Friday, April 19, 2024

Công an, biên phòng Hà Tĩnh mời gọi Formosa ‘phối hợp chặt chẽ’

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Chỉ huy công an và biên phòng Hà Tĩnh vừa thảo luận với Formosa về an ninh trật tự khi tập đoàn này vận hành lò thứ nhất, chính thức sản xuất thép ở Khu Công Nghiệp Vũng Áng.

Theo tường thuật trên trang web của Công An tỉnh Hà Tĩnh, buổi thảo luận diễn ra vào chiều 17 Tháng Năm. Phía Hà Tĩnh có giám đốc, phó giám đốc Công An tỉnh và đại diện Bộ Chỉ Huy Biên Phòng tỉnh. Mục tiêu chính của việc gặp gỡ là tìm giải pháp để sự phối hợp giữa “các lực lượng chức năng” ở Hà Tĩnh với Formosa “chặt chẽ và hiệu quả hơn.”

Ông Phạm Văn Sao, giám đốc Công An tỉnh, đưa ra hàng loạt đề nghị với Formosa: Quản lý cán bộ, người lao động tốt hơn; kiểm soát ra vào chặt chẽ hơn; yêu cầu công nhân cam kết không tham gia tụ tập, biểu tình; khi xảy ra “tình huống phức tạp,” Formosa cần huy động lực lượng để phối hợp với giới hữu trách tại Hà Tĩnh để “bảo đảm an ninh trật tự”…

Khi tường thuật về cuộc gặp gỡ vừa kể, Công An tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: “Formosa đã cám ơn sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian vừa qua.”

Sự kiện vừa kể cho thấy, Formosa sẽ sớm vận hành nhà máy thép của tập đoàn này tại Vũng Áng.

Thảm họa môi trường hồi Tháng Tư năm ngoái khiến cá chết trắng vùng biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung xảy ra sau khi Formosa vận hành thử lò thứ nhất.

Tin mới nhất liên quan đến thảm họa đó là từ Tháng Tám, 2016, đến nay, dù liên tục khẳng định “biển đã sạch” nhưng ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng, mới ra lệnh “Chưa khai thác hải sản ở đáy vùng biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế).” Phạm vi “chưa khai thác hải sản ở tầng đáy” là “20 hải lý tính từ bờ.”

Tờ Thanh Niên cho biết, lý do ông Bình công bố lệnh cấm này là vì “có thể tầng đáy vẫn còn tồn lưu ô nhiễm từ ‘sự cố Formosa’ chưa hòa tan hết” nên cần “bảo vệ nguồn lợi hải sản.” Thời hạn duy trì lệnh cấm sẽ kéo dài cho đến khi “Bộ Y Tế có kết luận chính thức rằng hải sản ở tầng đáy đã bảo đảm an toàn thực phẩm và nguồn lợi hải sản ở tầng đáy về cơ bản đã phục hồi.”

Cũng theo tờ Thanh Niên thì ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cho rằng việc cấm khai thác hải sản ở tầng đáy trong phạm vi 20 hải lý tính từ bờ là nhằm “Giúp người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hải sản khai thác được ở khu vực bốn tỉnh phía Bắc miền Trung từng bị nhiễm độc.”

Ông Tám nói thêm, lệnh cấm còn nhằm giúp quá trình phục hồi hệ sinh thái đáy biển diễn ra nhanh hơn. Ông cũng thú thật: “Dù Bộ Tài Nguyên-Môi Trường công bố nước biển đã sạch nhưng hệ sinh thái dưới đáy biển như các vỉa, rạn san hô là môi trường sống của nhiều loại hải sản bị phá hủy trước đây vẫn chưa thể hồi phục trở lại.”

Bất chấp phản đối của dân chúng Việt Nam, hồi đầu tháng trước, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh loan báo, sau ba ngày (từ mùng 3 đến mùng 5 Tháng Tư) kiểm tra quá trình khắc phục “sự cố môi trường” do Formosa gây ra, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường kết luận: “Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi, chỉ còn một hạng mục từ dập cốc ướt sang dập cốc khô sẽ hoàn thành vào năm 2019.” Cũng vì vậy, Formosa có thể vận hành lò thứ nhất. (G.Đ)

 

Du lịch Việt Nam rối loạn vì du khách Trung Quốc tràn ngập

MỚI CẬP NHẬT