Thursday, April 25, 2024

Hội nghị ‘ASEAN và các đối tác’ chú trọng tranh chấp Biển Đông

VIENTIANE (NV) – Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN và các đối tác khu vực chú trọng nhiều vào vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Khi hội nghị thượng đỉnh giữa 10 nước của khối ASEAN và các đối tác khu vực đang diễn ra ở thủ đô Lào, Philippines đã phân phối những tấm hình chụp lại từ không ảnh cho thấy một số sà lan của Trung Quốc xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, nơi đang tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và nước này.

Các tấm hình được phổ biến chỉ ít giờ trước khi các lãnh tụ ASEAN gặp Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong hội nghị Diễn Đàn ASEAN-Trung Quốc ở Vientiane hôm 7 tháng 9, 2016.

Hồi đầu tuần, Bắc Kinh phủ nhận họ không có hoạt động nào bắt đầu bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough rộng lớn và hình tam giác thành đảo nhân tạo như họ đã ngang ngược làm năm ngoái tại 7 bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa mà họ đã cướp của Việt Nam từ năm 1988.

Tuy nhiên, chính phủ Philippines nói rằng những sà lan Trung Quốc thấy ở Scarborough hồi cuối tuần trước có khả năng nạo hút cát đá và những khả năng khác để bồi đắp đảo nhân tạo.

“Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của chúng là điềm báo trước cho việc bồi đắp ở bãi đá ngầm.” Arsenio Andolong, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Philippines nói với hãng thông tấn AFP.

“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và canh chừng các hoạt động của chúng và các hoạt động của chúng rất đáng ngại.”

Nếu Trung Quốc tiến hành kế hoạch biến bãi đá ngầm Scarborough thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự, nơi này nằm hoàn toàn trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Philippines cũng như chỉ cách đảo Luzon của Phi có 230km, nơi có căn cứ của Mỹ mới được Philippines thỏa thuận trú đóng.

Tuy trưng ra các hình ảnh nhằm tố cáo Bắc Kinh chuẩn bị lấn chiếm và coi thường phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, tổng thống Philippines tránh né những lời lẽ có thể làm Bắc Kinh tức giận.

Trên một số bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp ở thủ đô Lào, được đưa tin là “Thủ tướng chia sẻ lo ngại về Biển Đông tại Hội Nghị ASEAN,” hoặc là “Việt Nam mong ASEAN và Trung Quốc tuân thủ UNCLOS.”

“Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ Việt Nam chia sẻ lo ngại sâu sắc của khu vực và quốc tế về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, gây những hệ lụy đối với môi trường hòa bình, an ninh cũng như đối với tự do hàng hải, hàng không khu vực.”

Bản tin ngày 7 tháng 9, 2016 của TTXVN viết tiếp rằng “Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tình hình ở Biển Đông chuyển biến theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển; mong các đối tác tiếp tục đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục của Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy Tắc Ưng Xử của các bên ở Biển Đông (COC).”

Đây là những lời lẽ được Bộ Ngoại Giao Việt Nam hoặc các lãnh đạo chóp bu của chế độ lập đi lập lại những năm qua, trong khi Bắc Kinh ngày càng lấn tới và Hà Nội chỉ phản đối suông.

Theo đài VOA, vấn đề tranh chấp Biển Đông không được nhấn mạnh ở phiên họp thượng đỉnh ASEAN và các đối tác mà nằm ở các phiên họp riêng rẽ giữa các nước ASEAN và các đối tác ở cấp ngoại trưởng.

Mời độc giả xem thêm video: Các nước Á Châu phát động chiến dịch bỏ ăn trầu cau

“Chúng tôi rất hãnh diện là đối tác của ASEAN vì chúng ta đều lên tiếng cho một hệ thống quốc tế đặt nền tảng trên luật lệ hầu bảo vệ quyền của mọi quốc gia bất kể là lớn hay nhỏ,” Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry nói với các đối tác ASEAN.

Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với báo giới rằng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đóng vai trò tích cực trong tiến trình soạn thảo để “giúp chủ tịch hội nghị soạn thảo một bản tuyên bố chung.”

Hồi năm 2012, một bản tuyên bố chung đã không có nổi sau phiên họp thượng đỉnh ASEAN ở thủ đô Cambodia khi nước này làm chủ tịch luân phiên. Cambodia bác bỏ văn bản có lời lẽ hàm ý đả kích Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Một phiên họp của ASEAN mấy tháng trước cũng đã bị Cambodia cản trở bản tuyên bố chung có ý đả kích Bắc Kinh.

Một điểm cụ thể đáng kể trong các hội nghị lần này là ngày 7 tháng 9, 2016, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua một bộ “nguyên tắc chỉ đạo về đường dây nóng của các nhà ngoại giao cấp cao giữa hai bên nhằm giải quyết những tình huống khẩn cấp trên biển.”

Có những hy vọng ASEAN và Trung Quốc đạt được một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) vào giữa năm tới, nhưng khi đó, Bắc Kinh đã bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough chưa, vẫn còn là dấu hỏi. (TN)

MỚI CẬP NHẬT