Thursday, April 18, 2024

Hoa Kỳ và Nhật tiếp tục dấn bước ở Biển Ðông

NEW YORK (NV) – Hoa Kỳ và Nhật sẽ gia tăng sự hợp tác toàn diện, kể cả hợp tác giải quyết trong những vấn đề liên quan đến Biển Ðông và Hoa Ðông.

Ðó là điều mà ông Joe Biden, phó tổng thống Hoa Kỳ và ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật cùng khẳng định sau một cuộc hội đàm bên lề cuộc họp Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, hôm 21 tháng 9, tại New York.

Thông cáo báo chí do Bạch Ốc phát hành nhấn mạnh, liên minh Hoa Kỳ-Nhật cùng thấy rằng, việc kiến tạo và duy trì một trật tự mới theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là hết sức quan trọng.

Hoa Kỳ và Nhật không màng tới sự phẫn nộ của Trung Quốc. Cuối tuần trước, sau khi bà Tomomi Inada, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, khẳng định, Nhật sẽ gia tăng hỗ trợ các quốc gia Ðông Nam Á nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền của họ ở Biển Ðông, song song với việc phối hợp với Hoa Kỳ tuần tra để bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản ứng hết sức mạnh mẽ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cáo buộc, cho dù viện dẫn lợi ích của cộng đồng quốc tế song những quyết định vừa kể của Nhật là hành vi cố tình gây rối. Nhân vật này bảo rằng, các quốc gia trong khu vực vốn đã đạt được sự đồng thuận là vấn đề Biển Ðông nên được giải quyết thông qua đối thoại giữa các bên có liên quan trực tiếp và vì Trung Quốc sẽ cùng ASEAN hợp lực duy trì sự ổn định cũng như hòa bình tại Biển Ðông nên Trung Quốc khẳng định, các quyết định của Nhật chỉ cho thấy Nhật ngoan cố không chịu thừa nhận, quan điểm của Nhật không được tán thành.

Trong lúc người ta chưa rõ tại sao Trung Quốc lại mạnh miệng khẳng định như thế khi ASEAN chưa bao giờ đồng thanh tán thành lập trường của Trung Quốc về Biển Ðông thì tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông Barrack Obama, tổng thống Hoa Kỳ, thản nhiên bồi thêm là việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền bằng các giải pháp ôn hòa theo đúng yêu cầu của luật pháp quốc tế mới tạo ra sự ổn định lâu dài. Tốt hơn nhiều so với quân sự hóa vài mỏm đá và rạn san hô.

Mời độc giả xem thêm video: Ban tranh cử Clinton chi hơn $1,5 triệu mỗi ngày

Dẫu chưa có biến chuyển đáng kể nào tại biển Ðông nhưng thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ và quyết tâm của Nhật dường như khiến nhiều quốc gia ở Ðông Nam Á yên tâm hơn. Tin mới nhất liên quan đến tương quan Trung Quốc-ASEAN-Biển Ðông là Indonesia mới cử một phái đoàn đến Hoa Kỳ để vận động Hoa Kỳ hỗ trợ củng cố một căn cứ hải quân tọa lạc tại Biển Ðông.

Giống như nhiều quốc gia Ðông Nam Á, Indonesia cũng rất ngần ngại khi đối đầu với Trung Quốc. Sự ngần ngại này không chỉ vì nội lực quân sự kém hơn mà còn vì Indonesia cần các nguồn lực từ Trung Quốc để phát triển kinh tế. Mãi đến năm ngoái, Indonesia mới bắt đầu rắn dần khi truy đuổi, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Natuna để đánh bắt trái phép. Ngoài Ðài Loan, trước đây, tham gia tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông với Trung Quốc chỉ có: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, song từ năm ngoái, có thêm Indonesia nhập cuộc. Sau Phillipines, Indonesia là thành viên thứ hai của ASEAN công khai ý định sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông xâm phạm chủ quyền của Indonesia tại quần đảo Natuna.

Một diễn biến khác cũng mới nhưng không đáng ngạc nhiên là ông Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines, vừa tuyên bố, Philippines cần sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Biển Ðông. Tuần trước, ông Duterte vừa tuyên bố Philippines muốn “trung lập” nên sẽ không tham gia tuần tra chung với Hoa Kỳ để bảo vệ quyền tự do lưu thông tại biển Ðông, vừa cho rằng Hoa Kỳ nên rút hết lực lượng đặc biệt ra khỏi Mindanao – khu vực vốn luôn luôn bất ổn bởi hoạt động của các nhóm Hồi Giáo cực đoan tại Philippines.

Tổng thống Philippines mới “nói lại cho rõ” là ông chỉ dự đoán rằng trong tương lai, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ phải rút khỏi Mindanao để chính phủ Philippines dễ dàng thương lượng với các nhóm Hồi Giáo cực đoan chứ chưa bao giờ muốn quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Philippines.

Cũng cần phải nhắc lại là gần đây, ông Duterte đưa ra khá nhiều tuyên bố khiến Philipines trở thành yếu tố khiến cục diện Biển Ðông khó đoán định. Chẳng hạn sau khi tuyên bố sẵn sàng gác “phán quyết về Biển Ðông” để hội đàm song phương với Trung Quốc nhằm tìm giải pháp thích hợp cho tranh chấp giữa hai bên về chủ quyền ở vùng biển này, ông Duterte cảnh cáo là nếu Trung Quốc tiếp tục dấn tới ở Biển Ðông thì sẽ có đổ máu. Hoặc ngay sau khi tố cáo Trung Quốc âm mưu bồi đắp bãi Scarborough thành đảo nhân tạo tại Hội Nghị Thượng Ðỉnh ASEAN, ông Duterte cho biết, Philippines muốn mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Cho dù gần đây, Philippines phát nhiều tín hiệu cho thấy muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhưng bởi ông Duterte như thế nên Trung Quốc vẫn tỏ ra hết sức dè dặt. Giữa tuần trước, khi tiếp phái đoàn đại diện ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines đến Trung Quốc để thảo luận về việc chuẩn bị cho các cuộc hội đàm chính thức giữa hai bên, ông Lưu Chấn Dân, một thứ trưởng ngoại giao của Trung Quốc chỉ nhận định rằng, quan hệ Trung Quốc và Philippines đang có bước ngoặt chứ không dám bày tỏ gì thêm. Lúc đó, một chuyên gia Trung Quốc nhận định, Philippines hiểu rất rõ vai trò quan trọng của mình trong chiến lược chuyển trục sang Châu Á của Hoa Kỳ nên đang chơi “tháu cáy.”

Ông Duterte vừa lặp lại là Philippines sẽ duy trì chính sách đối ngoại độc lập song song với việc giữ nguyên thắc mắc rằng nếu Trung Quốc tấn công thì Hoa Kỳ có can thiệp hay không. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT