Thursday, April 25, 2024

Không cầu, dân Thanh Hóa liều mình cưỡi bè vượt sông trong lũ dữ

THANH HÓA, Việt Nam (NV) – Cứ mưa xuống, nước đổ về là người dân nghèo thuộc các xã Na Mèo và Sơn Thủy của huyện Quan Sơn, lại bị cô lập dài ngày, muốn đi ra bên ngoài phải dùng bè mảng để vượt qua sông Luồng cuồn cuộn sóng.

Cứ vào mùa mưa lũ, ba bản Sa Ná, Son và Ché Lầu của xã Na Mèo và hai bản Mùa Xuân, Xía Nọi của xã Sơn Thủy đều thuộc huyện Quan Sơn, với gần 500 hộ dân thường xuyên bị cô lập, kéo dài mỗi đợt hàng chục ngày do lũ về khiến nước sông Luồng dâng cao.

Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, ngày 2 Tháng Tám, kể từ trung tuần Tháng Bảy vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, huyện Quan Sơn có mưa rất to, nước sông Luồng dâng cao, chia cắt các bản trên.

Chứng kiến cảnh người già, trẻ nhỏ, xe máy… trên chiếc bè mảng mỏng manh, tròng trành vượt sông Luồng mới thấy hết sự nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi thời điểm nước lên, lòng sông rộng khoảng 80 mét, chảy xiết rất nguy hiểm, nhưng nếu không liều mình qua sông trên bè mảng thì không có cách nào để về trung tâm xã hay ra bên ngoài.

Ông Lò Văn Trọng (60 tuổi), xã Na Mèo, người đã nhiều năm được dân địa phương tin tưởng giao điều khiển bè mảng đưa người qua sông cho biết, mỗi lần vượt sông Luồng là phải căng mình ra chèo chống để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, đặc biệt là học sinh và người bệnh.

“Hơn chục năm nay tôi làm việc này, nhưng cũng chờ lúc nước xuống hoặc bớt chảy mới dám qua. Có nhiều lần, cả người lẫn tài sản bị rơi xuống sông. Biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Không liều mình đi qua thì không có gạo nấu cơm,” ông Trọng nói.

Chưa hết bàng hoàng vì vừa qua sông để kiểm tra ruộng nương sau đợt mưa lũ, bà Lương Thị Nhân, ngụ bản Hiềng, xã Na Mèo nói: “Cả tuần nay tôi phải sang sông xem lúa, sắn, ao cá ở bên bản Sa Ná có bị lũ cuốn đi không. Dù đã quen, nhưng lần nào qua sông cũng sợ bởi nước chảy xiết lắm.”

Nói với báo Thanh Niên, ông Vũ Văn Ðạt, chủ tịch huyện Quan Sơn cho biết, nhiều năm nay người dân phải sống chung với lũ, bị chia cắt thường xuyên nhưng ngân sách huyện không có để đầu tư xây cầu.

“Chúng tôi đã đề nghị tỉnh đầu tư đường và cầu qua sông Luồng. Song hiện chỉ có quyết định đầu tư đường với tổng vốn gần 30 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2016-2018. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa khởi công xây dựng được vì chưa có vốn,” ông Ðạt nói. (Tr.N)

Vào trại giam thăm chồng, bị chồng đâm chết ở Bình Thuận

MỚI CẬP NHẬT