nay vô cùng khó khăn” song ông Võ Kim Hoàng, Cục Trưởng Cục Thuế của thành phố Cần Thơ, khẳng định, đơn vị của ông “sẽ hoàn thành nhiệm vụ.”

Giống như thành phố Cần Thơ, Kiên Giang là một trong 13 tỉnh, thành vừa nhận được chỉ đạo phải tăng mức thu nộp cho công khố. Ông Nguyễn Quốc Cường, cục trưởng Cục Thuế Kiên Giang, phân trần, năm nay, tỉnh này bị thiệt hại trầm trọng do hạn hán và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, dẫu thiên tai làm 70% dân số Kiên Giang điêu đứng, tỉ lệ tăng trưởng của nông nghiệp là âm (giảm hơn mức thông thường) nhưng “chỉ tiêu thu nội địa” vẫn tăng. Ông Cường – người đứng đầu một trong 10 Cục Thuế từng dẫn đầu về việc thu nộp cho công quỹ, thú nhận, rất khó để đạt được yêu cầu của Bộ Tài Chính. Không thể tăng thu bằng cách buộc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất cảng thủy sản nộp thêm. Cưỡng chế tài sản để tăng thu cũng bất khả thi vì doanh nghiệp đã đem tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay tiền cầm cự. Ông Cường nhấn mạnh, không thể ráng cưỡng chế được vì phải tạo điều kiện để họ sống!

Tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn kể rằng, một cựu Bộ Trưởng Tài Chính vừa tâm tình với các viên chức đang tại nhiệm rằng, ông ta thấy “thương” cả ngành thuế lẫn doanh giới. Viên cựu bộ trưởng Tài Chính này khuyến cáo, không thể cứ mải miết thu thuế, tìm mọi cách để đạt và vượt “chỉ tiêu” rồi vung tiền qua cửa sổ.

Mời độc giả xem thêm video: Hậu Giang “triệu tập” ông Trịnh Xuân Thanh

Tuy kinh tế suy thoái đã hàng chục năm, số doanh nghiệp xin phá sản, tạm ngưng hoạt động hay tự thu hẹp hoạt động để cầm cự liên tục tăng chóng mặt song cũng trong chừng đó năm, năm nào các khoản thu nộp cho công quỹ cũng “vượt chỉ tiêu” khoảng 10%. Đó cũng là lý do Việt Nam vượt lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức thuế, phí mà dân chúng và doanh giới phải đóng.

Dẫu các khoản thu nộp cho công quỹ luôn “vượt chỉ tiêu” nhưng tỉ lệ bội chi, nợ nần luôn luôn tăng ngoài dự kiến, tăng không kiểm soát được. Năm ngoái trước thực trạng đáng ngại về bội chi và nợ nần, ái ngại cho năng lực tài chính quốc gia, Quốc Hội Việt Nam đã loại bỏ 14/16 chương trình được xem là “mục tiêu quốc gia.”

Trong bối cảnh hết dự án ngàn tỷ này tới dự án hàng chục ngàn tỷ khác không sinh lợi, đẩy tỷ lệ bội chi/GDP tiếp tục tăng từ 5.7% GDP lên mức 6.6% GDP hồi tháng 8 vừa qua, nợ nần quốc gia từ mức 2.6 triệu tỷ đồng có thể thành 3 triệu tỷ đồng vào cuối năm nay, chính phủ Việt Nam tiếp tục phê duyệt 21 chương trình được xem là “mục tiêu quốc gia” với hàng loạt dự án đầu tư từ nay đến 2021 có tổng trị giá khoảng 900,000 tỷ đồng.

Nói cách khác “chỉ tiêu thu nội địa” sẽ còn tăng. Chết sẽ không còn đơn lẻ mà là chết chùm. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT