Friday, April 19, 2024

LHQ: Việt Nam cần bỏ các điều 79, 87, 88, 245, 258

VIỆT NAM – Cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vừa khuyến cáo chính quyền Việt Nam loại bỏ hàng loạt tội trong nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia” khỏi Luật Hình Sự của Việt Nam.

Khuyến cáo này được đưa ra cùng lúc với việc chính quyền Việt Nam bị chính phủ của nhiều quốc gia và nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền chỉ trích kịch liệt vì cáo buộc cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) “tuyên truyền chống nhà nước” và tạm giam cô bốn tháng.

Cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho rằng, các điều 79 (hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điều 87 (phá hoại chính sách đoàn kết), điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước), điều 245 (gây rối trật tự công cộng), điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước) trong Luật Hình Sự hiện hành của Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn về nhân quyền của cộng đồng quốc tế.

Cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc dẫn trường hợp cô Quỳnh như một bằng chứng cho thấy, bất kỳ công dân nào của Việt Nam cũng bị biến thành tội phạm hình sự khi họ dùng các quyền tự do căn bản để bày tỏ ý kiến hay chất vấn chính phủ. Sự mơ hồ của các điều vừa kể trong luật hình sự giúp chính quyền Việt Nam dễ dàng dập tắt những ý kiến chỉ trích bằng cách tống giam và phạt tù.

Cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc liệt kê tên của hàng loạt cá nhân là nạn nhân của sự bào hành này. Ngoài cô Quỳnh còn có ông Nguyễn Văn Dài và cộng sự là cô Lê Thu Hà, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm) và cộng sự là Nguyễn Thị Minh Thúy, hai anh em Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An,… Cao ủy nhân quyền của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam phóng thích ngay lập tức những cá nhân đang bị giam giữ vì bị kết án dựa theo các điều vừa kể.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về việc sử dụng Luật Hình Sự để biến những người bất đồng chính kiến, chỉ lên tiếng một cách ôn hòa thành tội phạm hình sự.

Mời độc giả xem video: Người dân Vũng Tàu mang cá chết ra chặn quốc lộ

Hồi Tháng Ba năm ngoái, ông Heiner Bielefeldt, giáo sư về nhân quyền tại đại học Erlangen-Nurnberg ở Đức, người được Liên Hiệp Quốc chọn làm đặc phái viên và cử đến Việt Nam để tìm hiểu về tự do tôn giáo tại Việt Nam, từng báo cáo với Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc rằng, sự thiếu rõ ràng của một số điều trong Luật Hình Sự của Việt Nam đã cho chính quyền Việt Nam cơ hội tự ý định đoạt để ngăn chặn tất cả các loại hoạt động trong dân chúng nếu những hoạt động đó bị xem là mâu thuẫn với lợi ích của chính quyền. Đặc biệt là điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước) trong Luật Hình Sự hiện hành đã được áp dụng thường xuyên để hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và các quyền căn bản khác của con người.

Trước nữa, hồi Tháng Hai năm 2014, sau khi nghe Việt Nam trình bày báo cáo nhân quyền và thực hiện thủ tục kiểm điểm theo định kỳ (UPR) đối với Việt Nam, Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 227 khuyến nghị (gần gấp đôi so với UPR lần đầu thực hiện vào năm 2009, lúc đó chỉ có 123 khuyến nghị). Có tới 107 quốc gia tham gia góp ý và chất vấn Việt Nam – những góp ý và chất vấn mà lúc đó được giới truyền thông quốc tế mô tả là “một đợt sỉ vả về nhân quyền.” Sửa đổi Luật Hình Sự, Luật Tố Tụng Hình Sự đúng với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, loại bỏ một số điều khoản nhân danh an ninh quốc gia để xâm hai các quyền căn bản của con người là một trong vài điều chính yếu trong số những góp ý và chất vấn vừa kể.

Vào thời điểm đó, thay vì đối đáp với các chất vấn, những thành viên trong phái đoàn Việt Nam lại tiếp tục đọc thêm nhiều báo cáo mà nội dung hoàn toàn không liên quan đến các chất vấn.

Cuối năm ngoái, Việt Nam đã sửa Luật Hình Sự, Luật Tố Tụng Hình Sự. Riêng với Luật Hình Sự, chính quyền Việt Nam gia tăng phạt tiền, giảm hình phạt đối với các loại tội trong nhóm tội phạm về kinh tế và nhóm tội phạm về chức vụ nhưng vẫn giữ nguyên, không đề cập gì đến các tội trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia mà cộng đồng quốc tế khuyến cáo cần loại bỏ. Cuối năm trước Quốc Hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua các luật này. Lẽ ra chúng đã có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Bảy vừa qua nhưng rồi lại hoãn thi hành vào phút chót vì người ta phát giác Luật Hình Sự mới có hàng trăm lỗi gây ngỡ ngàng do quá ngớ ngẩn. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT