Wednesday, April 17, 2024

Bộ Công An Việt Nam muốn cấm dân ghi âm, ghi hình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Không “quản” được thì cấm. Viện cớ “bảo đảm trật tự,” Bộ Công An đang “lấy ý kiến” để ra một nghị định cấm không chỉ người dân mà cấm cả báo chí nhà nước ghi âm, ghi hình.

Dự thảo nghị định đang bị đám đông quần chúng phản ứng, “ném đá” dữ dội, trong khi giới luật sư cho rằng nếu được thi hành là “vi hiến.”

Tin tức cho hay Bộ Công An đã soạn thảo một nghị định về “Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.” Nghị định đang được bộ này “lấy ý kiến rộng rãi.” Nếu được chấp thuận sẽ không còn hình ảnh, video clip khi có các vụ việc “nhạy cảm” xảy ra trên cả hệ thống báo đài chính thống của chế độ.

Theo báo điện tử Dân Trí, tại Khoản 3 trong Điều 4 của dự thảo nghị định nói trên viết rằng: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.”

Nói chuyện với báo này, Luật Sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội nhận định rằng quy định được nêu trong dự thảo “vô hình trung không cho phép người dân và doanh nghiệp được sử dụng các thiết bị để ghi âm ghi hình,” tức là trái với nhiều điều khoản của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.

Còn Luật Gia Nguyễn Minh Tâm, phó tổng thư ký Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, cho rằng dự thảo nghị định của Bộ Công An là trái với Hiến Pháp của chế độ. Ông phân tích: “Việc sử dụng điện thoại thông minh có chức năng ghi âm, ghi hình để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, đời sống hoặc thực hiện những mục đích tốt đẹp trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là thuộc về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến Pháp 2013.”

Theo báo Giao Thông, hôm 12 Tháng Tư, tại một hội nghị của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch ủy ban này, đề nghị rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật, đồng thời đối chiếu với kinh nghiệm của quốc tế về việc này để xem việc quy định như dự thảo của Bộ Công An có hợp pháp hay không.

Dẫn chứng một câu chuyện thời sự đang được báo chí phản ánh rất nhiều về việc một hành khách gốc Việt bị kéo lê ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines, ông Nhân đặt vấn đề: “Vì sao cả thế giới được biết vụ này? Đó là nhờ một hành khách quay lại bằng điện thoại di động lúc đó thôi. Còn nếu họ không được phép quay thì tin tức này đã không lên mạng. Và ban đầu hãng United Airlines còn nói loanh quanh, nhưng đến bây giờ thì đã phải xin lỗi rồi. Nếu không có những phát hiện của người dân ở thời điểm đó và quay lại thì làm sao?”

Từ đó, ông khẳng định nếu không có những phương tiện nghe nhìn, ghi âm và nếu người dân và báo chí không được sử dụng thì những vụ việc như vụ việc của hãng hàng không United Airlines không thể được đưa ra công luận.

Cũng trên báo điện tử Dân Trí, chỉ một ngày sau khi bản tin về dự thảo nghị định cấm quay phim chụp hình của Bộ Công An được đưa ra, phần lớn trong số 119 độc giả của tờ báo bày tỏ phẫn nộ đối với chủ trương “không quản được thì cấm” của chế độ Hà Nội.

“Vậy thì làm gì còn câu Dân Biết, Dân Bàn Dân Làm Dân Kiểm Tra nữa,” độc giả tên Lê Hiệp viết.

“Nếu không được dùng thiết bị ghi âm ghi hình thì người dân có phát hiện những việc sai phạm pháp luật cũng phải làm ngơ,” độc giả tên Hoàng Phu viết.

“Hãy tôn trọng Hiến Pháp và pháp luật…” độc giả tên Vũ Quốc Dũng viết.

Chế độ Hà Nội thấy bất an khi hàng ngàn video clip bị coi là “độc hại,” bị phát tán rộng rãi trên YouTube và Facebook. Họ đang cố tìm cách thúc ép các công ty Mỹ loại bỏ chúng nhưng vẫn chưa được. (TN)

Nổ súng bắn người đi đường giữa Đà Lạt vì “tưởng là đối thủ”

 

MỚI CẬP NHẬT