Monday, April 15, 2024

Kinh tế Việt Nam không đạt mục tiêu của 2016

HÀ NỘI (NV) – Theo ước tính của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, GDP của Việt Nam năm 2016 chỉ tăng 6.21% so với năm 2015, không đạt mục tiêu phải tăng 6.7% mà Quốc Hội Việt Nam đề ra.

Mức tăng trưởng GDP của năm nay thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2015. Hồi 2015, mức tăng trưởng so với năm 2014 là 6.68%. Nói cách khác, bốn năm vừa qua mức tăng trưởng GDP của Việt Nam liên tục sụt giảm.

Đáng lưu ý là trong mức tăng trưởng GDP của năm 2016 (6.21%), nông nghiệp chỉ đóng góp 0.22%. So với năm 2015, mức tăng trưởng của nông nghiệp chỉ có 1.36%, thấp nhất trong năm năm vừa qua. Cần lưu ý rằng, nông nghiệp được xem là một trong những cột trụ của kinh tế Việt Nam.

Tổng Cục Thống Kê Việt Nam giải thích, nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) tiếp tục suy sụp vì thời tiết diễn biến bất lợi: Những đợt lạnh quá mức hồi đầu 2016 ở miền Bắc Việt Nam và khu vực phía Bắc miền Trung bộ. Hạn hán trầm trọng trên diện rộng ở phía Nam miền Trung, khu vực Tây Nguyên, phía Đông miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long. Các đợt lũ lụt liên tục trong bốn tháng cuối năm tại miền Trung. Vùng biển phía Bắc miền Trung bị ô nhiễm do nước thải nhiễm độc chất mà Formosa xả ra biển.

Một điểm đáng chú ý khác là lĩnh vực khai khoáng (bao gồm cả khai thác dầu khí, khai thác than), một trong những cột trụ khác của kinh tế Việt Nam, không những không có đóng góp nào vào mức tăng trưởng GDP của năm 2016 mà còn làm mức tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam năm 2016 giảm 0,33% vì so với năm 2015, mức tăng trưởng của lĩnh vực khai khoáng giảm tới 4% – mức giảm sâu nhất trong năm năm vừa qua.

Tổng Cục Thống Kê Việt Nam trấn an rằng, cho dù mức tăng trưởng GDP của năm 2016 thấp hơn năm 2015 và không đạt mục tiêu đề ra nhưng đó vẫn là một… thành công vì kinh tế thế giới suy trầm, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, diễn biến thời tiết, môi trường tại Việt Nam phức tạp.

Dẫu cho Tổng Cục Thống Kê Việt Nam cố gắng diễn giải các số liệu theo hướng lạc quan thì ít ai tin năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa.

Tháng trước, nhiều chuyên gia công khai bày tỏ rằng họ không đồng tình khi Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia (NSFC) đưa nhận định “kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được sự ổn định” vào “Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2016.”

Lúc đó, ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại, cho rằng, nhận định “kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được sự ổn định là quá chung chung” vì hiện có ba yếu tố đe dọa trực tiếp sự ổn định đó: (1) Chính phủ không thể cân bằng thu – chi ngân sách. (2) Nợ nần đã chạm ngưỡng an toàn. (3) Không xử lý được nợ xấu (nợ không có khả năng thu hồi) cho dù đã mua lại – sáp nhập một số ngân hàng thương mại để tránh tình trạng có ngân hàng phả sản. Ông Tuyển nhấn mạnh, dù chính quyền cố gắng giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của nợ xấu song nợ xấu vẫn là vấn đề lớn, hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay và giúp doanh giới vay vốn dễ dàng.

Trong “Báo cáo Tổng Quan Thị Trường Tài Chính 2016,” NFSC đã liệt kê hàng loạt số liệu nhằm chứng minh đang có những chuyển biến tốt (so với năm ngoái, tổng tài sản các định chế tài chính, tổng vốn cung ứng cho nền kinh tế, mức sinh lợi trên tài sản,… đều tăng) nhưng NFSC có “chú thích thêm” là năm tới, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức và khó khăn đến từ bên ngoài lẫn ở bên trong. Bên ngoài là sự thiếu ổn định của kinh tế thế giới, tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế toàn cầu. Bên trong là sự hạn chế của nguồn lực tài chính quốc gia, khả năng xoay sở hạn chế, chưa kể tác động của thiên tai (hạn hán, lũ lụt), ô nhiễm môi trường cản trở tăng trưởng.

Tuy NFSC cố gắng dùng các số liệu để chứng minh kinh tế Việt Nam đang hồi phục, các chính sách điều chỉnh đang phát huy tác dụng, lạm phát vẫn trong giới hạn cho phép nhưng nhiều chuyên gia, kể cả các viên chức hữu trách như trợ lý Trưởng Ban Kinh Tế của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đều cho rằng những đánh giá, nhận định của NFSC không thỏa đáng, chưa sát thực tế. Ông Nguyễn Đức Thúy, cựu chủ tịch NFSC, khuyến cáo, khi đánh giá về kinh tế, tài chính năm nay, NFSC không nên biến mình thành “nô lệ” của các chỉ tiêu đã được đặt định. Những chỉ tiêu đó không sát với tình trạng sức khỏe thật sự của nền kinh tế. Điểm chính cần phải xem xét là hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế ra sao.

Các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần, nguồn lực dành cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã kiệt. Họ đồng loạt khuyến cáo, muốn giải quyết vấn nạn kinh tế thì trước hết phải giải quyết những vấn nạn ngoài kinh tế, ví dụ như sự cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống công quyền.

Bi kịch lớn nhất của Việt Nam hình như vẫn là, giữa lúc kinh tế suy sụp vì chính sách thì chính sách vẫn tiếp tục được soạn thảo bởi một đội ngũ hình thành từ những cá nhân mua quan, bán tước, thiếu cả tư cách lẫn năng lực. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT