Thursday, March 28, 2024

Lại thêm nhà máy giấy có nguy cơ hủy diệt sông Tiền

TIỀN GIANG (NV) – Một số chuyên gia về môi trường tại Việt Nam vừa đề nghị xem lại dự án nhà máy giấy Ðại Dương ở Tiền Giang, vì nếu nhà máy này hoạt động, nước thải sẽ hủy diệt sông Tiền.

Tháng 3 vừa qua, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã cho phép công ty Chang Yang Holding của Ðài Loan xây dựng một nhà máy giấy có tên là Ðại Dương tại khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 220 triệu Mỹ kim (khoảng 5,000 tỉ đồng Việt Nam).

Cho đến nay, công ty Chang Yang Holding đã san lấp xong 228,000 mét vuông và chờ phê duyệt thiết kế nhà xưởng. Ông Weng Sheng Yao, đại diện công ty Chang Yang Holding hy vọng các thủ tục sẽ hoàn tất sớm để nhà máy giấy Ðại Dương có thể hoạt động trong năm tới.

Sở dĩ các chuyên gia về môi trường tại Việt Nam hối hả đề nghị chính quyền tỉnh Tiền Giang xem lại dự án nhà máy giấy Ðại Dương vì nhà máy này chuyên tái chế giấy phế liệu nhưng mới xin xả nước thải thẳng ra kênh rạch.

Ông Lê Trình, viện trưởng Viện Khoa Học Môi Trường và Phát Triển, kiêm phó chủ tịch Hội Ðồng Ðánh Giá Tác Ðộng Môi Trường Việt Nam, cảnh báo, việc chính quyền tỉnh Tiền Giang cho phép công ty Chang Yang Holding đầu tư-xây dựng nhà máy giấy Ðại Dương, vi phạm quan điểm phát triển công nghiệp trong quy hoạch bảo vệ môi trường của chính tỉnh này.

Ông Trình nhấn mạnh, sản xuất giấy luôn tạo ra một lượng chất thải lớn, đặc biệt đáng ngại là nước thải luôn có rất nhiều loại độc chất với hàm lượng cao, nguy hại cho cả con người lẫn các loại động vật và rất khó xử lý.

Theo ông Trình, với lưu lượng nước thải mà nhà máy giấy Ðại Dương xả ra đến 5,000 khối/ngày, hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp Long Giang sẽ không thể xử lý triệt để các độc chất.

Ngay cả khi để công ty Chang Yang Holding tự thiết kế, điều hành hệ thống xử lý nước thải thì cũng không thể loại trừ những rủi ro và tác động nguy hại cho môi sinh, môi trường như công ty này cam kết. Lúc đó, nước thải có các độc chất sẽ từ kênh rạch tràn vào sông Tiền, sông Vàm Cỏ và các chi lưu. Vì khả năng tự làm sạch của hệ thống kênh rạch vốn rất thấp nên số lượng người bị tác động có thể sẽ lớn hơn số nạn nhân ở các tỉnh miền Trung trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, nói thêm, nhà máy giấy Ðại Dương sẽ hủy diệt sự đa dạng sinh học, đất đai và nguồn nước của vùng Ðồng Tháp Mười. Ông Ni còn lưu ý là trong vài năm gần đây, do nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nước ngọt ngày càng khan hiếm, cho phép xây dựng các nhà máy giấy = vốn cần rất nhiều nước – sẽ làm tình trạng khan hiếm nước ngọt trầm trọng hơn.

Chưa rõ chính quyền tỉnh Tiền Giang và chính quyền Việt Nam sẽ quyết định thế nào đối với trường hợp nhà máy giấy Ðại Dương.

Mời độc giả xem video: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố Giải Nhân Quyền 2016

Người ta cũng chưa rõ tại sao chính quyền của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – một khu vực kênh rạch chằng chịt – lại rất thích những dự án đầu tư nhà máy giấy của các tập đoàn Châu Á, vốn rất nguy hiểm cho môi trường nước của cả khu vực.

Cách nay tám năm, tập đoàn Lee & Man Paper ở Hồng Kông được cấp giấp phép sử dụng khoảng 82 héc ta đất tại cụm công nghiệp Nam sông Hậu, tọa lại tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, để đầu tư một cụm nhà máy, trị giá khoảng 628 triệu Mỹ kim. Cụm nhà máy đó bao gồm hai nhà máy biệt lập, một sản xuất bột giấy tẩy trắng, công suất khoảng 330,000 tấn/năm và một sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp, công suất khoảng 420,000 tấn/năm.

Sau thảm họa môi trường ở phía Bắc miền Trung, hồi giữa năm nay, Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Cảng Thủy Sản Việt Nam, gửi văn bản cho thủ tướng Việt Nam và Bộ Nông nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cảnh báo, nếu cụm nhà máy giấy của Lee & Man Paper xả nước thải ra sông Hậu, con sông sẽ bị ô nhiễm trầm trọng, nguồn lợi thủy sản (tôm, cá) bị tận diệt và ảnh hưởng đến cả sản lượng của vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh báo vừa kể thật ra đã từng được đề cập trước đó mười năm, khi tập đoàn Lee & Man Paper chỉ mới có dự tính đầu tư nhưng lúc đó, chính quyền Việt Nam không thèm bận tâm…

Do sức ép của công luận, đến tháng 7, Bộ Công Thương Việt Nam mới đề nghị chính phủ Việt Nam hủy một phần giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy của Lee & Man Paper (chỉ chấp nhận cho xây dựng một nhà máy sản xuất giấy cứng để làm bao bì cao cấp), vì không thỏa mãn các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến nay, chính phủ Việt Nam chưa có quyết định cuối cùng. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT