Thursday, April 25, 2024

Giải mật hồ sơ CIA: Mọi can dự của Mỹ ở Việt Nam đều có ‘yếu tố’ Trung Quốc

Một báo cáo của CIA cuối tháng 3, mười ngày sau khi Việt Minh mở trận tấn công Ðiện Biên Phủ, có nhiều đánh giá sai về tình hình quân sự. CIA tin là quân Pháp ở Ðiện Biên Phủ có thể cầm cự mặc dầu quân Việt Minh tấn công rất mạnh và có thêm những vũ khí do Trung Quốc cung cấp gồm trọng pháo 105 ly và cao xạ phòng không vì Pháp đã chuẩn bị trận đánh từ 4 tháng trước. CIA cũng cho là sau những trận đánh đầu tiên, thành công nhưng chịu tổn thất nặng, Việt Minh sẽ chưa tổng tấn công và bằng lòng với việc vây hãm lực lượng Pháp bất động ở Ðiện Biên Phủ trong khi chuyển hướng tấn công tới các mục tiêu trong miền đồng bằng.

Sau đó, CIA cũng cho là nếu thất trận ở Ðiện Biên Phủ, Pháp vẫn còn khả năng chiến đấu và không dự đoán được là Pháp sẽ bỏ rơi Ðông Dương bằng việc ký Hiệp Ðịnh Paris. Có thể là những lượng giá như thế góp phần vào quyết định của Mỹ không thực hiện chiến dịch không quân Vulture oanh tạc Ðiện Biên Phủ, ngoài những lý do chính trị ngoại giao khác.

Sau Geneve, CIA cho là Pháp và chế độ Bảo Ðại sẽ không thể nào xây dựng chính quyền đủ mạnh để đứng vững ở miền Nam và nếu có cuộc tổng tuyển cử tổ chức năm 1956 như dự tính, Cộng Sản Bắc Việt sẽ chiếm toàn thể Việt Nam. Thời kỳ những năm tiếp theo do đó là sự leo thang can dự của Mỹ vào Việt Nam từ trợ lực hình thành chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho đến viện trợ quân sự và cuối cùng là trực tiếp đem quân đội Mỹ tham chiến.

Xem thêm video: Cựu Giám Đốc sở Tư Pháp Sài Gòn từ bỏ Đảng CSVN

Suốt cuộc chiến Việt Nam, bên cạnh mỗi quyết định của chính phủ Mỹ, luôn luôn người ta đều thấy có những báo cáo, lượng giá, dự đoán về phản ứng và chủ trương của phía Trung Quốc. Nói cách khác, hai đối tượng chính là Bắc Việt và Trung Quốc không phải luôn luôn được Mỹ coi như là một thể thống nhất trong đường hướng đối phó.

Các báo cáo của CIA nhìn nhận là rất ít thông tin tình báo về Bắc Việt kể cả chính trị, kinh tế, quân sự nhưng dự đoán giới lãnh đạo tin tưởng vững chắc triển vọng chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước. Tuy nhiên sự rạn nứt Liên Xô-Trung Cộng ngày càng sâu sắc là một khó khăn trở lực không dự kiến được.

Theo cái nhìn của CIA, mặc dầu tình hình và những diễn tiến trong thực tế đưa Bắc Việt dần dần đến gần Trung Cộng, nhưng tâm lý lại thúc đẩy các nhà lãnh đạo muốn duy trì quan hệ bền vững với Liên Xô hơn chừng nào hoàn cảnh cho phép.

Tổng Bí Thư Trường Chinh thân Trung Cộng thất thế bị buộc phải từ nhiệm năm 1956. Tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng quốc phòng, là người vẫn bất bình chống việc Trung Cộng can dự vào quân đội. Tân Tổng Bí Thư Lê Duẩn khôn khéo không để lộ quan điểm thân Liên Xô hay Trung Quốc và Hồ Chí Minh giữ được vai trò lãnh đạo tối cao bằng sự dung hòa những khác biệt trong đảng.

Vai trò chủ đạo của CIA trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cùng quan điểm của cơ quan tình báo này có ảnh hưởng đến các quyết định ở Washington như thế nào sẽ được đề cập trong những bài sau.

MỚI CẬP NHẬT