Saturday, April 20, 2024

Đền bù thấp, dân nghèo Sài Gòn quyết không giao đất

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng trăm gia đình tại quận 4 cho biết sẽ quyết không đi nếu như không nhận được đền bù thỏa đáng việc giải tỏa khu nhà của mình. Bởi vì đa phần các gia đình tại đây là công nhân, lao động nghèo bám trụ để mưu sinh từ nhiều năm nay.

Theo báo điện tử Zing, để khai triển dự án cải thiện môi trường nước Sài Gòn, chính quyền thành phố sẽ di dời khoảng 5,800 gia đình, với hơn 26,000 người, sinh sống dọc theo tuyến kênh Tẻ-kênh Đôi, thuộc quận 4 và quận 8.

Ông Lương Minh Phúc, trưởng Ban Quản Lý Đầu Tư Xây Dựng Công Trình Giao Thông Đô Thị Sài Gòn, cho biết việc làm lại tuyến kênh, làm sạch môi trường là cần thiết. Tuyến kênh Tẻ-kênh Đôi là đường thoát nước quan trọng, giải quyết tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn trong thành phố.

“Hiện nay, nhà cửa xây cất trên kênh, ven kênh và rác thải sinh hoạt vứt trực tiếp xuống kênh, dẫn đến ô nhiễm môi trường sống và làm nước không lưu thông được,” ông cho hay.

Theo kế hoạch, những ngôi nhà sàn chồm ra mặt kênh Tẻ-kênh Đôi, phần lớn là của những người lao động nghèo sinh sống từ nhiều năm nay sẽ bị giải tỏa.

Tại khu vực cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4, nhiều gia đình đã bắt đầu di dời, để lại đống đổ nát từ những căn nhà cũ. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm gia đình kiên quyết bám trụ lại mảnh đất này. Bà Phạm Kim Giang, buôn bán tạp hóa, cho hay bà sẽ quyết không đi nếu như không nhận được giải pháp đền bù thỏa đáng.

Rác thải tràn ngập tuyến kênh Tẻ-kênh Đôi làm ngập úng mỗi khi mưa lớn trong thành phố. (Hình: Báo điện tử Zing)

Giải thích về quyết định trên, bà cho biết, giá đền bù của chính quyền là 21.9 triệu đồng/mét vuông. Trong khi đó, giá đất tại các nơi lân cận quận 4, đắt hơn nhiều lần con số đó. Vì thế, nếu phải đi, với số tiền đền bù đó, gia đình bà không thể tiếp tục ở lại nội thành được nữa mà phải dời về những vùng ngoại ô với giá đất rẻ hơn.

Ông Phan Hoàng Giang cho hay, ông cùng hai dãy nhà nữa vẫn chưa chấp nhận dời đi vì còn vướng mắc việc bồi thường đất đai. Đứng trong căn nhà từng là nơi sinh hoạt của cả gia đình, ông lắc đầu ngao ngán khi bây giờ tất cả chỉ còn là đống đổ nát hỗn độn, bởi do áp lực giải tỏa, những gia đình xung quanh ông có điều kiện hơn đã bỏ ra đi, kéo sập tường nhà ông.

“Tôi coi chỗ này là quê hương rồi, bây giờ giải tỏa thì tôi biết đi đâu?” bà Bùi Thị Ngọc, sống ven kênh Tẻ, tâm sự và là nỗi trăn trở của hàng nghìn gia đình nơi đây.

Gần trăm con người còn sót lại trong khu cù lao Nguyễn Kiệu, bấu víu nhau sống qua ngày, tới đâu hay tới đó.

Nhiều người dân lo lắng, việc di dời và tái định cư chưa chắc có cuộc sống ổn định, bởi vì môi trường sống không phù hợp, trước mắt sẽ ảnh hưởng cả gia đình do phải chuyển đổi nơi làm việc, con cái phải chuyển trường… Vì thế, tương lai cũng mịt mờ như những con hẻm nhỏ, loằng ngoằng không lối thoát.

Phía sau họ là những tòa nhà cao tầng, nằm chen chúc nhau. Nhưng việc dọn lên các chung cư đó ở, đối với họ, sẽ chỉ là một giấc mơ khó có thể thành hiện thực. (Tr.N)

Mang xe cấp cứu đi chặn cửa nhà dân đòi nợ

MỚI CẬP NHẬT