Thursday, April 18, 2024

Hà Nội phó thác cho Trung Quốc ‘quy hoạch’ hai bờ sông Hồng

HÀ NỘI (NV) .- Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đòi các sở của địa phương cung cấp tài liệu cho một công ty Trung Quốc “tư vấn” lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, đang gây phẫn nộ trong dư luận.

Các báo lớn tại Việt Nam hôm 20 Tháng Ba 2017 đồng loạt đưa tin, Văn phòng “Ủy ban nhân dân” thành phố Hà Nội ra lệnh cho “các đơn vị liên quan” việc này: “tập hợp các thông tin, tài liệu phục vụ nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng theo đề nghị của nhà đầu tư (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco).”

Những đơn vị của thành phố được lệnh cung cấp tài liệu là Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

Các bản tin đó nói Geleximco đã “chủ động mời đối tác là Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng”.

Trước khi có cái lệnh nói trên, tin tức xì ra cho biết từ đầu Tháng Hai vừa qua, đại diện tập đoàn Geleximco đã giắt chuyên viên của Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đi “khảo sát thực địa dọc hai bên bờ sông Hồng và làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội”. Dịp này, Sở Quy hoạch Kiến trúc của thành phố đã “bàn giao tài liệu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000.”

Gần một tháng sau, ngày 1 Tháng Ba 2017, Geleximco và đối tác Trung Quốc đã “làm việc” với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) của thành phố và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn. Viện Thiết kế và Quy hoạch TP Hàng Châu đề nghị Bộ NN-PTNT cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn… và các tài liệu liên quan nhưng bị thoái thác. Bộ này đòi Geleximco liên hệ với UBND thành phố Hà Nội “có ý kiến chính thức bằng văn bản” gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì mới cung cấp các số liệu trên.

Tuy nhiên, thay vì làm theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, ông trùm thành phố đã ra lệnh cho các phần sở dưới quyền của ông cung cấp tài liệu.

Giữa tháng Giêng 2017, người ta thấy có tin nhà cầm quyền thành phố Hà Nội giao cho 3 đại gia tư bản đỏ nổi tiếng gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sungroup), Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và “ý tưởng được xem xét, lựa chọn trước 30 Tháng Ba tới” đồng thời “cung cấp cho các đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu”.

Cũng tin tức được loan ra hôm 20 Tháng Ba 2017, Geleximco đã đánh bật được Sungroup của Lê Viết Lam và Vingroup của Phạm Nhật Vượng để thâu tóm dự án béo bở này. Geleximco tuy có cái tên là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội nhưng thực chất lại kiếm ăn qua các dự án địa ốc, tài chính và cũng đã từng điêu đứng tiền bạc khi thị trường nhà đất tại Việt Nam lao dốc những năm trước.

Một số người bán đồ ăn , nước uống trên cầu Long Biên, một cây cầu do người Pháp xây dựng từ thế kỷ thứ 19 bắc ngang qua sông Hồng. (Hình: Getty Images)
Một số người bán đồ ăn , nước uống trên cầu Long Biên, một cây cầu do người Pháp xây dựng từ thế kỷ thứ 19 bắc ngang qua sông Hồng. (Hình: Getty Images)

Ngỡ ngàng trước sự việc, tất cả các lời bình luận của độc giả các báo VNExpress, Tuổi Trẻ, Dân Trí, Người Lao Động đều bày tỏ từ ngạc nhiên đến phẫn nộ vì việc “quy hoạch” thủ đô lại giao cho một công ty tư nhân, rồi công ty tư nhân lại bán cái cho một công ty Trung Quốc . Người ta hỏi tại sao không gọi thầu quốc tế hay mời các chuyên viên Âu Mỹ vốn có truyền thống thiết kế đô thị ăn trùm thế giới.

Trên tờ Dân Trí, độc giả tên Sinh Phạm viết: “Sao không thuê Nhật Bản hoặc nước khác ? Tôi Thấy không ổn..” Còn độc giả tên Ngọc viết: “Bao nhiêu chuyên gia, bao nhiêu GS-TS đâu hết mà phai thuê Trung Quốc? Các vị ấy có nhiều đề tài/ dự án nghiên cứu lắm cơ mà?”

Trên tờ Người Lao Động, độc giả Phanduong viết “Qui hoạch thủ đô sao không tin tưởng nhân tài của Thủ đô?”. Còn độc giả Thái Bảo viết: “Tại sao giao Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư dự án quy hoạch sông Hồng? Tại sao không đấu thầu rộng rãi mà mời công ty Trung Quốc làm quy hoạch? Các nước phương tây có kinh nghiệm quy hoạch hơn Trung Quốc nhiều. Hàng ngàn năm với hàng ngàn bài học vẫn không nhớ sao?”

Độc giả Trung Nguyen của tờ Tuổi Trẻ viết: “Tôi giống bạn, thấy rất bất ổn khi đọc tin này. Quy hoạch hai bờ sông Hồng khó đến nỗi bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ Việt Nam không làm nổi hay sao mà phải thuê?” Độc giả khác của báo Tuổi Trẻ tên Thanh Minh chỉ viết bình luận có 4 từ: “Trời ơi là trời!”

Ngoài những chống đối về việc giao nghiêu cứu “quy hoạch” cho một nhà thầu Trung Quốc, nhiều độc giả cũng bầy tỏ ngạc nhiên tại sao chức năng quy hoạch lại được giao cho một tổ chức tư nhân, không phải phần vụ của cơ quan chuyên môn của chính quyền.

Quy hoạch đô thị tại Việt Nam xưa nay được hiểu là công cụ của nhà cầm quyền dùng để phục vụ nhu cầu phát triển từng địa phương. Các đồ án quy hoạch đi kèm theo các chỉ thị, quyết định của nhà cầm quyền, không phải do tư nhân làm rồi …giao việc cho nhà nước. Hiểu như vậy, quy hoạch đô thị là nhiệm vụ được giao cho Sở xây dựng của thành phố phối hợp với sở khác như Sở Tài Nguyên và Mội trường cùng các phần sở liên quan.

Trong khi cả nước có tới 24,000 ông bà tiến sĩ đủ kiểu đủ loại mà ngay ở thành phố Hà Nội, gần đây, cũng từng có tin không thể “tinh giản biên chế” guồng máy hành chánh ở thành phố này vì cán bộ xuống tới cấp phường cũng đầy những ông bà tiến sĩ, thạc sĩ. Chẳng lẽ nhiều “nhân tài” như thế mà không sử dụng, coi họ như phường “ăn hại đái nát” để giao việc cho tư nhân, rồi tư nhân lại mướn công ty nước ngoài “quy hoạch”.

Rồi sẽ có hàng trăm gia đình đi khiếu kiện, biểu tình vì giải tỏa đền bù kiểu cướp ngày? Làm giàu cho bọn tư bản đỏ cấu kết với đám quan lại tham nhũng? Một dự án lớn không thấy tin gần đây được đem ra hội đồng thành phố bàn bạc, phân tích mà lại nhận “yêu cầu” từ một công ty tư nhân giao đủ thứ cho người Trung Quốc làm quần chúng phẫn nộ. (TN)

Mời độc giả xem phóng sự: Con cố nhà báo Đạm Phong họp báo: Cha tôi làm việc cho CIA

MỚI CẬP NHẬT