Thursday, March 28, 2024

Hà Nội lật lọng, khởi tố người dân Ðồng Tâm vụ bắt nhốt công an

HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội hôm 13 Tháng Sáu loan báo khởi tố người dân xã Ðồng Tâm, huyện Mỹ Ðức, trong vụ bắt giữ 38 cán bộ, công an, mặc dù hồi Tháng Tư vừa qua, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố đã viết bản cam kết là không khởi tố.

Hành động “lật lọng” này thể hiện bằng việc “Cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh: Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.”

Theo truyền thông Việt Nam, vụ Ðồng Tâm bùng phát vào ngày 15 Tháng Tư khi 4 người dân xã Ðồng Tâm bị công an bắt để điều tra vụ án mà họ bị cáo buộc là “gây rối trật tự công cộng” liên quan đến giải tỏa đất đai ở đồng Sênh.

Trước bất công này, nhiều người dân đã chống lại lực lượng cưỡng chế khi có cả công an vào đàn áp. Vụ việc diễn ra đỉnh điểm là người dân bắt giữ 38 cán bộ, công an giam tại trụ sở của nhà văn hóa xã.

Ðến ngày 17 Tháng Tư, người dân đã thả 15 cảnh sát cơ động và 3 người khác tự chạy thoát.

Ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội khi xuống gặp người dân xã Ðồng Tâm sau đó ký vào bản cam kết. (Hình: Zing)

Ngày 21 Tháng Tư người dân tiếp tục thả một giới chức là trưởng Ban Tuyên Giáo huyện Mỹ Ðức.

Một ngày sau, hôm 22 Tháng Tư, sau nhiều lần chần chừ, ông Nguyễn Ðức Chung, chủ tịch thành phố Hà Nội đã về Ðồng Tâm cam kết với người dân là “Không truy cứu trách nhiệm hình sự dân Ðồng Tâm.” Sau đó, 19 cán bộ và cảnh sát cơ động còn bị giữ tại nhà văn hóa thôn Hoành đã được thả.

Bản cam kết của ông Chung được làm dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc Hội (một là trưởng Ban Dân Nguyện, một là người đại diện cho dân chúng xã Ðồng Tâm tại Quốc Hội Việt Nam) được đọc cho toàn xã cùng nghe qua hệ thống loa phóng thanh.

Cũng theo tường thuật của báo chí Việt Nam người ta mới biết, trong số các con tin bị cầm giữ có ông Phạm Văn Trung, trung đoàn phó trung đoàn Cảnh Sát Cơ Ðộng Hà Nội.

Có hai điểm đáng ngạc nhiên là nhiều con tin vui vẻ bắt tay tạm biệt những người cầm giữ mình, và ông Phạm Văn Trung, sĩ quan có cấp bậc và chức vụ cao nhất, chắp tay vái chào dân chúng xã Ðồng Tâm.

Bản cam kết của ông Nguyễn Ðức Chung trong đó có điều “không khởi tố người dân Ðồng Tâm.” (Hình: Facebook)

Ngay sau vụ Ðồng Tâm kết thúc, dư luận tỏ ý nghi ngờ về giá trị pháp lý về bản cam kết của ông Nguyễn Ðức Chung khi cho rằng về nguyên tắc, ông Chung không thể thay mặt hệ thống tư pháp xác định “trách nhiệm hình sự,” nhưng người ta tin rằng, các cam kết của ông Chung không phải là quyết định cá nhân.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội CSVN, cho là cam kết của ông Chung là có căn bản pháp luật.

Ông lý luận, “Công lý là giá trị tòa án được giao nhiệm vụ bảo vệ, chứ không phải pháp luật. Với lý luận ‘Chính vì mang công lý trong tim, mà những người dân Ðồng Tâm đã phản ứng lại một cách tương thích với hành vi bắt giữ người rất tệ của những người đại diện cho chính quyền.’ Từ đó ông đặt câu hỏi, trừng trị người dân vì một sự đáp trả như vậy có đạt được công lý không?”

Vụ Ðồng Tâm gây rúng động dư luận tại Việt Nam trong nhiều ngày liền mà ngay cả giới lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN thừa nhận là “bài học lớn” như Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là “do chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật.”

Tuy nhiên, những gì thể hiện qua “quyết định khởi tố vụ án hình sự” người dân xã Ðồng Tâm, dư luận cho rằng lại một lần nữa người dân Việt Nam bị nhà cầm quyền “lừa đảo.” (KN)

MỚI CẬP NHẬT