Friday, April 19, 2024

Hỏa hoạn ở Việt Nam: Chỉ có ‘quyết tâm’ nên ‘phải cháy cứ… cháy’

CẦN THƠ (NV) – Vụ hỏa hoạn ở khối nhà của công ty Kwong Lung-Meko, tọa lạc tại khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ thiêu rụi “quyết tâm” phòng ngừa cháy nổ của hệ thống công quyền Việt Nam.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 23 Tháng Ba, lửa đột ngột bùng lên tại tầng trên cùng của khối nhà mà công ty Kwong Lung-Meko vừa dùng làm xưởng may, vừa để chứa các loại vật liệu. Tuy khối nhà chỉ có năm tầng, diện tích không lớn (một tầng khoảng 1,500 mét vuông) nhưng lực lượng cứu hỏa của thành phố Cần Thơ không dập được lửa.

Chính quyền thành phố Cần Thơ đã đề nghị Quân Khu 9 và các công ty xăng dầu ở Cần Thơ điều động xe cứu hỏa đến hỗ trợ song tới trưa cùng ngày, lửa vẫn rừng rực. Cuối cùng, chính quyền Cần Thơ phải tiếp tục đề nghị chính quyền các tỉnh: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang và thành phố Sài Gòn điều lực lượng cứu hỏa đến tiếp ứng.

Không có số liệu nhất quán về số lượng lính cứu hỏa tham gia dập lửa tại tầng năm của khối nhà thuộc công ty Kwong Lung-Meko. Một số tờ báo bảo là 300, số khác bảo là 400 nhưng trong thực tế, lính cứu hỏa và phương tiên cứu hỏa của hai thành phố, ba tỉnh, cộng với Quân Khu 9 và các công ty xăng dầu tại Cần Thơ mất tới… 26 tiếng để dập xong lửa.

Khoảng 12 giờ trưa ngày 24 Tháng Ba việc chữa cháy mới được xem là xong. Ðại diện công ty Kwong Lung-Meko cho biết, thiệt hại khoảng 6 triệu Mỹ kim và tỏ ra không hài lòng chút nào vì hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hỏa quá kém.

Một viên đại tá là phó giám đốc lực lượng cứu hỏa thành phố Cần Thơ khẳng định, lực lượng cứu hỏa của các nơi đổ về khu công nghiệp Trà Nóc chữa cháy đã “phối hợp rất chặt chẽ.” Sở dĩ thời gian chữa cháy kéo dài là vì thiếu nước.

Khi bị báo giới chất vấn, tại sao lại thiếu nước khi khối nhà của công ty Kwong Lung-Meko nằm cạnh một con rạch và cách sông Hậu chỉ khoảng một cây số, viên đại tá này chống chế, tuy có rạch, có sông nhưng khi qui hoạch, chính quyền thành phố Cần Thơ không chừa bến lấy nước nên không lấy được nước, quanh khu công nghiệp Trà Nóc rất ít trụ cấp nước chữa cháy.

Báo giới Việt Nam phát giác, lực lượng cứu hỏa của thành phố Cần Thơ có xe chuyên dụng giữ vai trò như trạm cấp nước cứu hỏa lưu động nhưng xe này không dùng được. Tình thế chỉ thay đổi – có nước dập lửa – khi một chiếc xe loại tương tự được lực lượng cứu hỏa của Sài Gòn đến hiện trường.

Kịch tính trong vụ cháy khối nhà của công ty Kwong Lung-Meko lên đến đỉnh khi trưa ngày 26 Tháng Ba, lửa bùng lên trở lại và đến 7 giờ 30 tối cùng ngày thì trở thành dữ dội, đốt trụi tất cả những thứ chưa cháy trong khối nhà này. Cho đến sáng 27 Tháng Ba, giới lãnh đạo lực lượng cứu hỏa của thành phố Cần Thơ không dám khẳng định đã thật sự dập xong lửa hay chưa.

Tin mới nhất cho biết thiệt hại của vụ hỏa hoạn vừa kể đã tăng từ 6 triệu Mỹ kim lên 25 triệu Mỹ kim. Toàn bộ vật liệu, thiết bị, nhà xưởng của công ty Kwong Lung-Meko đã thành tro.

‘Phải cháy cứ cháy’

Chính quyền Việt Nam gọi lực lượng cứu hỏa là Cảnh Sát Phòng Cháy-Chữa Cháy. Do cả khả năng lẫn phương tiện của lực lượng cứu hỏa tại Việt Nam rất tệ nên dù có lực lượng cứu hỏa, tại Việt Nam thường thì đã cháy là rụi. Ðó là lý do dân chúng Việt Nam diễn dịch bốn chữ cái PCCC – viết tắt của Phòng Cháy Chữa Cháy thành… Phải Cháy Cứ Cháy.

Theo thống kê do Bộ Công An Việt Nam công bố hồi Tháng Mười năm ngoái thì trong mười tháng đầu năm 2016, tại Việt Nam có 3,006 vụ cháy, nổ. Ngoài 98 người thiệt mạng, 180 người bị thương, tổng thiệt hại về tài sản được ước định khoảng 1,240 tỉ đồng. Trong 3,006 vụ cháy, nổ, có 29 vụ cháy các chợ, trung tâm thương mại, nhà máy, khu công nghiệp, tuy số vụ chỉ chưa đầy 1% tổng số vụ cháy nổ nhưng thiệt hại tài sản tương đương 75% tổng thiệt hại tài sản (932 tỉ đồng).

Trong một năm, Việt Nam có trên 1,000 trẻ bị xâm hại tình dục

Vào thời điểm công bố thống kê vừa kể, một viên thứ trưởng của Bộ Công An Việt Nam chỉ đốc thúc lực lượng cứu hỏa phải “tuyên truyền về phòng cháy-chữa cháy để thay đổi, nâng cao nhận thức của mỗi người dân” và “kiên quyết xử lý những nơi không hội đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn.”

Một tháng sau, vào đầu Tháng Mười Một năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Việt Nam gửi công điện đi các nơi, cảnh báo, hỏa hoạn đang gây thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất-kinh doanh. Thay vì đặt định các giải pháp để nâng cao cả năng lực lẫn hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hỏa, ông Phúc yêu cầu “thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả” một chỉ thị do Ban Bí Thư của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN ban hành năm 2015, nhằm “tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”!

Theo chỉ thị này, toàn bộ hệ thống chính trị chỉ “tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy” để “các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện,” song song với “tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao, xử lý nghiêm minh các vi phạm.” (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT