Thursday, March 28, 2024

‘Côn đồ’ đánh đập phụ nữ tưởng niệm Lưu Hiểu Ba ở Sài Gòn

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một thành viên phong trào dân chủ tại Việt Nam hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy, bị công an giả dạng côn đồ đánh trên đường về nhà sau khi dự tưởng niệm nhà đấu tranh dân chủ Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Bà Ngô Kim Hoa, có trang Facebook cá nhân dưới bút hiệu Sương Quỳnh, đã bị một nhóm hơn chục người là công an vây đánh hôm tối Chủ Nhật ở một khu vực đường Nguyễn Thị Định thuộc quận 2, Sài Gòn, sau khi dự lễ tưởng niệm nhà đấu tranh dân chủ Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc mới qua đời ngày 13 Tháng Bảy được tổ chức tại tư gia của Giáo Sư Tương Lai.

Bà kể lại sự việc trên trang Facebook và cho mọi người thấy vết thương do bị hành hung. Một điều đặc biệt là rất đông người dân ở địa phương xông ra đánh nhau với đám người của công an mặc thường phục mà người ta tưởng là một bọn cướp xe máy của bà Sương Quỳnh.

Trong một video clip dài hơn 15 phút, Facebooker Sương Quỳnh tường thuật chi tiết bà bị hành hung thế nào và được người dân địa phương cứu ra sao. Nếu không được cứu giúp, rất có thể thương tích của bà còn nặng hơn nữa khi đám công an giả dạng côn đồ vẫn còn cơ hội thẳng tay và ngang nhiên đánh người trên đường phố.

“Khi tôi đến đường Nguyễn Thị Định để rẽ về quận 2, tôi đang vòng về Nguyễn Thị Định đang tính hỏi đường thì lập tức có khoảng một chục thanh niên xông vào, họ đạp tôi ngã xe xuống. Tôi lập tức la lên là ‘Cướp xe! Cướp xe.’ Nhưng mà cũng phải đến năm tới sáu người xông vào đánh tôi. Họ đánh liên tục, đấm đá vào vai, vào lưng và đạp vào chân tôi. Họ đánh vào đầu tôi nhưng do có mũ bảo hiểm,” bà Sương Quỳnh kể trong video clip.

Bà Sương Quỳnh kể tiếp: “Lúc ấy, tôi cũng bất ngờ, mới đầu tôi cũng nghĩ là cướp thì họ chẳng đụng chạm gì tới xe tôi cả, nhưng người dân quanh đó người ta thấy có một mình tôi nên xông ra rất là nhiều. Bốn, năm người mang gạch, ngói xông vào đánh mấy thằng kia. Thậm chí có người mang cả gậy gộc ra. Lúc đấy tôi nghe có tiếng nói là ‘Nhầm rồi! Nhầm rồi. Bọn tôi là công an. An ninh. Bọn tôi đánh phản động.’ Nhưng người dân bất kể, họ không tin, họ vẫn xông vào họ đánh và đánh nhau rất là kinh khủng. Lúc đấy tôi thấy lôi cả kiếm cả gậy gộc.”

Theo lời bà kể, khi đám “công an – côn đồ” thấy dân túa ra đông quá đã lên xe bỏ chạy. Trong đám người hành hung, bà Sương Quỳnh nói: “Tôi có nhìn thấy một người tôi rất quen mặt mà tôi cho là an ninh thường xuyên theo dõi tôi.”

Theo bà thuật lại trong clip, một người dân chạy đi báo công an thì công an phường có ba người chạy tới. Bà kể: “Một người dân mới hỏi chị là cái gì mà họ nói chị là phản động. Mà lúc mà bọn em đánh thì nó bảo là công an. Em thấy chị la cướp cướp thì em nghĩ là bọn cướp nó giả dạng thôi. Tôi nhân luôn, nói chị hay đi biểu tình chống Trung Quốc nên bọn công an nó đánh chị đó. Tôi nói với người dân như thế.”

Facebooker Sương Quỳnh với vết thương trên tay do bị công an CSVN giả dạng côn đồ đánh ở Sài Gòn hôm tối Chủ Nhật, 16 Tháng Bảy. (Hình: Cắt từ clip Sương Quỳnh)

Theo lời bà kể, trong đám “viện binh” của công an đến sau, có những người mang cả mã tấu, kiếm, gậy gộc đánh nhau với mấy người dân bênh vực bà. Nhờ chạy lánh vào trong nhà một người dân nên bà không bị hành hung thêm. Bà từ chối tới trụ sở công an phường để trình báo vì một phần không tin sẽ được giúp đỡ điều tra, truy tố các kẻ hành hung, phần khác sợ còn có thể bị đánh tiếp.

“Tôi thì nói với các anh công an rằng những trò hèn hạ này chỉ làm nhục các anh thôi. Những trò hèn hạ này của các anh không làm chúng tôi sợ, không làm chúng tôi nhụt chí, mà chỉ để cho thế giới càng nhìn thấy cái sự đê hèn của các anh mà thôi,” bà kể lại lời nói với người công an địa phương.

Ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) một biểu tượng của phong trào đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Trung Quốc qua đời ngày 13 Tháng Bảy, thọ 61 tuổi, sau khi được nhà cầm quyền độc tài nước này tạm tha cho về nhà khi đã bị ung thư gan giai đoạn cuối đang chờ chết.

Ông là tác giả nhiều bài viết phổ biến trên mạng kêu gọi nhà cầm quyền Cộng Sản trả lại các quyền tự do chính trị, báo chí, hội họp, tự do phát biểu cho dân chúng. Ông bị nhà cầm quyền Bắc Kinh tống giam năm 2008 và sang năm sau kết án 11 năm tù với tội âm mưu lật đổ chế độ. Năm 2010 ông được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình nhưng không được cho đi Thụy Điển để nhận giải.

Ông là một giáo sư đại học ở miền Đông Bắc Trung Quốc khá nổi tiếng, được mời sang giảng dạy ở Đại Học Columbia, New York. Khi bùng nổ vụ biểu tình đòi dân chủ ở Trung Quốc, năm 1989, ông bay về nước tham dự các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, sau trở thành một nhân vật đấu tranh hàng đầu tại Trung Quốc.

Cũng như Trung Quốc bưng bít hết thông tin về Lưu Hiểu Ba, khổ nạn của ông và danh tiếng của ông trên thế giới, Việt Nam cũng bưng bít mọi thông tin về Lưu Hiểu Ba nhưng nhiều người tại Việt Nam vẫn có thông tin khi vượt được tường lửa, cập nhật thông tin trên thế giới.

Ông Tương Lai đã tổ chức một buổi tưởng niệm tại Sài Gòn với sự tham dự của một trong người, gồm cả những người từng là các bộ đảng viên Cộng Sản, nay đã bỏ đảng. Theo lời bà Sương Quỳnh, khi cuộc tưởng niệm diễn ra, bà đã thấy có nhiều an ninh canh chừng chung quanh và không ngờ bà lại là người bị hành hung.

Trước đó, hồi đầu Tháng Năm vừa qua, một bọn côn đồ đã xông vào tư gia của một phụ nữ ở Sài Gòn hành hung bà Lê Mỹ Hạnh, một người từng tham gia các cuộc biểu tình ở Hà Nội bảo vệ môi trường, chống Trung Quốc. Bà Mỹ Hạnh vào Sài Gòn chuẩn bị tham dự một cuộc đi bộ xuyên Việt với một nhóm bạn thì bị đánh. Bà cũng bị đánh tại quận 2, trên đường Trần Não. (TN)

MỚI CẬP NHẬT