Thursday, April 25, 2024

Công an tra tấn nghi can vẫn phổ biến tại Việt Nam

SÀI GÒN (NV) – Công an vẫn ngang nhiên đánh đập, tra tấn người nào bị họ bắt để điều tra, không hề tuân theo quy định mà Bộ Công An CSVN đã yêu cầu các nơi thi hành.

Theo Luật Sư Võ An Đôn phổ biến trên trang Facebook cá nhân hôm Thứ Ba, một người đàn ông ở tỉnh Đắc Nông bị nghi ngờ liên quan đến số đề đã bị đánh trọng thương khi bị bắt đi thẩm vấn. Luật Sư Đôn thuật lại chuyện này với một video clip đi kèm về nạn nhân đang được điều trị ở bệnh viện.

“Hôm nay 22 Tháng Mười Một, 2016, chị Lê Thị Thìn là vợ anh Võ Hướng đến nhờ tôi tố cáo việc chồng chị bị công an huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông đánh trọng thương đang cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy hơn 10 ngày nay.”

Trang Facebook của ông Đôn viết như vậy và kể tiếp rằng “Qua tìm hiểu chị Thìn cho biết: ngày 10 Tháng Mười Một, 2016, công an huyện Tuy Đức mời anh Võ Hướng đúng 14 giờ đến trụ sở làm việc. Đến 16 giờ cùng ngày thì chị Thìn nhận được tin báo chồng chị đang cấp cứu tại bệnh viện huyện Tuy Đức.”

Luật Sư Đôn cho biết, “Hai ngày sau thì anh Hướng tỉnh dậy kể cho chị Thìn và nhiều người nghe sự việc như sau: Công an huyện Tuy Đức đang điều tra ông Hiển ghi số đề, trong điện thoại ông Hiển có lưu tên Huong So, vì nghi ngờ Huong So là tên anh Hướng nên công an mời anh Hướng đến làm việc.”

Luật Sư Đôn kể tiếp rằng “Khi vào trụ sở công an huyện Tuy Đức, anh Hướng gặp công an Nguyễn Trí Sỹ hỏi về số điện thoại rồi đánh anh Hướng một cái vào mặt, sau đó gọi ông Hiển đến đối chứng, nhưng ông Hiển nói Huong So là tên một người đàn ông trên 50 tuổi chứ không phải là anh Hướng.”

“Một lúc sau thì công an tên Phùng Danh Quảng vào phòng làm việc, ông Quảng bảo ông Sỹ ra ngoài lấy còng số 8 còng tay anh Hướng lên cửa sổ, vì cho rằng anh Hướng cứng đầu không nhận tội. Khi ông Sỹ vừa đi ra ngoài thì ông Quảng đóng tất cả các cửa phòng làm việc lại. Bất ngờ từ phía sau ông Quảng dùng tay đánh nhiều cái vào đầu anh Hướng, làm anh Hướng ngất xỉu.”

Theo luật sư Võ An Đôn “Chỉ vì nghi ngờ trong tin nhắn điện thoại của người ghi số đề có lưu tên Huong So mà công an huyện Tuy Đức mời anh Võ Hướng đến làm việc và đánh đến trọng thương là phạm tội dùng nhục hình.”

Cách đây ba năm, ngày 21 Tháng Mười Một, 2013, tờ Công An Nhân Dân loan tin: “Phát biểu trước Quốc Hội chiều nay về vấn đề oan, sai trong điều tra hình sự, Bộ Trưởng Trần Đại Quang khẳng định: Một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng hàng đầu, xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai nhưng nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh…”

Đến ngày 29 Tháng Bảy, 2014, tờ Người Lao Động và nhiều báo tại Việt Nam đưa tin “Bộ Công An vừa Ban Hành Thông Tư 28, 2014 quy định về công tác điều tra hình sự (có hiệu lực từ ngày 25 Tháng Tám). Thông tư nghiêm cấm cán bộ điều tra có hành động bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình.”

Mời độc giả xem video: Phá đường dây mại dâm qua mạng xã hội Zalo tại Sài Gòn

Trong đó “Thông Tư 28 quy định khi điều tra vụ án hình sự, điều tra viên phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Điều tra viên phải làm rõ chứng cứ xác định có tội và không có tội; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.”

Đến ngày 28 Tháng Mười Một, 2014, Quốc Hội CSVN thông qua “Nghị quyết phê chuẩn Công Ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.” Bản nghị quyết khoe rằng: “Việt Nam xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phù hợp với các quy định của Công Ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.”

Những gì xảy ra trong thực tế cho thấy những lời tuyên bố của ông Trần Đại Quang khi còn là bộ trưởng Bộ Công An và cả cái “Thông tư 28” của Bộ Công An cấm bức cung nhục hình, và ngay cả việc phê chuẩn công ước quốc tế hoàn toàn chỉ là những trò tuyên truyền. Nghi can bị công an bắt vẫn bị đánh đập, bức cung không có gì thay đổi.

Những người nào bị tra tấn, đánh đập ở trụ sở công an mà còn mạng về nhà là những người còn may mắn. Hàng chục người mỗi năm bị tra tấn đến chết dù chỉ bị bắt hỏi cung có một vài giờ hay một vài ngày. Hầu hết các nạn nhân đều bị vu cho là “tự tử” “sốc thuốc,” “có tiền sử tim mạch” dù thân nhân của họ đều cả quyết không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Tháng trước, nhiều báo ở Việt Nam đưa tin, ngày 27 Tháng Mười, 2016, công an xã Lãng Công huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc “mời” ông Nguyễn Cao Tấn đến trụ sở để “làm rõ việc con trai ông bị mất điện thoại.”

Chiều tối cùng ngày, gia đình mang cơm đến trụ sở thì “lãnh đạo công an xã cho biết ông Tấn đã về nhà.” Khi họ hàng sang nhà chơi thấy ông Tấn kêu đau, trên người có nhiều vết bầm tím. “Chúng tôi hỏi thì ông Tấn nói bị công an xã đánh, tôi thấy bên mắt trái của ông bị tím, người nhiều vết bầm tím,” cháu ruột của ông Tấn được thuật lời trên tờ Tuổi Trẻ.

Người nhà cho biết ông Tấn kêu đau nên chỉ uống hộp sữa rồi lên giường ngủ. Sáng ngày 28 Tháng Mười, 2016, người nhà vào phòng gọi thì bàng hoàng phát hiện ông Tấn nằm bất động, ngừng thở, người cứng và lạnh, nguồn tin nói. Ông Tấn là nạn nhân thứ tám chết trong năm 2016 của công an.

Năm ngoái, có 17 nạn nhân chết trong tay công an mà riêng Tháng Mười Hai đã có tới ba nạn nhân. Năm 2014 có tới 24 nạn nhân. Năm 2013 có 12 nạn nhân và năm 2012 có 13 nạn nhân. Theo Bộ Công An báo cáo ở Quốc Hội hồi Tháng Ba, 2015, từ năm 2011 đến 2014, có đến “226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý” mà không mấy người tin đó là sự thật. (TN)

MỚI CẬP NHẬT